Mới đây, nhiều tài khoản mạng xã hội (MXH) đồng loạt chia sẻ bài đăng doanh nghiệp (DN) H. (quận Phú Nhuận, TP HCM) tố 2 thực tập sinh (TTS) hành xử thiếu chuyên nghiệp. Nội dung bài viết cho thấy Công ty H. quy định giữ lại 25 giờ lương cho tới khi 2 TTS này bàn giao xong công việc trước khi nghỉ việc. Song 2 nhân sự này không lên bàn giao theo cam kết, dù DN đã liên hệ nhiều lần.

Ảnh hưởng cả hai bên

Công ty H. cũng tố 2 TTS trên cấu kết, phá hoại tài sản chung (xóa bài đăng quảng cáo sản phẩm trên Fanpage và dữ liệu trên Google Drive), gây thiệt hại hàng chục tỉ đồng. Mặc dù tính chính xác và mức độ thiệt hại của DN chưa được xác thực nhưng công ty đã tự ý đăng tải thông tin cá nhân của người lao động (NLĐ). Điều này khiến 2 nhân sự được nhắc đến nhận không ít lời thóa mạ từ người khác.

Đây không phải lần đầu tiên xuất hiện các bài “bóc phốt” NLĐ hay NLĐ tố ngược DN trên không gian mạng. Anh Tr.V.T (25 tuổi, quê Hà Nam) cũng từng trong hoàn cảnh tương tự. Anh T. bắt đầu làm việc tại Công ty N. (kinh doanh mỹ phẩm, làm đẹp; ở TP Thủ Đức, TP HCM) từ tháng 12-2022. Nhưng do tính chất công việc không phù hợp nên tháng 4-2023, anh T. xin thôi việc.

Tháng 7-2023, do chưa nhận được lương tháng trước khi nghỉ, anh liên hệ công ty nhưng không được phản hồi hợp lý. Cuối cùng, T. quyết định lên MXH “bóc phốt” công ty nợ lương. “Đây là việc cực chẳng đã, là bước đi cuối cùng chứ tôi không hề muốn làm rùm beng” – anh T. nói.

Hệ lụy khi lên mạng xã hội tố nhau - Ảnh 2.

Quản lý nhân sự các doanh nghiệp tham gia lớp đào tạo về xây dựng môi trường làm việc hạnh phúc tại TP HCM

Theo ông Trần Thanh Hưng, Giám đốc điều hành Công ty CP Phát triển Nguồn lực quốc tế (TP Thủ Đức, TP HCM), những trường hợp trên cho thấy thực tế việc truyền đạt thông tin, kiến thức về pháp luật tới NLĐ vẫn còn khoảng trống. Bên cạnh đó, một bộ phận nhân sự tại các DN hiểu luật chưa đầy đủ. Vì vậy, khi phát sinh tranh chấp lao động, NLĐ không biết bắt đầu từ đâu. Họ chọn giải pháp “bóc phốt” công ty lên MXH để giải tỏa ấm ức hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ.

Bình luận về 2 vụ việc trên, bà Thanh Nguyễn, Giám đốc Điều hành và Truyền cảm hứng hạnh phúc của Anphabe (quận 1, TP HCM), cho rằng tố cáo nhau trên MXH có thể ảnh hưởng tiêu cực tới hai bên. Người sử dụng lao động công khai chỉ trích nhân viên cũ sẽ làm tổn hại đến thương hiệu tuyển dụng của DN. Thậm chí, từ đó lộ ra những điểm yếu trong công tác quản trị nhân sự, giảm uy tín công ty.

“Với ứng viên, những biểu hiện, hành vi tiêu cực trên MXH có thể tạo ấn tượng xấu trong mắt nhà tuyển dụng. Họ có nguy cơ bị xem như là những cá nhân thiếu trách nhiệm hoặc rủi ro cao, từ đó hạn chế cơ hội nghề nghiệp của chính mình trong tương lai” – bà Thanh Nguyễn phân tích.

MÂY TRINH
Nguồn: Báo Người Lao Động
https://nld.com.vn/cong-doan/he-luy-khi-len-mang-xa-hoi-to-nhau-20230808200434723.htm