Tăng tính răn đe đối với doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội.

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hồ Chí Minh, tình trạng các đơn vị, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn thành phố nợ tiền BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) năm 2017 bước đầu đã được khắc phục, tổng số nợ đã giảm hơn 14% so với năm 2016. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều DN cố tình né tránh, chây ỳ gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi chính đáng của người lao động, đòi hỏi cần tăng cường tính răn đe của Bộ luật Hình sự và giải pháp đồng bộ của các cơ quan chức năng.

Sau gần sáu năm nợ BHXH kéo dài với khoảng 180 tỷ đồng (kể cả lãi phát sinh), tháng 1-2018, Tập đoàn Mai Linh đã chuyển được số tiền 45 tỷ đồng cho BHXH thành phố Hồ Chí Minh để trả nợ. Hiện tập đoàn này (bao gồm cả các đơn vị thành viên) vẫn còn đang nợ BHXH khoảng 135 tỷ đồng và cam kết sẽ thanh toán trong năm 2018. Theo BHXH thành phố, từ năm 2012, Tập đoàn Mai Linh đã bị BHXH quận 7 và BHXH quận Gò Vấp khởi kiện.

Đầu năm 2013, tòa án đã tuyên phạt tám công ty thành viên của Mai Linh, buộc đóng số tiền nợ BHXH hơn 60 tỷ đồng. Ngay sau đó, cơ quan BHXH các quận 7, Gò Vấp đã khẩn trương đề nghị thi hành án, nhưng khi xác minh thì tài khoản của Mai Linh đều rỗng. Đến giữa năm 2017, Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh chủ động liên hệ với BHXH thành phố đề xuất phương án vay tiền ngân hàng để trả nợ BHXH. Tính đến đầu tháng 3-2018, tổng số nợ BHXH của các thành viên Tập đoàn Mai Linh là 105 tỷ đồng.

Những động thái nêu trên của Tập đoàn Mai Linh được xem là một sự chuyển biến tốt về việc khắc phục nợ BHXH kéo dài nhờ tác động của Bộ luật Hình sự năm 2015, bởi trước đó, cơ quan BHXH gần như “bó tay” với việc thu hồi nợ tại tập đoàn này. Một DN khác cũng tiến hành khắc phục nợ BHXH kéo dài là Trường trung học phổ thông Quốc tế Mỹ (thuộc Công ty cổ phần Quản trị Tài nguyên Tri Thức, huyện Nhà Bè). Theo đại diện Phòng Khai thác và Thu nợ BHXH thành phố, DN này nợ BHXH kéo dài và đã bị khởi kiện nhưng thời gian đầu chây ỳ không khắc phục. Không để thiệt thòi cho người lao động, năm 2017, BHXH thành phố đã tiến hành thanh tra, xử lý quyết liệt. Kết quả, DN đã chuyển trả bốn tỷ đồng và mới đây nhất vào cuối năm 2017 đã trả tiếp 1,9 tỷ đồng nợ BHXH còn lại.

Theo quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015, từ ngày 1-1-2018, tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động sẽ bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến một tỷ đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến bảy năm tùy mức độ vi phạm. Phó Giám đốc BHXH thành phố Nguyễn Thị Thu nhận định: “Trước đây, việc xử lý các đơn vị chỉ dừng lại ở việc xử lý hành chính, cho nên chưa đủ sức răn đe. Tuy nhiên, từ năm 2018 trở đi, hành vi nêu trên sẽ có thể bị xử lý hình sự theo quy định của luật nên tác động mạnh đến các đơn vị, DN và buộc các DN phải tự giác, chủ động thực hiện tốt nghĩa vụ, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng chây ỳ, trốn đóng BHXH như hiện nay”. Theo Phó Giám đốc Nguyễn Thị Thu, năm 2017, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN tại TP Hồ Chí Minh gần 1.971 tỷ đồng, giảm 14,1% so với năm 2016. Để có được kết quả đó, bên cạnh tác động của Bộ luật Hình sự, BHXH thành phố đã tiến hành nhiều biện pháp xử lý nợ tích cực. Cụ thể, đối với DN nợ dưới ba tháng, BHXH trực tiếp đôn đốc, đối chiếu thu nợ; gửi thư thông báo công nợ đến giám đốc đơn vị và cảnh báo mức lãi phạt chậm nộp theo quy định. Tính đến ngày 31-12-2017, BHXH thành phố đã chuyển thông báo nhắc nợ đến 17.728 đơn vị, với số tiền nợ là 1.618 tỷ đồng, trong đó có 10.847 đơn vị khắc phục nợ với 952 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 85,82%). Đối với DN nợ từ ba tháng trở lên, BHXH thành phố lập danh sách chuyển cho Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội; trên cơ sở đó, Thanh tra Sở gửi văn bản nhắc nhở, đồng thời tiến hành thanh tra, xử lý vi phạm.

