Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất khẳng định việc đấu thầu, khai thác nhượng quyền đón trả khách ở sân bay là đúng luật, trong khi hành khách phản ứng việc nhượng quyền này khiến họ phải “cõng” thêm 25.000 đồng/cuốc xe
Thiệt hại cho người dân
Theo ghi nhận của chúng tôi, những ngày qua, giao thông khu vực trước nhà ga quốc nội đã thông thoáng, không còn ùn tắc, an ninh trật tự được cải thiện. Dù vậy, theo phương án phân luồng mới, một số hành khách phản ánh họ gặp khó khăn do quãng đường di chuyển khuân vác hành lý xa hơn, mất thời gian chờ đợi thang máy lên các tầng 3, 4, 5 để đón xe công nghệ. Đáng nói hơn là hành khách không đồng tình với việc kể từ ngày 14-11, họ phải “cõng” thêm khoản phí 25.000 đồng do trả thay phí giữ xe đối với xe công nghệ vào sân bay đón khách.
Từ ngày 14-11, hành khách ra vào sân bay Tân Sơn Nhất bằng taxi, xe công nghệ phải trả thêm 25.000 đồng/cuốc
Nhận định việc thu phí này, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM, cho rằng sân bay Tân Sơn Nhất đã đi ngược lại lợi ích chung của người dân; chưa kể việc ký hợp đồng nhượng quyền kinh doanh với các hãng taxi truyền thống, tạo môi trường cạnh tranh không minh bạch giữa các doanh nghiệp vận tải. Việc Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất căn cứ theo Thông tư 17/2016/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải, quy định kinh doanh phi hàng không tại các cảng hàng không, để yêu cầu các doanh nghiệp đấu thầu, đóng tiền thuê dịch vụ tại sân bay theo hình thức nhượng quyền kinh doanh là chưa thỏa đáng, bởi thông tư này không đề cập nội dung trên.
“Rõ ràng, phía sân bay Tân Sơn Nhất viện dẫn Thông tư 17 để thu phí làm người dân phải chịu thiệt thòi vì phải trả thêm phí, trong khi hệ thống hạ tầng tại sân bay đã được ngân sách nhà nước đầu tư. Người dân mua vé máy bay cũng phải đóng thuế, dịch vụ mặt đất đầy đủ. Về nguyên tắc, khi bước xuống máy bay họ được sử dụng miễn phí hệ thống hạ tầng trong sân bay, phải được phục vụ các phương tiện vận tải để trung chuyển” – luật sư Hậu phân tích.
Do đó, theo luật sư Hậu, không có lý do gì vì chuyện nhượng quyền kinh doanh của hãng với các doanh nghiệp mà buộc người dân phải chịu thiệt thòi. Chưa kể khoản thu này mỗi ngày rất lớn, mục đích thu để làm gì cũng cần phải làm rõ.
Làm đúng luật?
Ngược lại, luật sư Hà Hải – Văn phòng Luật sư Hà Hải, Đoàn Luật sư TP HCM – nhận định việc sân bay thu phí là có cơ sở pháp lý.
Cụ thể, tại điểm b khoản 1 điều 11 Văn bản hợp nhất Luật Hàng không dân dụng số 36/VBHN-VPQH tháng 12-2019 quy định: “Dịch vụ phi hàng không là “dịch vụ cung ứng tại cảng hàng không, sân bay, trên tàu bay nhưng không thuộc dịch vụ hàng không”. Còn tại điều 40 Nghị định 102/2015 về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay nêu rõ: “Việc cung cấp dịch vụ phi hàng không tại cảng hàng không phải bảo đảm giá hợp lý, đáp ứng nhu cầu dịch vụ, phù hợp với tính chất, quy mô và điều kiện của kết cấu hạ tầng cảng hàng không. Việc lựa chọn tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phi hàng không tại cảng hàng không được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn nhà nước phải thực hiện theo nguyên tắc đấu thầu cạnh tranh, chống độc quyền”.
Luật sư Hải khẳng định: “Các cảng hàng không phải thực hiện đấu thầu cạnh tranh, chống độc quyền đối với các tổ chức, cá nhân có nhu cầu cung cấp dịch vụ phi hàng không tại cảng, ở đây là tổ chức đấu thầu với các hãng taxi vào khai thác trong sân bay”.
Tuy nhiên, cũng theo luật sư Hải, việc tổ chức đấu thầu phải công khai, minh bạch, nếu cảng không thực hiện đúng là vi phạm nguyên tắc đấu thầu cạnh trạnh, chống độc quyền theo Luật Cạnh tranh 2018.
Về thu phí đưa/đón khách ở nhà ga, lãnh đạo sân bay Tân Sơn Nhất cho rằng theo quy định tại điều 3 Thông tư 17 được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 30/2020 của Bộ Giao thông Vận tải thì người khai thác cảng hàng không, sân bay chịu trách nhiệm xây dựng, bảo trì, sửa chữa đường giao thông nội bộ trong sân bay và đường giao thông nội bộ trong cảng hàng không. Như vậy, đường giao thông dẫn vào nhà ga hay từ nhà ga ra bên ngoài mà thuộc đường giao thông nội bộ cảng hàng không thì cảng có quyền khai thác vì đã bỏ tiền ra sửa chữa, bảo trì.
Liên quan đến việc tổ chức đấu thầu, nhượng quyền khai thác cho các hãng taxi, xe công nghệ đưa đón ở sân bay, lãnh đạo sân bay Tân Sơn Nhất khẳng định làm đúng luật và có đầy đủ cơ sở pháp lý. Theo đó, tại khoản 9 điều 27 Thông tư 17 có nêu: “Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khai thác nhà ga hành khách lựa chọn các hãng taxi được nhượng quyền khai thác tại nhà ga theo nguyên tắc bảo đảm tính cạnh tranh, minh bạch thông báo công khai về hãng taxi được nhượng quyền, giá vận chuyển taxi…”. Trên cơ sở này, từ năm 2018, sân bay Tân Sơn Nhất đã có các quy định về tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi và vận tải hành khách theo hợp đồng; đồng thời có quy chế lựa chọn đơn vị thuê vị trí đậu xe đón khách bằng taxi tại sân bay bảo đảm công khai, cạnh tranh. Hiện có 4 hãng taxi gồm Vinasun, Mai Linh, Vina, Saigontourist cùng 6 đơn vị kinh doanh vận tải gồm Sasco, Satsco, Sóng Việt, ACV Unico, Avigo, Công đoàn Cảng vụ Hàng không miền Nam được nhượng quyền khai thác hoạt động đón khách. Ngoài ra, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cũng vừa chấp thuận chủ trương cho Công ty CP Be Group (ứng dụng gọi xe beBike, beCar, beTaxi) được nhượng quyền khai thác dịch vụ vận tải hành khách tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Về phản ánh của hành khách việc điều chỉnh phân luồng vẫn còn những bất cập, lãnh đạo sân bay Tân Sơn Nhất cho biết đã yêu cầu nhà để xe ga quốc nội (gọi chung là nhà giữ xe TCP) bố trí thêm nhân viên hướng dẫn, lắp đặt thêm ghế ngồi chờ cho hành khách; đầu tư lắp đặt thêm 2 thang máy dự kiến hoàn thành trước ngày 24-1-2021.