Ngày 28/10, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV thảo luận về kết quả việc thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH (Nghị quyết 54) của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Nội dung này đã nhận được sự quan tâm theo dõi của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh, bởi Nghị quyết 54 được coi sẽ tạo ra những xung lực mới mạnh mẽ hơn cho sự phát triển của thành phố mang tên Bác.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, Nghị quyết 54 có hiệu lực thi hành từ ngày 15/01/2018. Theo đó, Thành phố Hồ Chí Minh được trao quyền đối với một số nội dung thuộc các lĩnh vực quản lý như quản lý đất đai; quản lý đầu tư; quản lý tài chính-ngân sách Nhà nước và cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý.
Tâm đắc với ý kiến đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân đưa ra tại Hội trường Quốc hội chiều 28/10, Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng Nghị quyết đã tạo điều kiện cho Thành phố Hồ Chí Minh có thêm nguồn lực để tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phát huy tính năng động, sáng tạo cũng như thúc đẩy tự tháo gỡ những vấn đề khó khăn trong quá trình phát triển. Thực tế qua 5 năm triển khai, Nghị quyết 54 đã chứng minh tính đúng đắn và tầm quan trọng, tạo thêm nguồn lực phát triển mới của thành phố.
[Đề xuất kéo dài cơ chế đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh thêm một năm]
Một số cơ chế, chính sách của Nghị quyết 54 đã hỗ trợ thiết thực trong phát triển kinh tế xã hội của một trung tâm lớn của đất nước. Chẳng hạn, tiến độ triển khai những dự án nhóm A được đẩy nhanh hơn; chính sách đặc thù về quản lý đất đai đã góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, đảm bảo việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã được phê duyệt có hiệu quả, tạo nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.
Tuy nhiên, theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 54 về cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thành phố Hồ Chí Minh còn có khó khăn, chưa đạt kết quả như mong muốn. Về khách quan, trong 5 năm thực hiện nghị quyết thì có hai năm đại dịch COVID-19, một năm chuẩn bị nên việc triển khai Nghị quyết 54 trên thực tế không có nhiều thời gian. Về chủ quan, thành phố còn chậm trong việc xây dựng cơ chế, chính sách mới về thu ngân sách, về công tác triển khai một số nội dung như cổ phần hóa, thu hút nhân tài…
Nhiều nội dung triển khai Nghị quyết 54 còn chậm so với kế hoạch là do có cơ chế rồi, nhưng để thực hiện lại phải chờ hướng dẫn. Có thể nói, vấn đề lớn nhất vẫn là việc tách bạch cơ chế phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và Thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều vấn đề tuy phân cấp cho địa phương, nhưng khi thực hiện lại cần hỏi ý kiến bộ, ngành. Có những việc đã được nêu rõ trong Nghị quyết nhưng triển khai trong thực tế lại gặp khó khăn vì có nội dung còn vướng với các quy định của các luật chuyên ngành như Luật Đầu tư; Luật Đất đai …
Để đạt hiệu quả cao cho Nghị quyết 54, giải pháp trọng tâm là vấn đề phân cấp, phân quyền. Cụ thể, cần có cơ chế phân cấp, phân quyền rõ ràng hơn trong một số lĩnh vực quản lý Nhà nước cho Thành phố Hồ Chí Minh. Ví dụ như liên quan về kinh tế, đất đai, quy hoạch, xây dựng, nhà ở, môi trường… phải được minh bạch về thẩm quyền; cần xác định rõ nội dung nào do Trung ương quyết, những nội dung nào do Thành phố Hồ Chí Minh quyết định.
Cùng có chung quan điểm, Tiến sỹ Thái Thị Tuyết Dung, giảng viên Trường Đại học Kinh tế-Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng một số nội dung trong Nghị quyết 54 vẫn chưa được phân cấp, phân quyền một cách triệt để, ảnh hưởng đến hiệu quả triển khai Nghị quyết trên thực tế. Tính chủ động của thành phố trong một số lĩnh vực theo Nghị quyết 54 đã không được đảm bảo trên thực tế vì vướng vào những quy định liên quan thuộc quyền quyết định của Trung ương.
Đồng tình với ý kiến kiến nghị của đại biểu Quốc hội Trần Anh Tuấn (Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh) phát biểu trong phiên thảo luận về kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước, Tiến sỹ Thái Thị Tuyết Dung nhấn mạnh, Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế-xã hội, khoa học kỹ thuật, đầu mối giao thông của đất nước và khu vực, nên rất cần một nguồn lực đầu tư lớn để phát triển, nhưng thành phố hiện vẫn chưa có sự chủ động về ngân sách, tài chính; nhân lực nên khó tạo sự đột phá trong phát triển.
Theo Tiến sỹ Thái Thị Tuyết Dung, cần có quy định cho phép Thành phố Hồ Chí Minh được tự chủ trong việc tổ chức bộ máy chính quyền đô thị, nhất là chủ động việc thành lập các đơn vị trực thuộc, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân thành phố; Hội đồng Nhân dân thành phố được quyền xác định cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức tăng thêm để bổ sung đối với các phường, xã, thị trấn đông dân ngoài số lượng quy định của Chính phủ, phù hợp với khối lượng công việc mà cán bộ cơ sở đang phải thực hiện.
Bên cạnh đó, chính sách, cơ chế đặc thù cho sự phát triển của Thành phố phải thực sự là “đặc thù,” giúp thành phố chủ động giải quyết những nút thắt trong phát triển liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân sách; thúc đẩy sự tham gia của tất cả các nguồn lực xã hội cho sự phát triển của thành phố, tận dụng được tối đa tiềm năng, lợi thế để tạo bước đột phát, sức bật cho sự phát triển bền vững của thành phố.
Về việc đề nghị kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 54, Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng việc triển khai Nghị quyết 54 thời gian qua là bài học thực tiễn để tương lai có thể xây dựng được một cơ chế đồng bộ, phù hợp cho sự phát triển của thành phố. Do đó, đề nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết thêm một năm là hợp lý.
Trong thời gian này, các cơ quan quản lý có quỹ thời gian và có điều kiện để nghiên cứu, đánh giá, tổng kết thấu đáo về hiệu quả của Nghị quyết 54. Từ đó, đề xuất một số chính sách có thể thể chế hóa bằng luật pháp chung, một số chính sách mới phải thí điểm thêm, nhằm tạo nguồn lực thúc đẩy sự phát triển thành phố với tư cách mà một đầu tàu kinh tế của cả nước./.