Bộ luật Hình sự có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018 theo hướng xử lý hình sự những chủ DN trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. Tuy nhiên, không ít DN vẫn chưa có xu hướng khắc phục việc nợ BHXH cũng như các chế độ khác của người lao động trong khi thời gian chây ỳ đóng BHXH từ hai đến ba năm, thậm chí có đơn vị nợ bảy, tám năm, làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người lao động. Thống kê từ cơ quan BHXH thành phố, đến tháng 2-2018, có mười đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN với thời gian từ sáu tháng trở lên, tiền nợ từ 7 đến hơn 27 tỷ đồng. Đơn cử như Công ty TNHH Nhà máy Sửa chữa và Đóng tàu Sài Gòn (quận 2) nợ chín tháng BHXH của người lao động, với số tiền 27,6 tỷ đồng; Công ty cổ phần Dịch vụ Bưu chính – Viễn thông Sài Gòn – SPT (quận Bình Thạnh) nợ 27 tháng BHXH của người lao động, với số tiền gần 21 tỷ đồng; Công ty TNHH Nam Phương chuyên ngành may mặc (đóng tại Khu công nghiệp Tây Bắc, huyện Củ Chi) nợ BHXH và các chế độ khác của hơn 500 công nhân, với số tiền hơn 27 tỷ đồng. Công ty này cũng nằm trong “danh sách đen” của cơ quan BHXH thành phố vì nợ BHXH kéo dài từ cuối năm 2012 đến nay. BHXH thành phố kết luận: Hành vi nợ BHXH của Công ty TNHH Nam Phương đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của người lao động, với 508 lao động không được cấp thẻ BHYT; 618 lao động đã nghỉ việc nhưng chưa được chốt và trả sổ BHXH, không được hưởng chế độ BHTN; 81 lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản nhưng không được giải quyết. Trước tình trạng nợ BHXH tại Công ty TNHH Nam Phương, lãnh đạo UBND thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản đề nghị Liên đoàn Lao động thành phố chỉ đạo Trung tâm Tư vấn pháp luật phối hợp Công đoàn các khu chế xuất – khu công nghiệp thành phố hướng dẫn thủ tục, đại diện theo ủy quyền của người lao động khởi kiện công ty ra tòa. Mới đây, BHXH TP Hồ Chí Minh cũng đã hoàn tất chuyển hồ sơ vụ việc trốn đóng BHXH, BHYT của Công ty TNHH Nam Phương sang cơ quan Công an thành phố Hồ Chí Minh, đề nghị điều tra, xử lý hình sự theo Bộ luật Hình sự.

Theo lãnh đạo BHXH thành phố Hồ Chí Minh, năm 2018, bên cạnh việc tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành và xử phạt vi phạm hành chính đối với đơn vị vi phạm, BHXH thành phố sẽ chuyển hồ sơ những DN cố tình chây ỳ khắc phục nợ BHXH sang cơ quan điều tra để xem xét xử lý hình sự. BHXH thành phố cũng tham mưu cho UBND thành phố Hồ Chí Minh ban hành văn bản chỉ đạo phòng ngừa vi phạm trong lĩnh vực BHXH. Cùng với đó, BHXH thành phố phối hợp cơ quan công an trong việc trao đổi thông tin các đơn vị sử dụng lao động còn nợ, trốn đóng để kịp thời phát hiện, đấu tranh với các loại tội phạm này.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Hội Luật gia TP Hồ Chí Minh nhận định: Việc Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 quy định trách nhiệm hình sự đối với hành vi vi phạm quy định pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN đã làm tăng trách nhiệm đối với hành vi vi phạm này. Cá nhân, pháp nhân phải chịu hình phạt nặng hơn nhiều so với quy định trước đây. Đây là cơ sở ràng buộc cá nhân, pháp nhân có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN phải thực hiện đầy đủ. Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, hiện vẫn tồn tại tình trạng người sử dụng lao động lách luật để không đóng hoặc đóng không đầy đủ theo quy định, như không ký hợp đồng với người lao động, ký loại hợp đồng không làm phát sinh nghĩa vụ đóng BHXH bắt buộc (hợp đồng cộng tác viên) hoặc mức lương thể hiện trong hợp đồng thấp hơn mức người lao động thực nhận. Do đó, những hành vi vi phạm vẫn chưa thể xử lý triệt để, kịp thời.

Theo Quý Hiền/ http://nhandan.org.vn