Ngày thành phố bình thường trở lại và ước muốn của chúng tôi

Tình hình kiểm soát dịch bệnh trong cả nước nói chung và TPHCM nói riêng trong những ngày qua đã có nhiều khả quan. Ngày thành phố bình thường trở lại là mong mỏi của mọi người dân. Nhưng làm gì, làm thế nào để sự “bình thường” ấy được lâu dài, bền vững?

“Mở cửa” là yêu cầu tất yếu!

Dịch COVID-19 diễn ra trong thời gian dài vừa qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến mọi mặt xã hội, đặc biệt là cuộc sống của người dân. Hiện tại, thành phố đã và đang chuẩn bị các phương án cho việc bình thường trở lại. Tôi thấy rằng, việc mở cửa là yêu cầu tất yếu để từng bước khôi phục và phát triển kinh tế – xã hội, không chỉ tạo việc làm cho hàng triệu lao động mà còn là giảm áp lực cho Nhà nước về an sinh xã hội. Tôi tin rằng việc mở cửa sẽ được thành phố thực hiện trên cơ sở đánh giá tình hình thực tiễn để đảm bảo an toàn cao nhất cho công tác phòng, chống dịch. 

Luật sư Nguyễn Văn Hậu

Luật sư Nguyễn Văn Hậu

Có thể nói, việc thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội trong thời gian qua không chỉ có ý nghĩa về phòng, chống dịch mà còn thể hiện rõ sự kiểm soát tốt của chúng ta với các vấn đề an sinh, trật tự xã hội. Bằng chứng là trước dịch, tình trạng chợ tự phát phát triển tràn lan, “bao vây” chợ truyền thống, đường biến thành chợ rất phổ biến.

Việc quản lý chợ tự phát gặp nhiều khó khăn. Dịch bệnh xảy ra, các chợ tự phát và chợ truyền thống đều được các cơ quan thẩm quyền quản lý một cách chặt chẽ. Khi thành phố áp dụng tình trạng bình thường mới, hy vọng các khu vực nói trên sẽ tiếp tục được quản lý nhằm đảm bảo an toàn chống dịch. Tôi thấy rằng, việc kết hợp quản lý phòng, chống dịch đồng thời với quản lý chợ tự phát sẽ là cơ hội để thành phố từng bước dẹp các chợ tạm, chợ tự phát, từ đó giảm tình trạng kẹt xe do lấn chiếm lòng lề đường, giảm ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo báo cáo, trong thời gian tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, có hơn 1.000 người lang thang cơ nhỡ, ăn xin sinh sống nơi công cộng đã được đưa về các cơ sở hỗ trợ xã hội. Ngoài ra, công an cũng phát hiện và đưa nhiều người lang thang nghiện ma túy đi chữa bệnh. Có thể thấy, hiện nay, tình trạng người lang thang, nghiện ma túy ở TPHCM đã giảm hẳn trong cộng đồng. Để duy trì kết quả này sau khi thành phố kiểm soát được dịch bệnh, các cơ quan ban ngành có thẩm quyền cần lập danh sách người lang thang, cơ nhỡ, xin ăn, sinh sống nơi công cộng, nghiện ma túy đã quản lý được, phân loại để đưa về các cơ sở hỗ trợ xã hội hoặc có chính sách hỗ trợ việc làm cụ thể để tránh tái lập hiện trạng trước đây. 

Luật sư Nguyễn Văn Hậu – Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 

Nên cân nhắc, mở cửa từng bước

Về việc “mở cửa” để thành phố bình thường trở lại, xét về góc độ kinh tế là vô cùng cần thiết, bởi trên thực tế kinh tế gần như đang đóng băng, thu nhập người dân giảm sút, nhất là lực lượng lao động tự do, làm thuê phổ thông, trong khi không thể dùng ngân sách để “nuôi” mãi được. Tuy nhiên, do số lượng ca nhiễm hằng ngày tại TPHCM vẫn còn rất lớn, số lượng người được tiêm vắc xin vẫn chưa đảm bảo tỷ lệ đang là một trở ngại. Lo ngại nhất là hệ thống bệnh viện, lực lượng y bác sĩ sau một thời gian dài chống chọi với dịch bệnh liệu rằng họ còn đủ sức để đảm bảo duy trì… Do vậy, tôi lo ngại nhiều hơn mong đợi sự “mở cửa” này.

Ông Huỳnh Văn Lương

Ông Huỳnh Văn Lương

Ngay cả những người đã được tiêm vắc xin thì cũng chỉ là để hạn chế rủi ro về tính mạng chứ vẫn có khả năng nhiễm bệnh và lây bệnh cho những người chưa được tiêm. Do vậy, tôi vẫn mong muốn có một sự cân nhắc kỹ của lãnh đạo thành phố, chọn thời điểm, từng bước mở cửa, chứ không bắt buộc phải mở cửa hoàn toàn vào ngày 30/9.

