TTO – UBND tỉnh Phú Yên liên tục giao nhiều khu đất “vàng” không đấu giá. Ngay cả khi đấu giá cho thuê hai khu đất có tổng diện tích gần 12.000m2 ở trung tâm TP, UBND tỉnh cũng bị phản ứng khi đưa ra những quy định lạ khiến dư luận nghi có tiêu cực.
Có đất “vàng” sau 14 ngày nộp đơn
Ngày 1-6-2017, ông Huỳnh Tiến Đạt (giám đốc Công ty Phú Khánh Việt, cháu của một lãnh đạo Tỉnh Phú Yên) ký đơn xin thuê khu đất rộng 5.315m2 tại đây để xây trung tâm thương mại, giải trí, nhà hàng, khách sạn Phú Khánh Việt với vốn đầu tư 49 tỉ đồng.
Chỉ 14 ngày sau, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên Nguyễn Chí Hiến ký quyết định thu hồi khu đất này từ Tổng công ty Khánh Việt để cho Công ty Phú Khánh Việt thuê, trả tiền thuê đất hằng năm với giá 126.600 đồng/m2.
Vì sao tỉnh Phú Yên cho thuê không qua đấu giá theo quy định? Theo Sở TN-MT, năm 2010 UBND tỉnh có chủ trương di dời Nhà máy thuốc lá Khatoco Phú Yên ra khỏi khu đất 80 Nguyễn Huệ, đồng thời cho phép Tổng công ty Khánh Việt được lập dự án đầu tư trung tâm thương mại tại đây.
Đến ngày 11-5-2015, UBND tỉnh có thông báo cho phép điều chỉnh dự án giảm từ 27 tầng xuống còn 4 tầng, vốn đầu tư 250 tỉ đồng xuống còn 51 tỉ đồng, đồng thời phân kỳ đầu tư giai đoạn 2015-2017 và 2018-2020.
Do dự án còn đang trong quá trình thực hiện nên không thuộc diện thu hồi đất theo điều 64 Luật đất đai năm 2013.
Ngoài ra, Tổng công ty Khánh Việt có góp 25% vốn thành lập Công ty Phú Khánh Việt và đề nghị chuyển dự án nói trên bằng hình thức liên kết, liên doanh hình thành pháp nhân mới. Vì vậy, theo Sở TN-MT, trường hợp của Công ty Phú Khánh Việt không phải đấu giá thuê đất.
Tuy nhiên theo luật sư Nguyễn Văn Hậu – chủ tịch Hội Trọng tài thương mại TP.HCM, giải thích của Sở TN-MT không ổn.
Ông Hậu phân tích: “Theo điều 38 Luật đất đai 2003, Nhà máy thuốc lá Khatoco được lệnh chuyển đi nơi khác, nên khu đất này thuộc diện phải thu hồi. Nhưng lúc đó tỉnh Phú Yên cho phép lập dự án đầu tư trung tâm thương mại nên Tổng công ty Khánh Việt được tiếp tục thuê đất.
Ngày 22-3-2011, UBND tỉnh có thông báo yêu cầu năm 2012 phải hoàn tất thủ tục chuẩn bị đầu tư để cấp phép xây dựng và khởi công dự án. Thế nhưng suốt từ năm 2011-2015, dự án vẫn nằm trên giấy.
Lẽ ra phải thu hồi đất theo quy định của Luật đất đai năm 2003 và Luật đất đai năm 2013 thì vào tháng 5-2015, UBND tỉnh lại cho điều chỉnh dự án và tiến độ đầu tư tới năm 2020″.
Giao đất trái quy định
Công ty CP Pymepharco được UBND tỉnh Phú Yên giao hai khu đất “vàng” trái quy định gồm khu đất biệt thự số 327-329 Hùng Vương và khu đất thuộc Ô phố 2, đường Hùng Vương.
Năm 2003, UBND tỉnh giao hai lô đất biệt thự ký hiệu D1.1 và D1.2 rộng 781m2 trên đại lộ Hùng Vương để Pymepharco (tên cũ là Công ty Dược và vật tư y tế) xây nhà ở biệt thự chuyên gia mà không qua đấu giá.
Lúc đó tỉnh thu tiền sử dụng đất 1,27 tỉ đồng và cho nợ 50%. Ngày 16-3 vừa qua, Công ty CP Pymepharco đã chuyển nhượng cho ông Huỳnh Tấn Nam (tổng giám đốc công ty, là anh ruột của chính lãnh đạo đã đề cập ở trên) toàn bộ diện tích đất và căn biệt thự này với giá 3,4 tỉ đồng.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, thời điểm tỉnh Phú Yên giao đất biệt thự cho Pymepharco còn áp dụng Luật đất đai năm 1993.
Luật này không bắt buộc đấu giá, nhưng ngày 16-4-2001 UBND tỉnh Phú Yên ban hành quyết định số 1065 về quy chế đấu giá quyền sử dụng đất ở; đấu giá cho thuê đất chuyên dùng thuộc khu vực dự án đường Hùng Vương để làm nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng.
Quy chế này ghi rõ các tổ chức, cá nhân có nhu cầu được nhận quyền sử dụng đất ở đây phải qua đấu giá.
Chính vì vậy, việc UBND tỉnh Phú Yên giao hai lô đất biệt thự trên đường Hùng Vương cho Pymepharco không qua đấu giá là trái quy định của chính mình.
