PV: Thưa ông, Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế đã tác động tích cực đến thị trường TPDN. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

LS. Nguyễn Văn Hậu: Khi phát hành và sử dụng vốn trái phiếu, doanh nghiệp cần phải tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc được quy định tại Điều 5 Nghị định 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022). Cụ thể như: Doanh nghiệp phải tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm; mục đích phát hành trái phiếu phải phù hợp với dự án đầu tư, pháp luật chuyên ngành; chỉ được thay đổi điều kiện, điều khoản trái phiếu khi được cấp có thẩm quyền thông qua và được chấp thuận bởi số người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu cùng loại đang lưu hành…

Ngoài ra, Nghị định 08/2023/NĐ-CP cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu được quyền đàm phán với trái chủ để gia hạn thay đổi kỳ hạn của trái phiếu đã phát hành, nhưng không được quá 2 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành đã công bố.

Những nội dung được sửa đổi, bổ sung thông qua Nghị định 65/2022/NĐ-CP và Nghị định 08/2023/NĐ-CP có tác động tích cực đến thị trường trái phiếu, giúp doanh nghiệp được mở rộng phạm vi thu hút nguồn vốn, vấn đề quản lý cũng được kiểm soát chặt chẽ hơn với các nguyên tắc, điều kiện được bổ sung chi tiết và được cập nhật liên tục theo xu thế thị trường.

Nguồn: Nghị định 153/2020/NĐ-CP Đồ họa: Thế Dương
Nguồn: Nghị định 153/2020/NĐ-CP. Đồ họa: Thế Dương

PV: Việc chuyển giao bất động sản từ doanh nghiệp phát hành trái phiếu sang cho nhà đầu tư thay cho phương thức trả tiền được công nhận và hợp pháp. Ông có thể phân tích rõ hơn về trách nhiệm của doanh nghiệp khi phát hành trái phiếu?

LS. Nguyễn Văn Hậu: Về trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu, Nghị định 153/2020/NĐ-CP đã quy định doanh nghiệp phải có trách nhiệm: Tuân thủ quy định pháp luật; quản lý, sử dụng vốn đúng phương án phát hành; thanh toán đầy đủ, đúng hạn; chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ và các thông tin công bố; thực hiện chế độ quản lý tài chính, kiểm toán đúng quy định. Trong trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu không tuân thủ đúng theo quy định, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nghị định 08/2023/NĐ-CP đã quy định chi tiết hơn về trách nhiệm thanh toán của doanh nghiệp phát hành trái phiếu, bổ sung trường hợp doanh nghiệp không thể thanh toán đầy đủ, đúng hạn nợ gốc, lãi trái phiếu bằng đồng Việt Nam theo phương án phát hành đã công bố thì doanh nghiệp có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán bằng tài sản khác. Như vậy, cũng có thể hiểu nếu như được nhà đầu tư chấp nhận thì doanh nghiệp phát hành trái phiếu được phép mang tài sản, hàng hóa của mình như là bất động sản để thay thế cho nghĩa vụ trả tiền.

Từ ngày Nghị định 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực, thì việc chuyển giao bất động sản từ doanh nghiệp phát hành trái phiếu sang cho nhà đầu tư để thay cho phương thức trả tiền là hoàn toàn được công nhận và hợp pháp. Các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản nhờ vào quy định tại nghị định này mà được tạo điều kiện thu hút nguồn vốn đầu tư, tăng khả năng và phương thức thanh toán, từ đó yên tâm đầu tư phát triển các dự án bất động sản.

Tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà đầu tư

Nghị định số 08/2023/NĐ-CP quyết định ngưng hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2023 đối với việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân, hoặc quy định về thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt phát hành, hoặc quy định về kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu là rất cần thiết, góp phần củng cố niềm tin vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), tháo gỡ được vướng mắc, ách tắc về “đầu vào” của doanh nghiệp phát hành trái phiếu và nhất là cho “đầu ra” của thị trường trái phiếu khi tạo điều kiện thuận lợi hơn để nhà đầu tư cá nhân tham gia đầu tư TPDN riêng lẻ từ nay đến cuối năm 2023.

