Vì sao bé gái 8 tuổi bị bạo hành về sống với cha?

(PLO)- Bé A về sống cùng cha theo sự thỏa thuận của cha mẹ khi ly hôn.
Những ngày qua, vụ bé gái VA tám tuổi bị bạo hành, tử vong ở Bình Thạnh (TP.HCM) đã khiến dư luận vô cùng phẫn nộ. Cộng đồng càng đau đớn và bức xúc hơn khi người cha dù biết rõ hành động đánh đập dã man của người tình đối với con mình nhưng lại không quyết liệt ngăn cản. Người cha cho rằng đó là… một cách dạy dỗ con gái mình.

Trong những luồng tranh luận khác nhau, không ít ý kiến thắc mắc rằng “vì sao mẹ của bé gái lại trao quyền nuôi con cho người cha”.

Vì sao bé gái 8 tuổi bị bạo hành về sống với cha? - ảnh 1

Nguyễn Võ Quỳnh Trang thừa nhận nhiều lần dùng roi mây, gậy gỗ đánh đập bé A khi cháu làm bài sai. Ảnh: CA

Đơn tố cáo và yêu cầu khởi tố của bà Hạnh. Ảnh: NGUYỄN YÊN

Người cha từng tạo áp lực để sớm ly hôn

Để giải đáp thắc mắc trên, PV đã tìm gặp anh Nguyễn Quang Vinh, cậu ruột bé A. Anh Vinh cho biết khi cha mẹ A ly hôn, chị Nguyễn Thị Hạnh (em gái anh Vinh, tức mẹ ruột cháu A) đã chịu nhiều áp lực từ chồng là NKTTh, gia đình chồng và cả người mẹ kế Trang, lúc ấy là nhân tình của Th.

“Th đã ngoại tình từ một năm trước với Trang. Cô này còn ngang nhiên đến chửi bới em gái tôi, yêu cầu phải ly hôn. Th còn thuê luật sư gửi đơn xin ly hôn, tạo áp lực để em tôi phải sớm ly hôn” – anh Vinh kể lại.

Theo anh Vinh, lúc đầu Th muốn nuôi dưỡng cả hai đứa con nhưng chị Hạnh nhất quyết không đồng ý và muốn hai con về sống cùng mẹ. Vì vậy, cả hai đã xảy ra tranh chấp quyền nuôi con.

Anh Vinh nói thêm, Th đưa ra nhiều lý do như chị Hạnh không có thu nhập để nuôi hai con, có triệu chứng tâm thần để giành quyền nuôi hai con. Sau đó, do muốn nhanh chóng hoàn thành thủ tục ly hôn nên Th đã thỏa thuận giao quyền nuôi một trong hai đứa con cho chị Hạnh.

Theo quyết định công nhận thuận tình ly hôn của TAND quận 1 giải quyết việc ly hôn chị Hạnh và Th vào ngày 7-8-2020 do anh Vinh cung cấp, Th được giao nuôi dưỡng bé A (khi ấy hơn bảy tuổi) và chị Hạnh nuôi dưỡng bé A1 (em trai của bé A, năm tuổi). Hai bên đều không có yêu cầu cấp dưỡng.

Từ sau khi ly hôn, nhiều lần người mẹ và người thân bên ngoại tìm cách gặp bé A nhưng vẫn bị Th cấm cản. Lần gần nhất, chị Hạnh được gặp con là vào tháng 12-2020.

Trước cái chết của bé A, chị Hạnh suy sụp nên gia đình phải đưa chị về nhà ngoại tại Vũng Tàu để điều dưỡng. Hiện anh Vinh đang thay mặt em gái gửi đơn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của Th và người mẹ kế lên VKSND TP.HCM, Công an TP.HCM, Công an quận Bình Thạnh, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM và Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam để đòi lại công bằng cho cháu gái mình.

Trước đó, ngày 30-7-2020, TAND quận 1 đã có biên bản ghi nhận sự tự nguyện ly hôn và hòa giải thành của cha mẹ bé A.

Việc giao con phù hợp với Luật Hôn nhân và Gia đình

Về việc phân chia con cái, ThS-luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, phân tích hôn nhân gia đình (HNGĐ) là một trong các các quan hệ pháp luật dân sự. Do đó, tòa án hoặc các cơ quan chức năng khác cần phải tôn trọng và ưu tiên áp dụng thỏa thuận của các bên, nếu thỏa thuận đó không vi phạm pháp luật và không trái đạo đức xã hội.

Điều 55 Luật HN&GĐ 2014 thì trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì tòa án công nhận thuận tình ly hôn.

Mặt khác, theo khoản 2 Điều 81 Luật HN&GĐ 2014, vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con. Trường hợp con từ đủ bảy tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

“Đối chiếu quy định với quyết định công nhận thuận tình ly hôn giữa anh Th và chị Hạnh, do cả hai thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn thì tòa án phải xem xét nguyện vọng của bé A là muốn ở với cha hay với mẹ. Việc xem xét nguyện vọng của cháu A là một thủ tục bắt buộc khi giải quyết việc ly hôn của cha mẹ cháu” – LS Hậu phân tích.

Tuy nhiên, theo luật sư Hậu, quy định hiện nay là thẩm phán chỉ xem xét nguyện vọng của con nhưng không bắt buộc làm theo nguyện vọng của con. Việc giao quyền nuôi dưỡng con sẽ được thẩm phán cân nhắc dựa vào các yếu tố như điều kiện tài chính của cha, mẹ, môi trường nuôi dưỡng, giáo dục hai bên cha, mẹ… để quyết định nhằm vì lợi ích tốt nhất của đứa con.

Mẹ bé A yêu cầu khởi tố người cha

Ngày 29-12, anh Nguyễn Quang Vinh cho biết đã nhận được ủy quyền của mẹ ruột bé A làm việc với Công an quận Bình Thạnh để làm rõ trách nhiệm của người cha trước cái chết của con gái.

Cùng ngày, chị Nguyễn Thị Hạnh (mẹ ruột bé A) đã có đơn gửi Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM và VKSND TP.HCM yêu cầu khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với ông NKTTh.

Trong đơn, chị Hạnh đặt vấn đề vì sao trong suốt một năm qua, biết Trang hành hạ cháu A nhưng Th lại không quyết liệt ngăn chặn, bảo vệ con gái, đưa cháu đi chữa trị và trình báo sự việc.

Đồng thời, chị Hạnh cho rằng nội dung biên bản khám nghiêm tử thi mà chị nhận được có nêu rõ: “Cháu VA bị phù nề phổi cấp; trên cơ thể có nhiều vết bầm tím; đầu có vết rách bị cạo để khâu; đầu có vết sẹo cũ; nách trái bị bầm tím, mông bầm tím khoảng lớn. Nguyên nhân cái chết là do phù nề phổi cấp và trên cơ thể có nhiều vết bầm tím gây ra”.

Do đó, chị Hạnh yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ hành vi, đồng thời khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Th.

NGUYỄN YÊN – TRÚC PHƯƠNG

Nguồn: Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh

https://plo.vn/phap-luat/vi-sao-be-gai-8-tuoi-bi-bao-hanh-ve-song-voi-cha-1036411.html