Để bạn đọc hiểu thêm về luật này, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP Hồ Chí Minh đã tóm tắt nội dung gửi cho Báo Kinh tế & Đô thị.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, cho biết Luật An ninh mạng (ANM) gồm 7 chương và 47 điều, với các nội dung cơ bản sau: Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh luật này quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Phạm vi điều chỉnh này khác với phạm vi điều chỉnh của Luật An toàn thông tin mạng (ATTTM) năm 2015, với phạm vi điều chỉnh là quy định về hoạt động, quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm ATTTM; mật mã dân sự; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về ATTTM; kinh doanh trong lĩnh vực ATTTM; phát triển nguồn nhân lực ATTTM; quản lý nhà nước về ATTTM.
Thứ hai, nêu rõ các biện pháp bảo vệ ANM, như: thẩm định, đánh giá điều kiện, kiểm tra, giám sát, ứng phó, khắc phục sự cố, đấu tranh bảo vệ ANM; sử dụng mật mã để bảo vệ thông tin mạng, ngăn chặn, yêu cầu ngừng cung cấp thông tin mạng; đình chỉ, tạm đình chỉ các hoạt động thiết lập, cung cấp và sử dụng mạng viễn thông công cộng, mạng viễn thông dùng riêng, mạng internet, việc sản xuất và sử dụng thiết bị phát, thu phát sóng vô tuyến theo quy định của pháp luật; yêu cầu xóa bỏ, truy cập, xóa bỏ thông tin trái pháp luật hoặc thông tin sai sự thật trên không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; thu thập dữ liệu điện tử liên quan tới hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên không gian mạng; phong tỏa, hạn chế hoạt động của hệ thống thông tin; đình chỉ, tạm đình chỉ hoặc yêu cầu ngừng hoạt động của hệ thống thông tin, thu hồi tên miền theo quy định của pháp luật; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, áp dụng các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, biện pháp thu thập chứng cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và các biện pháp khác theo quy định của pháp luật về an ninh quốc gia, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Cũng theo luật sư Hậu, ngoài những nội dung trên Luật ANM còn quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm liên quan tới ANM, như sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi soạn thảo, đăng tải, tán phát thông tin có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam (Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; Chiến tranh tâm lý, kích động chiến tranh xâm lược, chia rẽ, gây thù hận giữa các dân tộc, tôn giáo và nhân dân các nước; Xúc phạm dân tộc, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc).
Bên cạnh những hành vi nghiêm cấm nêu trên, còn có các hành vi khác cũng bị nghiêm cấm, gồm: Tổ chức, hoạt động, cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế. Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế – xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác. Hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng.
Ngoài ra Luật ANM còn nghiêm cấm những hành vi thực hiện chiến tranh mạng, tấn công mạng, gián điệp mạng, tội phạm mạng; gây sự cố hoặc phá hoại hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Sản xuất, đưa vào sử dụng công cụ, phương tiện, phần mềm hoặc có hành vi cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông; phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông; xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác. “Tựu trung lại, Luật ANM nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khi sử dụng mạng internet”, luật sư Nguyễn Văn Hậu nói.
Theo kinhtedothi.vn