Khu đất thứ hai rộng 1.183m2 ở Ô phố 2, Hùng Vương được UBND tỉnh Phú Yên giao cho Pymepharco vào tháng 9-2007 cũng không qua đấu giá. Công ty này xin giao đất tới 70 năm để xây dựng trung tâm kinh doanh dược, mỹ phẩm và dịch vụ y tế.
Tuy nhiên sau khi được cấp sổ đỏ thì đã mang đi thế chấp ngân hàng, sau đó thế chấp góp vốn vào Công ty CP Xuất nhập khẩu dược Phú Yên.
Và đến ngày 2-7-2013, Pymepharco chuyển nhượng hẳn cho Vietcombank với giá 16 tỉ đồng, cao hơn gần 12 tỉ đồng so với tiền sử dụng đất đã nộp vào ngân sách.
“UBND tỉnh Phú Yên giao khu đất này không đấu giá là trái Luật đất đai năm 2003 và cũng trái với quyết định ngày 16-4-2001 của chính mình” – luật sư Hậu nói.
Đấu giá hai khu đất “vàng” gây tranh cãi
Đầu năm 2016, UBND tỉnh Phú Yên cho chủ trương đấu giá cho thuê khu đất số 423 Nguyễn Huệ rộng 3.477m2 và khu đất thuộc lô A11 đại lộ Hùng Vương rộng 7.569m2. Khu đất trên đường Nguyễn Huệ có gần 20 khách hàng nộp hồ sơ đấu giá.
Tuy nhiên, vào ngày 23-2-2016, tức một ngày trước phiên đấu giá, ông Hoàng Văn Trà – chủ tịch UBND tỉnh – chỉ đạo dừng đấu giá cả hai khu đất.
Ngày 30-3-2016 và 6-4-2016, UBND tỉnh Phú Yên lần lượt ban hành hai quyết định phê duyệt phương án đấu giá hai khu đất này.
Khách hàng muốn đấu giá khu đất 423 Nguyễn Huệ phải có 15 tỉ đồng tiền gửi ngân hàng trước khi phát hành hồ sơ đấu giá ít nhất 1 ngày, đặt cọc 4,7 tỉ đồng. Còn đấu giá khu đất A11 phải có ít nhất 30 tỉ đồng tiền gửi ngân hàng và đặt cọc 7,7 tỉ đồng.
Do các quy định ràng buộc tài chính nên chỉ có 3 khách hàng đủ điều kiện đấu giá gồm Công ty CP Pymepharco, Công ty CP Xuất nhập khẩu dược Phú Yên và bà Dương Thị Thủy Tú.
Tuy nhiên, theo điều tra của phóng viên, Công ty Pymepharco và Công ty Xuất nhập khẩu dược Phú Yên thực chất là anh em trong nhà. Ông Đỗ Quang Hoành là phó tổng giám đốc Pymepharco trực tiếp ký hồ sơ đấu giá.
Thời điểm đó ông Hoành cũng là một trong ba cổ đông sáng lập và nắm giữ 33% cổ phần tại Công ty Xuất nhập khẩu dược Phú Yên.
Cuộc đấu giá này bị dư luận gọi là hài kịch khi Công ty Xuất nhập khẩu dược Phú Yên trả giá một lần duy nhất cao hơn giá khởi điểm 10,3 triệu đồng rồi im lặng cho đến khi kết thúc.
Tương tự, bà Dương Thị Thủy Tú cũng trả giá cao hơn giá khởi điểm chỉ 10,7 triệu đồng rồi “xin hàng”. Pymepharco chỉ trả giá cao hơn đối thủ 1,6 triệu đồng và… thắng cuộc!
Còn khu đất A11 Hùng Vương rộng 7.569m2 từng được thông báo đấu giá cho thuê trả tiền một lần 50 năm với giá khởi điểm 77,2 tỉ đồng nhưng không thành công.
Sau đó UBND tỉnh quyết định cho trả tiền hằng năm. Có bốn khách hàng nộp hồ sơ gồm: Công ty CP xây dựng Hiệp Hòa, Công ty CP đầu tư An Gia Hưng, Công ty TNHH thương mại ôtô Dũng Tiến và bà Dương Thị Thủy Tú.
Hồ sơ chúng tôi nắm được thể hiện bà Dương Thị Thủy Tú là cổ đông đồng sáng lập Công ty ôtô Dũng Tiến (sau đó bà này xin rút hồ sơ). Còn chủ sở hữu Công ty An Gia Hưng là người nhà của Công ty CP xây dựng Hiệp Hòa, cũng tự loại khỏi cuộc chơi.
Phiên đấu giá ngày 18-5-2016 chỉ có Công ty CP xây dựng Hiệp Hòa và Công ty ôtô Dũng Tiến. Phần thắng thuộc về Công ty Hiệp Hòa vì bỏ giá cao hơn đối thủ… 2 triệu đồng và cao hơn giá khởi điểm 22,5 triệu đồng!
Luật sư, chuyên gia đấu giá Bùi Hồng Giang (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng mặc dù luật không có vùng cấm, nhưng việc UBND tỉnh Phú Yên quy định phải có ít nhất 15 tỉ đồng và 30 tỉ đồng tiền gửi sẵn trong ngân hàng trước khi phát hành hồ sơ đấu giá một ngày sẽ hạn chế một lượng lớn người tham gia đấu giá.
Theo tuoitre.vn