Thời gian gần đây, nhiều vụ việc khách hàng bỏ quên tài sản như điện thoại, ví tiền trên xe taxi của Grab hoặc Uber nhưng sau đó khó khăn tìm lại bởi các doanh nghiệp này “phủi” trách nhiệm.
Uber và Grab là đơn vị cung cấp hành trình, dịch vụ nên phải chịu trách nhiệm, phải ký hợp đồng đối với người lao động, vì đây là doanh nghiệp hoạt động vì mục đích sinh lợi, họ có phầm mềm cung cấp cho lái xe thì lái xe mới có khách nên khi quan hệ với khách hàng phải có người quản lý. Trong những trường hợp rủi ro xảy ra với khách hàng, Uber hay Grab không thể chối bỏ trách nhiệm.
Chúng ta cần nhanh chóng đưa những chính sách, cơ chế với chế tài cụ thể, chặt chẽ hơn, áp dụng với các lái xe của các doanh nghiệp này. Bên cạnh đó, những hiệp hội như Hiệp hội Taxi cũng cần ban hành bộ quy tắc quy định những việc lái xe được làm hay không được làm, từ đó loại ra khỏi đội ngũ tài xế những người không đủ điều kiện.
Thực tế lâu nay, kể cả taxi truyền thống hay với Uber và Grab, các DN đều ít khi ký hợp đồng lao động với tài xế mà có nhiều cách lách luật khác nhau. Họ không muốn ký vì sợ phải đóng BHXH, BHYT, còn người lao động nhiều khi không nghĩ lâu dài, không muốn bỏ một phần tiền ra đóng bảo hiểm nên sau này không có “của để dành”, thậm chí có những tài xế lái taxi mấy chục năm nhưng sau này vẫn “về tay trắng”.
Hiện nay, BLHS của chúng ta đã có thêm quy định về tội trốn đóng BHXH và BHYT, nên những câu chuyện này tới đây có thể tính đến việc xử lý trách nhiệm hình sự.
Với Uber và Grab, theo đúng quy định, họ phải có hợp đồng với lái xe, trong đó có những ràng buộc và điều khoản nhất định, có nguyên tắc hợp tác giữa người lao động và DN dựa trên quy định của Luật Lao động để nhằm tới mục tiêu cuối cùng là phục vụ khách hàng và khi có rủi ro xảy ra với khách hàng sẽ dễ dàng truy trách nhiệm. Cơ chế hiện nay của chúng ta đang tạo lỗ hổng, đẩy mọi rủi ro về phía khách hàng.
Ở nước ngoài, họ quản lý rất chặt, anh có muốn lái xe xuất bến đi đâu đều phải đăng ký để họ nắm được nhân thân của tài xế. Nhưng hiện nay, DN như Uber hay Grab lại chỉ tính làm sao kiếm được lợi nhuận nhiều nhất, không phải đóng thuế hay đóng BHXH nên trong nhiều trường hợp, họ lách luật để có thể phủi bỏ trách nhiệm của mình. Chính sách của ta vẫn có bất cập, lỗ hổng để họ lợi dụng.
Vì thế, tới đây, cơ quan quản lý nhà nước bắt buộc phải có cơ chế, yêu cầu DN bắt buộc phải ký hợp đồng lao động với tài xế, có đóng BHXH, nếu không thực hiện sẽ không được làm. Lái xe cũng phải đóng thuế và BHXH, để coi như một công cụ quản lý, khi hành khách mất đồ thì có địa chỉ truy ra, hoặc áp dụng các biện pháp quản lý như truy thu thuế từ nguồn của doanh nghiệp. Như vậy, vừa chống thất thu, vừa hạn chế tình trạng lái xe liên quan đến việc mất đồ của khách.
Đặc biệt, với Uber hay Grab, trước khi cung cấp phần mềm cho tài xế taxi hoạt động phải yêu cầu tài xế đó đăng ký nhân thân để nắm được thông tin chi tiết. Tức là, chúng ta cần nâng cao trách nhiệm của DN, yêu cầu họ thực hiện các quy định mà Việt Nam đặt ra.
Việc quản lý Uber hay Grab chúng ta có thể quy định trong nghị định, sau đó dần điều chỉnh và nếu cần thiết có thể đưa vào trong Luật, sửa theo hướng siết chặt hơn theo tình hình thực tế, có những quy định cụ thể hơn để ràng buộc trách nhiệm của các đơn vị này, không để khách hàng chịu rủi ro.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu
Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM