Khách hàng giao dịch tại một chi nhánh Ngân hàng Đông – Nam Á (SeABank) trên địa bàn thành phố
Thời gian qua, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, dù lực lượng công an tích cực đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động tín dụng “đen”, nhưng trên thực tế, hoạt động này ngày càng biến tướng với nhiều thủ đoạn tinh vi, khiến nhiều người trở thành nạn nhân của các băng nhóm có tổ chức, gây hệ lụy xấu cho xã hội. Người dân mong muốn các cơ quan chức năng mạnh tay xử lý triệt để vấn nạn này.
Cầm lá đơn cầu cứu khẩn cấp vừa gửi đến các cơ quan chức năng, trong đó có Công an quận Bình Thạnh, chị Đỗ Th. L. ngụ phường 19, quận Bình Thạnh vẫn chưa hết hoảng loạn vì liên tục nhiều tháng qua chị bị một nhóm đối tượng đe dọa, kể cả khủng bố tinh thần với nhiều thủ đoạn khác nhau.
Theo chị L., vì cần một khoản tiền lớn để kinh doanh, thông qua bạn bè giới thiệu, chị L. vay tiền từ một số đối tượng với hình thức góp vốn. “Khi cho vay họ nói là muốn hùn hạp với tôi nên lấy lãi suất từ 1,5% đến 1,75%/ngày. Sau đó, tôi đều đặn đóng tiền lãi và gốc cho họ đầy đủ thông qua hình thức chuyển khoản vào tài khoản ngân hàng. Do công việc làm ăn của tôi có trục trặc cho nên tôi xin họ cho tôi ngừng một thời gian để xử lý. Từ đó, họ ép tôi ghi giấy mượn nợ với số tiền từ 10 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng, đồng thời buộc tôi và người thân phải quay phim, chụp ảnh để họ đưa lên mạng xã hội…”, chị L. kể lại trong sự hoảng loạn. Trong đơn cầu cứu, chị L. tha thiết đề nghị lực lượng công an, các cơ quan chức năng có thẩm quyền nhanh chóng điều tra làm rõ để xử lý đối tượng và tổ chức vi phạm nhằm bảo đảm an toàn cho chị và những người thân trong gia đình.
Qua phân tích từ các bản án cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho biết: Hiện nay, hoạt động tín dụng “đen” có nhiều thủ đoạn tinh vi và các băng nhóm có nhiều hành vi phạm pháp có tổ chức. Trong đó, các đối tượng cho vay biến tướng bằng “hợp đồng giả cách”, cho vay bằng cách mua bán nhà với lãi suất thương lượng rất cao, vượt xa so với quy định lãi suất của ngân hàng. Đồng thời, chúng có nhiều chiêu trò để giăng bẫy nạn nhân như thủ tục đơn giản, ban đầu hứa hẹn cho vay với lãi suất thấp nhưng sự thật phía sau là những chiêu bài từng bước dụ dỗ, đưa các nạn nhân vào tròng. Cũng theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, trong khi thủ tục vay ngân hàng phải qua nhiều bước theo quy định, thì vay tín dụng “đen” chỉ cần qua các app điện thoại, in-tơ-nét, cho vay nhanh gọn, không cần tài sản thế chấp cho nên dễ hấp dẫn người nghèo và biến họ trở thành “con mồi” của tín dụng “đen” .
Thiếu tá Trịnh Khánh Hùng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an thành phố cho biết, thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng “đen” tiếp tục diễn biến phức tạp, kéo theo hệ quả là sự gia tăng của nhiều loại tội phạm và hành vi trái luật có liên quan như cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự, các hành vi có dấu hiệu hình sự, đe dọa tính mạng, gây rối trật tự công cộng như đặt vòng hoa, quan tài, đổ chất bẩn… Tín dụng “đen” hoạt động thông qua nhiều phương thức, thủ đoạn như quảng cáo trên mạng, phát tờ rơi vay tiền không cần gặp mặt để đối phó với cơ quan công an, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự.
Ghi nhận trên thực tế, nạn nhân của tín dụng “đen” thuộc nhiều thành phần, từ sinh viên, học sinh, người kinh doanh buôn bán đến công nhân, người lao động… Tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng “đen” dưới hình thức huy động vốn đa cấp tài chính, chơi tiền ảo cũng xảy ra phổ biến. Công an TP Hồ Chí Minh cũng khuyến cáo người dân cần cảnh giác trước các chiêu trò, không tiếp cận các app cho vay mà hãy tiếp cận các nguồn vay chính thống.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, hiện các mức án mà pháp luật quy định cho các đối tượng cho vay nặng lãi được đánh giá là chưa tương xứng với hành vi phạm tội nên các hình phạt đưa ra chưa có tác dụng răn đe, nghiêm trị. Vì vậy, cơ quan thực thi pháp luật cần tăng cường các chế tài pháp luật đủ mạnh để nhận diện và trừng phạt tương thích với hoạt động tín dụng “đen”. Ngoài ra, để hạn chế và đẩy lùi tín dụng “đen”, Nhà nước và các cơ quan quản lý cần đẩy mạnh phát triển các loại hình tín dụng chính thống, tăng nguồn cung tín dụng, nới lỏng các điều kiện cho vay…
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú nhấn mạnh: Tín dụng “đen” không chỉ là hành vi vi phạm về hoạt động kinh tế, cho vay với quan hệ thủ tục vay mượn không đúng nguyên tắc dân sự, mà hệ lụy dẫn đến nhiều câu chuyện đau lòng, gây ra sự bất ổn trong đời sống người dân. Do đó, khi ngành ngân hàng đáp ứng được các nhu cầu chính đáng, đầy đủ về vốn cho người dân sẽ góp phần đẩy lùi và dẹp bỏ tín dụng “đen” . Đồng thời, rất cần sự vào cuộc của cả người dân, lực lượng công an, tòa án, viện kiểm sát (nếu trở thành vụ án) và cả chính quyền địa phương, các cấp, ngành trấn áp triệt để tình trạng vi phạm đối với nạn tín dụng “đen” …
Theo thống kê của Công an TP Hồ Chí Minh, sáu tháng đầu năm 2019 trên địa bàn thành phố, án trực tiếp phát sinh liên quan hoạt động tín dụng “đen” xảy ra chín vụ gồm: cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật, hủy hoại tài sản. Ngoài ra, đã phát sinh các vấn đề về an ninh trật tự gián tiếp từ 210 vụ việc người dân trình báo bị các đối tượng lạ mặt ném chất bẩn vào nhà, gọi điện đe dọa vì có liên quan đến vay tín dụng “đen”.