Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, cho rằng theo quy định của Luật Giáo dục 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành thì hành vi gian lận khi chấm thi, cho điểm không đúng quy định là hành vi bị nghiêm cấm.
Do đó, người thực hiện hành vi trên sẽ bị xử lý tùy theo mức độ nghiêm trọng của hành vi.
Đối với trường hợp điểm thi THPT quốc gia tại Hà Giang, trên cơ sở kết luận xác minh của cơ quan chức năng, người thực hiện hành vi vi phạm trong công tác chấm thi THPT quốc gia sẽ bị xử lý hành chính hay hình sự tùy theo tính chất của hành vi vi phạm theo quy định Thông tư 04/2017/TT-BGDĐT ngày 25-1-2017 của Bộ GD-ĐT về ban hành Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Về xử phạt hành chính, theo điểm c, khoản 1, điều 48 Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT, ban hành kèm theo Thông tư 04/2017/TT-BGDĐT ngày 25-1-2017 của Bộ GD-ĐT về ban hành Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT, hành vi gian lận khi chấm thi, cho điểm không đúng quy định, vượt khung hoặc hạ điểm của TS sẽ bị xử phạt với hình thức: “Tùy theo mức độ vi phạm có thể bị hạ bậc lương, hạ ngạch, cách chức hoặc chuyển đi làm công tác khác đối với những người có hành vi vi phạm”.
Ngoài các hình thức xử lý nêu trên, các cơ quan có thẩm quyền có thể cấm đảm nhiệm những công việc có liên quan đến thi từ 1 đến 5 năm đối với người thực hiện hành vi vi phạm.
Đặc biệt, đối với hành vi “Cố ý chữa điểm trên bài thi, trên biên bản chấm thi hoặc trong bảng điểm” sẽ bị xử lý với hình thức buộc thôi việc hoặc đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 359 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội giả mạo trong công tác. Theo đó, người vi phạm có thể bị phạt tù từ 1 năm đến 20 năm tùy theo mức độ nghiêm trọng của hành vi.
Ngoài các hình thức xử lý nêu trên, các cơ quan có thẩm quyền có thể cấm đảm nhiệm những công việc có liên quan đến thi từ 1 năm đến 5 năm đối với người thực hiện hành vi vi phạm.
Theo Trường Hoàng/ nld.com.vn