Được đóng ‘phạt nguội’ tại nơi cư trú từ 21-5

Vừa qua, Bộ Công an đã ban hành Thông tư 15/2022 sửa đổi, bổ sung các quy định của bốn thông tư khác do bộ này ban hành, có hiệu lực từ ngày 21-5.

Trong đó, bổ sung quy định mới về trình tự xử lý kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đối với trường hợp vi phạm nhưng không dừng được phương tiện giao thông để kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính (hay còn gọi là “phạt nguội”) tại Thông tư 65/2020.

Bị “phạt nguội”: Được giải quyết tại nơi cư trú

Theo quy định hiện nay tại Thông tư 65, trường hợp người vi phạm giao thông đường bộ bị “phạt nguội” thì phải có mặt tại trụ sở công an nơi phát hiện vi phạm hành chính (VPHC) để giải quyết vụ việc.

Từ ngày 21-5, người dân sẽ thuận tiện hơn khi đóng “phạt nguội”. Ảnh: UYÊN TRANG

Do vậy, trong thời gian qua, nhiều tài xế phải di chuyển quãng đường xa, thậm chí đi lại nhiều lần mới hoàn tất được thủ tục nộp phạt vì hành vi vi phạm ở tỉnh này nhưng lại cư trú ở tỉnh khác.

Tuy nhiên, kể từ ngày 21-5 tới đây, theo khoản 2 Điều 4 Thông tư 15/2022, trường hợp người vi phạm không cư trú tại địa bàn cấp huyện nơi cơ quan công an đã phát hiện vi phạm thì không cần phải quay lại nơi vi phạm để giải quyết mà có thể giải quyết và nộp phạt ngay tại nơi cư trú.

Cụ thể, khi tiến hành “phạt nguội” trong trường hợp nêu trên, cơ quan công an nơi phát hiện vi phạm chuyển kết quả thu thập được về công an cấp xã nơi người vi phạm cư trú nếu thuộc thẩm quyền xử phạt của trưởng công an cấp xã và công an cấp xã đã được trang bị hệ thống mạng kết nối.

Trường hợp vụ việc không thuộc thẩm quyền của trưởng công an cấp xã hoặc xã chưa được trang bị hệ thống mạng kết nối thì chuyển kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ cho công an cấp huyện.

Khi đó, người vi phạm có thể đến cơ quan công an nơi phát hiện VPHC hoặc đến cơ quan công an nơi cư trú để giải quyết vụ việc nếu việc đi lại khó khăn và không đủ điều kiện đến trực tiếp cơ quan công an nơi có hành vi vi phạm.

Có lợi cho cả người dân và CSGT

Theo ThS Lưu Đức Quang, giảng viên Khoa luật Trường ĐH Kinh tế – Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM, việc cho phép người vi phạm được giải quyết, đóng “phạt nguội” tại nơi cư trú góp phần thực hiện tốt hơn nguyên tắc “nhanh chóng, công khai…” trong xử phạt VPHC.

Đồng thời quy định mới sẽ giúp người dân giải tỏa những khó khăn khi tiến hành nộp phạt từ trước đến nay, cũng như thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số đối với hoạt động quản lý nhà nước về giao thông.

“Để thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, cần khẳng định quyền lựa chọn của người vi phạm đến trụ sở công an nơi phát hiện VPHC hoặc đến trụ sở công an cấp xã, cấp huyện nơi cư trú để giải quyết vụ việc mà không cần kèm theo lý do đi lại gặp khó khăn” – ThS Quang chia sẻ thêm.

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cho rằng quy định mới đã tháo gỡ khó khăn khi giải quyết vi phạm giao thông mà người vi phạm và hành vi vi phạm ở các địa phương khác nhau.

Điều này giúp người dân không phải di chuyển xa, mất nhiều thời gian để nộp phạt và xử lý VPHC. Đồng thời giúp công tác giải quyết VPHC của các cơ quan chức năng được thực hiện một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Theo luật sư Hậu, mặc dù hiện nay nhiều địa phương ở cấp xã chưa được trang bị hệ thống mạng kết nối hoặc hệ thống thiết bị chưa được đồng bộ nên có thể dẫn đến đường truyền bị gián đoạn.

Tuy nhiên, việc quy định chuyển hồ sơ giải quyết vi phạm giao thông về nơi cư trú của người vi phạm đã tạo ra hành lang pháp lý để làm cơ sở xây dựng hệ thống trang thiết bị kỹ thuật đồng bộ trong việc xử lý VPHC ngày một thuận lợi hơn.•

Cần sớm có ứng dụng nộp “phạt nguội”

Hiện nay, khó khăn trong việc chuyển hồ sơ vi phạm giao thông về cơ quan công an nơi cư trú của người vi phạm để xử lý là chưa đồng bộ được hệ thống mạng kết nối gửi bằng phương thức điện tử.

Do đó, để quy định nộp “phạt nguội” tại nơi cư trú phát huy tính ưu việt của nó trong thực tiễn thì các cơ quan có thẩm quyền cần phải sớm hoàn thiện hệ thống mạng kết nối giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Quan trọng nhất là phải triển khai xây dựng một ứng dụng nộp “phạt nguội” có thể cài đặt trên điện thoại thông minh và có sự liên thông dữ liệu.

Ứng dụng này sẽ thông báo cho chủ phương tiện ngay trên điện thoại nếu phát sinh lỗi vi phạm, việc xác nhận lỗi và thanh toán có thể thực hiện trực tuyến, việc nộp tiền vi phạm giao thông có thể thực hiện ở bất kỳ kho bạc nhà nước nào…, tạo thuận lợi cho người dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật.

Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU, Ủy viên thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam

TRÚC PHƯƠNG

Nguồn: Báo Mới

https://baomoi.com/duoc-dong-phat-nguoi-tai-noi-cu-tru-tu-21-5/c/42491053.epi