Bé Vân An đã qua đời, giám định thương tích bằng cách nào?

TP HCM Theo chuyên gia, cơ quan tố tụng vẫn có thể giám định làm rõ thương tích của bé Vân An thông qua hồ sơ vụ án, từ đó có căn cứ xác định tội danh của các bị cáo.

Phiên xử Nguyễn Kim Trung Thái (37 tuổi) cùng người tình Nguyễn Võ Quỳnh Trang (27 tuổi) về hành vi bạo hành bé Vân An (con của Thái) phải hoãn, hôm 21/7. HĐXX đã trả hồ sơ, yêu cầu VKS điều tra bổ sung, bởi việc xác định tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khoẻ của nạn nhân bắt buộc phải trưng cầu giám định. Nhưng trong vụ án này, thủ tục giám định chưa được thực hiện. Do đó, cơ quan điều tra cần tiến hành giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể của bị hại đối với các thương tích gây ra vào các ngày 7, 10, 11 và 12/12/2021.

Việc này là để xác định nguyên nhân dẫn đến cái chết của Vân An – tức không chỉ do bị đánh đập vào ngày 22/12/2021, mà còn có thể do ảnh hưởng của những lần bị đánh trước, có Thái tham gia.

Trước đó, kết luận giám định tử thi ngày 20/1 của Phòng Kỹ thuật Hình sự Công an TP HCM xác định, nguyên nhân bé gái tử vong là phù phổi cấp do sốc chấn thương. Đến ngày 14/3, kết luận bổ sung đã giải thích về các tổn thương trên cơ thể cháu bé như sau: “Các tổn thương mới, xảy ra trong vài giờ trước khi tử vong (khoảng một giờ đến 6 giờ) là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết của nạn nhân. Các tổn thương cũ xảy ra trước khi tử vong (khoảng từ hai ngày đến 25 ngày) là yếu tố cộng thêm dẫn đến cái chết của nạn nhân”. Trong trường hợp cháu Vân An không bị đánh vào ngày 22/12/2021 thì các tổn thương cũ không gây ra cái chết.

Cháu bé đã qua đời, có thể giám định bổ sung không?

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM, căn cứ thông tư 47/2013 của Bộ Y tế, có ba trường hợp để giám định pháp y tổn hại sức khoẻ qua hồ sơ: nạn nhân đã chết nhưng phải xác định thương tích đó không phải là nguyên nhân gây ra cái chết; người được giám định đã được cơ quan có thẩm quyền công bố mất tích; người được giám định đã xuất ngoại có giấy xác nhận của Sở Ngoại vụ.

“Cháu An đã qua đời nên việc giám định sẽ thực hiện qua hồ sơ. Việc giám định thương tật bổ sung đối với cháu bé trên cơ sở hồ sơ bệnh án là căn cứ quan trọng để giải quyết vụ án, xác định tội danh của bị cáo Thái cho phù hợp với quy định pháp luật”, luật sư Hậu nói.

Trong vụ án này, Trang và Thái đã nhiều lần dùng tay, chân, cây gỗ, roi, cây kim loại (ống nối của máy hút bụi) đánh bé gái bằng nhiều cách thức khác nhau, trong nhiều ngày, nhiều giờ. Kết luận giám định pháp y bổ sung cho thấy các tổn thương cũ xảy ra trước khi bé Vân An tử vong khoảng từ hai đến 25 ngày là yếu tố cộng thêm dẫn đến cái chết của nạn nhân. Như vậy, nguyên nhân dẫn đến cái chết của cháu bé không chỉ do bị đánh đập vào ngày 22/12/2021 mà còn một phần do ảnh hưởng của những lần bị đánh trước đó.

Tuy nhiên, luật sư Hậu cho rằng, cơ quan giám định không thể giám định nạn nhân bị đánh theo ngày mà phải là theo tổn thương cơ thể để lại, mức độ ảnh hưởng của tổn thương đối với sức khỏe nạn nhân.