Ông Huỳnh Văn Lương – nông dân ở H.Bình Chánh 

Mong thành phố sẽ tiếp tục tiêm đủ vắc xin cho dân

Để cuộc sống an toàn hơn trong thời gian tới, tôi mong thành phố sẽ tiếp tục tiêm vắc xin cho người dân để nhanh đạt miễn dịch cộng đồng, đặc biệt quan tâm đến độ tuổi dưới 18, vì đây là thế hệ tương lai của đất nước. Ngoài ra, thành phố cũng nên tập trung đầu tư y tế công, có kế hoạch hỗ trợ thăm khám định kỳ cho những người trên 65 tuổi. Hiện tại, những người mắc bệnh nền và nhiều bệnh khác không thể đến khám và lấy thuốc định kỳ tại các cơ sở y tế. 

Ông Trần Thế

Ông Trần Thế

Về lâu dài, thành phố cần kiến nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng ngừa COVID-19 cũng như phát triển ngành vắc xin tại Việt Nam. 

Ông Trần Thể – nhà giáo về hưu ở P.10, Q.Gò Vấp

Cần có chính sách để trẻ hóa và nâng chất đội ngũ cán bộ khu phố/ấp 

Qua thời gian thực hiện giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch, an sinh xã hội, tôi nhận thấy: Việc thực thi các chính sách cũng như chỉ đạo của cấp trên tại khu phố, tổ dân phố nơi tôi ở còn rất chậm, chệch choạc và chưa sát. Một phần là do đại đa số các cán bộ khu phố, tổ trưởng dân phố đều là những người lớn tuổi, đã về hưu, làm tình nguyện, phụ cấp ba cọc ba đồng… nên độ nhanh nhạy, khả năng ứng biến tình huống, cập nhật công nghệ thông tin còn chậm, chưa nói là sức khỏe nhiều người cũng không đảm bảo.

Chị Trần Nguyễn Xuân Thảo

Chị Trần Nguyễn Xuân Thảo

Do vậy, việc cần làm trong thời gian tới theo tôi là nên trẻ hóa đội ngũ cán bộ khu phố. Đây là những người đại diện chính quyền gần dân nhất. Họ cần có đủ sức khỏe, trình độ, năng lực, sự nhạy bén cũng như nhiệt tình để giải quyết các vấn đề một cách tốt nhất. Theo tôi, trưởng khu phố/ấp không phải là công việc thiện nguyện nên rất cần phải có chính sách và sự quan tâm nâng chất lực lượng này.
Chị Trần Nguyễn Xuân Thảo – nhân viên ngân hàng ở Q.Phú Nhuận

Cần mạnh tay với các chợ tự phát, quán ăn nhậu lấn chiếm lòng lề đường

Khi thành phố mở cửa trở lại thì cũng nên cấm hết các chợ tự phát và nhất là tiếp tục cấm các quán ăn, quán nhậu lấn chiếm vỉa hè, giữ vệ sinh lòng lề đường. Cần mạnh tay như hiện nay để gìn giữ trật tự, mỹ quan thành phố.

Anh Phạm Đức Nhuận

Anh Phạm Đức Nhuận

Thực tế cho thấy những hoạt động buôn bán này đã phát sinh nhiều vấn nạn xã hội như: xả rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, nghẹt cống thoát nước, thực phẩm không có nguồn gốc rõ ràng, kẹt xe, mất an ninh trật tự… Thay vào đó, thành phố cần có phương án bố trí địa điểm kinh doanh cho các tiểu thương bằng các giải pháp thích hợp như mở rộng hoặc xây thêm các chợ mới gần khu vực chợ tạm đã giải tỏa.

Anh Phạm Đức Nhuận – kỹ sư, Khu công nghệ cao TPHCM

Cần chăm lo tốt cho F0

Lần mở cửa trở lại này tôi nghĩ thành phố nên tập trung quản lý, chăm lo tốt các hộ F0 bằng cách quan tâm đến họ từ việc hỗ trợ thuốc men, thức ăn, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thay vì điều động lực lượng kiểm soát trên các tuyến đường lớn, nhỏ. 

Ông Nguyễn Thành Xuân

Ông Nguyễn Thành Xuân

Nói thẳng ra là phải kiểm soát chặt các thành viên của những hộ có người nhiễm COVID-19, không để họ ra khỏi nhà nhằm tránh lây lan cho cộng đồng. Việc khoanh vùng, phong tỏa trong một khu vực, tuyến đường sẽ làm tăng gánh nặng cho công tác chăm lo an sinh xã hội trong khi nguồn lực thành phố thì có hạn. Khoanh F0 tại nhà và chăm lo họ, đó sẽ là giải pháp dài lâu. 

Ông Nguyễn Thành Xuân – người dân ở P.11, Q.Gò Vấp

Nghi Anh – Phan Tuyền (ghi)

Nguồn: Báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh

Ngày thành phố bình thường trở lại và ước muốn của chúng tôi – Báo Phụ Nữ (phunuonline.com.vn)