PV: Việc định giá chính xác tài sản của doanh nghiệp, đặc biệt là bất động sản để trả nợ cho trái chủ là một việc không hề dễ dàng. Theo ông, doanh nghiệp cần phải có bước đi cụ thể như thế nào là hợp lý?

LS. Nguyễn Văn Hậu: Việc có thể áp dụng quy định này vào thực tế hay không còn phải dựa vào nhiều yếu tố liên quan, nhất là vấn đề “được nhà đầu tư chấp thuận”. Khi phát hành trái phiếu thì doanh nghiệp luôn bán ra với số lượng lớn, có trường hợp lên đến hàng nghìn trái chủ, việc xây dựng phương án thanh toán thỏa mãn toàn bộ trái chủ là rất khó khăn. Vấn đề đặt ra với doanh nghiệp phát hành là “mức giá nào là hợp lý để đàm phán với hàng nghìn trái chủ”, việc định giá chính xác tài sản của doanh nghiệp, đặc biệt là bất động sản để trả nợ cho trái chủ là một việc không hề dễ dàng.

Việc định giá bất động sản còn liên quan đến các khía cạnh khác như giá thị trường, thực trạng tài sản, đơn vị định giá,… rất nhiều chi phí có thể phát sinh trong quá trình này, nên việc dùng bất động sản để thay thế cho nghĩa vụ trả tiền cần phải được xây dựng phương án chi tiết và cụ thể nhất có thể, xem xét toàn bộ khía cạnh và hệ quả có thể xảy ra, từ đó doanh nghiệp phát hành trái phiếu mới có thể áp dụng phương án này để thanh toán cho trái chủ, nếu lạm dụng vô tội vạ thì sẽ gây thiệt hại đáng kể cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu lẫn trái chủ, trường hợp nghiêm trọng doanh nghiệp còn thể bị xử lý trước pháp luật.

PV: Xin cảm ơn ông!

Xây dựng thị trường trái phiếu doanh nghiệp minh bạch, bền vững

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh cho rằng, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP vừa tháo gỡ được vướng mắc, khó khăn, vừa xác định lộ trình xây dựng thị trường TPDN theo hướng minh bạch, lành mạnh, an toàn, bền vững và trở thành kênh huy động vốn xã hội hóa trung hạn, dài hạn quan trọng của nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực bất động sản.

Theo đó, quy định việc đàm phán đòi hỏi sự thiện chí, chân thành và tinh thần hợp tác của cả hai bên doanh nghiệp phát hành trái phiếu và trái chủ vì sự tồn tại của doanh nghiệp và vì quyền lợi của trái chủ. Trước hết là tạo điều kiện và cơ hội để doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, tiếp tục làm ra tiền để trả nợ trái chủ, đồng thời trái chủ cũng thể hiện sự đồng hành với doanh nghiệp trên tinh thần thấu hiểu và chia sẻ trong lúc khó khăn.

Do vậy, các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản phải rất nỗ lực để tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu sản phẩm theo hướng phát triển các phân khúc nhà ở đáp ứng nhu cầu thực, có tính thanh khoản cao như nhà ở giá vừa túi tiền, nhất là tích cực tham gia Chương trình phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội từ nay đến năm 2030, đi đôi với việc thực hiện khuyến mãi, tăng chiết khấu, giảm giá bán nhà theo phương châm chấp nhận bán lỗ để cắt lỗ để có dòng tiền, có thanh khoản trong tình hình rất khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay, để “tồn tại trước đã” rồi mới tìm cơ hội phát triển trở lại.

GIA CƯ

Nguồn: Thời báo Tài chính Việt Nam

https://thoibaotaichinhvietnam.vn/doanh-nghiep-bat-dong-san-yen-tam-hon-khi-phat-hanh-trai-phieu-123977.html