Nguyễn Kim Trung Thái. Ảnh: Đình Văn

Nguyễn Kim Trung Thái. Ảnh: Đình Văn

Có thể thu thập chứng cứ như thế nào

Căn cứ cáo trạng VKSND TP HCM truy tố Thái và Trang, luật sư Nguyễn Đức Thắng Ý (Hãng Luật YLaw & Partners), cho biết ngày 11/12/2021 sau khi Trang đánh cháu bé, Thái thấy con bị chảy máu đầu nên sơ cứu rồi đưa đến bệnh viện ở quận Tân Bình khâu vết thương. Như vậy, để giám định bổ sung các ngày nêu trên, cơ quan điều tra cần tiến hành thu thập hồ sơ bệnh án còn lưu lại tại cơ sở y tế, thì việc giám định trên hồ sơ sẽ ra kết quả khả thi cao hơn.

Các bước giám định gồm nghiên cứu: hồ sơ, lời khai, bệnh án, kỹ thuật cận lâm sàng, bản kết luận giám định pháp y (nếu có), các bản ảnh, hung khí (nếu có hung khí kèm theo, tiến hành giám định theo quy trình); so sánh vết thương và hung khí (bờ mép, chiều dài, chiều sâu, chiều rộng, trọng lượng vết thương…).

“Việc giám định qua hồ sơ cũng sẽ khác với giám định thực tế. Vì đối với vết thương của người bình thường, qua thời gian sẽ lành đi hoặc có thể nặng thêm. Còn đối với tử thi, quá trình khám nghiệm sẽ chụp ảnh, thể hiện vùng bị tổn thương có kích thước bao nhiêu; còn theo thời gian, vết thương đó có nặng hay nhẹ đi thì không thể biết được”, luật sư Thắng Ý phân tích.

Căn cứ theo Điều 208 Bộ luật Tố tụng Hình sự, từ khi nhận quyết định trưng cầu giám định, giám định viên phải hoàn tất hồ sơ trong vòng 9 ngày. Còn nếu cần phải bổ sung lời khai, hồ sơ… thì cơ quan giám định phải có công văn yêu cầu đối với cơ quan tố tụng và có thể kéo dài thêm thời gian để đảm bảo việc giám định được chính xác và khách quan.

Nguyễn Võ Quỳnh Trang. Ảnh: Đình Văn

Nguyễn Võ Quỳnh Trang. Ảnh: Đình Văn

Năm 2020, Thái và Trang sống như vợ chồng tại chung cư Sai Gon Pearl (quận Bình Thạnh). Khoảng tháng 10/2021, con gái riêng Vân An học trực tuyến ở nhà nên Thái giao cho người tình dạy kèm.

Theo cáo trạng, từ ngày 7 đến 22/12/2021, Trang nhiều lần dùng roi mây, cây gỗ đánh bé An. Có lần cô ta không cho cháu mặc quần áo, bắt quỳ gối, giơ hai tay lên cao rồi đánh; nhốt vào chuồng chó; hoặc bắt cháu quỳ gối để học bài trong nhiều giờ mới được đứng dậy. Thái không can ngăn mà còn cùng người tình la mắng, đánh đập con.

Khuya 10/12/2021 đến hơn 2h sáng hôm sau, đôi tình nhân thay nhau hành hạ và đánh vào vùng trọng yếu của cô bé. Riêng ngày 22/12/2021, từ 14h đến 18h, Trang liên tục đánh bé An bằng cây gỗ, đạp vào người… khiến nạn nhân bất tỉnh, sau đó tử vong. Khi biết người tình đánh Vân An tử vong, Thái đã xóa tất cả dữ liệu camera của căn hộ nhằm che giấu, gây cản trở quá trình điều tra.

Trang bị truy tố về tội Giết người và Hành hạ người khác, tổng hợp khung hình phạt cao nhất là tử hình. Thái bị cáo buộc tội Hành hạ người khác và Che giấu tội phạm, cao nhất là 8 năm tù.

Nguồn: Báo VNExpress

https://vnexpress.net/be-van-an-da-qua-doi-giam-dinh-thuong-tich-bang-cach-nao-4491368.html