Biển số trúng đấu giá sẽ không được trao tặng, sang nhượng
Bộ Công an vừa ban hành dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá để lấy ý kiến.
Dự thảo đưa ra nhiều điểm mới về đấu giá xe, trong đó nội dung được dư luận quan tâm nhất là quyền sử dụng của người trúng đấu giá biển số xe sẽ như thế nào.
Bộ Công an đang lấy ý kiến của người dân với Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá
Lần này, Bộ Công an đề xuất khi đã đấu giá thành công, chủ phương tiện được quyền giữ lại biển số ngay cả khi bán xe và dùng để đăng ký cho một xe khác mang tên mình. Ngay cả khi thay đổi địa chỉ nơi thường trú khác tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, người trúng đấu giá cũng không phải nộp lại biển số.
Như vậy, biển số này sẽ “đi theo người” chứ không phải “đi theo xe” như kiểu quản lý biển kiểm soát hiện tại. Đồng nghĩa với việc người trúng đấu giá không thể mua bán, sang nhượng, trao tặng, thừa kế biển số xe cho bất kỳ ai.
Về vấn đề này, lãnh đạo Cục CSGT từng chia sẻ, biển số xe không phải là một loại hàng hóa của kinh tế thị trường mà nó là sự giao thoa giữa quản lý Nhà nước và nhu cầu của người dân.
Nếu được Quốc hội cho phép thí điểm đấu giá biển số xe, là chúng ta đã mở rộng quyền cho người dân từ việc chỉ được bấm ngẫu nhiên sang quyền được lựa chọn và tham gia đấu giá. Người trúng đấu giá biển số xe sẽ được sử dụng suốt đời, nhưng không được phép chuyển nhượng biển số trúng đấu giá đã đáp ứng được nhu cầu của người dân. Còn nếu coi biển số là một sản phẩm, hàng hóa có thể mua đi bán lại, thì có thể lại hình thành một thị trường mua bán.
Băn khoăn quyền sử dụng tài sản
Nhiều ý kiến đồng tình với đề xuất biển số đấu giá đi theo người trọn đời của Bộ Công an. Như PGS.TS Từ Sỹ Sùa – Giảng viên cao cấp trường ĐH Giao thông vận tải cho rằng, biển số đẹp phải được coi như là tài nguyên hữu hạn chứ không nên coi đây là một loại hàng hoá có thể mua bán, sẽ kéo theo rất nhiều hệ luỵ như “găm hàng”, “thổi giá”, hay nạn “cò” biển số.
Tuy nhiên, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường băn khoăn, vấn đề mấu chốt trong đấu giá biển số xe là có xác định biển số xe là “tài sản” hay không? Bởi theo quy định của pháp luật hiện nay thì thủ tục đấu giá được thực hiện theo luật đấu giá tài sản và các luật chuyên ngành. Nên nếu xác định biển số xe là tài sản thì mới có thể áp dụng các quy định của Luật đấu giá tài sản để tổ chức đấu giá.
“Mà đã coi biển số là tài sản để đấu giá, thì chủ sở hữu biển số cũng phải quyền quản lý tài sản, sử dụng tài sản và định đoạt tài sản giống như quyền sử dụng đất và các loại quyền tài sản khác theo quy định của Bộ luật Dân sự. Trường hợp không xác định đây là tài sản thì phải có quy trình quy định riêng sao cho đảm bảo tính thống nhất của các văn bản quy phạm pháp luật”, luật sư Cường phân tích.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường
Theo luật sư Cường, kể cả khi có quy định riêng để biển số xe theo người, không thể mua bán, trao tặng như đề xuất của Bộ Công an hiện nay, thì cũng cần quy định rõ hơn về thời hạn sở hữu của chủ biển số xe.
“Biển số xe theo người, vậy nếu người trúng đấu giá không may qua đời; hoặc người trúng đấu giá không có nhu cầu sử dụng ô tô nữa, thì sẽ thu hồi biển số này về kho biển số chung để tổ chức đấu giá tiếp hay như thế nào, những quy định này cũng cần làm rõ”, ông Cường đề xuất.
Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phạm Văn Hòa
Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Phạm Văn Hòa cũng cho rằng, nếu quản lý biển số đấu giá đi theo người thì nên công nhận việc thừa kế, cho tặng… đối với người sở hữu biển số này.
“Bỏ tiền ra đấu giá một cái gì đó thì nên công nhận đó là tài sản, mà đã là tài sản thì nên công nhận quyền sở hữu. Nếu người sở hữu đó mất đi thì người thân có quyền được thừa kế, hoặc người sở hữu có quyền cho tặng, bán lại”, ông Hòa nêu quan điểm.
Còn luật sư Nguyễn Văn Hậu – Ủy viên Ban thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam thì cho rằng, đề xuất biển số xe đi theo người như dự thảo hiện nay cần cân nhắc kỹ. Bởi biển số xe là dấu hiệu nhận diện xe do cơ quan có thẩm quyền cấp với mục đích chủ yếu là quản lý, lưu hành xe.
“Việc để biển số xe đi theo người trúng đấu giá suốt đời thì không hợp lý, bởi biển số xe được cấp để đăng ký và quản lý tài sản, vì vậy nó phải đi theo tài sản xe chứ không phải đi theo người”, luật sư Hậu nói.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu – Ủy viên Ban thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, thông lệ quốc tế, biển số xe là biển đăng ký xe để quản lý và lưu hành xe. Nếu công nhận đặc biệt biển số xe hình thành qua đấu giá thì vô hình chung chúng ta phân chia biển số và ý nghĩa của biển số xe làm 2 loại. Loại biển số xe đi theo con người và biển số xe đi theo tài sản. Điều này có thể phá vỡ trật tự đăng ký và quản lý biển số xe hiện nay.
“Việc trúng đấu giá biển số xe chỉ nên gắn liền với chiếc xe chứ không phải với người trúng đấu giá. Theo thông lệ quốc tế thì biển số xe là cơ sở để quản lý và lưu hành với tư cách là nguồn nguy hiểm cao độ. Tất cả các biển số xe của các quốc gia đều do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, chính vì vậy để tiện quản lý thì nên gắn với tài sản mang biển số đó”, ông Hậu nêu quan điểm.
Nguồn: Báo Giao Thông
https://www.baogiaothong.vn/ban-khoan-de-xuat-bien-so-o-to-trung-dau-gia-di-theo-nguoi-suot-doi-d550325.html