Cần sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ban, ngành, chính quyền địa phương; ngành ngân hàng phải không ngừng nỗ lực tung vốn tín dụng chính thức để đẩy lùi “tín dụng đen”…
Ngày 20-1, Báo Người Lao Động đã tổ chức tọa đàm “Nhận diện, đẩy lùi hoạt động tín dụng đen (TDĐ)”. Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú và đại diện cơ quan công an, luật sư, ngân hàng (NH) thương mại, công ty tài chính, cơ quan, đoàn thể, nạn nhân của hoạt động TDĐ đã tham gia tọa đàm.
Vì sao TDĐ tồn tại?
Phát biểu tại tọa đàm, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Tô Đình Tuân nhận định tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động TDĐ tiếp tục diễn biến phức tạp. Nhiều vụ huy động vốn với lãi suất cao dưới các hình thức chơi hụi, họ, đa cấp tài chính, tiền ảo… nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây nhiều thiệt hại cho người dân, ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội và các kênh tín dụng lành mạnh khác.
Theo ông Tô Đình Tuân, vẫn còn phổ biến tình trạng người dân vì nhiều lý do khác nhau đã tìm đến TDĐ vay tiền, bất chấp những rủi ro. Các đối tượng hoạt động TDĐ chuyển sang núp bóng nhằm trốn tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng; đồng thời vươn vòi ra bẫy con nợ với đủ kiểu cho vay đơn giản về thủ tục nhưng mức phí, mức lãi suất “cắt cổ”…
“Hoạt động TDĐ đang diễn ra dưới nhiều phương thức, thủ đoạn mới nhằm đối phó với cơ quan chức năng. Với hoạt động cho vay nặng lãi truyền thống, các đối tượng làm hợp đồng giả cách, hợp đồng thuê lại tài sản của người vay nhằm chiếm đoạt tiền lãi bất chính; cho vay trực tuyến; cho vay ngang hàng (P2P lending) qua app, website với mức lãi suất, phí dịch vụ có khi lên tới cả 1.000%/năm…” – ông Tô Đình Tuân nêu.
Nạn nhân của TDĐ rất đa dạng, từ sinh viên – học sinh, người kinh doanh buôn bán, người thất nghiệp đến công nhân ở các nhà máy, xí nghiệp; nông dân ở vùng sâu, vùng xa… Sa chân vào TDĐ, nhiều gia đình đã tan nhà nát cửa, nhiều người phải sống trong phập phồng lo sợ.
“Với mức độ nghiêm trọng và phạm vi trải rộng của TDĐ như hiện nay, nếu chỉ có ngành NH hay các cơ quan bảo vệ pháp luật đưa ra giải pháp là chưa đủ. Rất cần sự vào cuộc của nhiều bộ, ban, ngành, cơ quan, đoàn thể hữu quan, chính quyền địa phương, các công ty tài chính giàu tiềm lực, vai trò truyền thông của báo chí và sự hợp tác của người dân, kể cả nạn nhân của TDĐ. Buổi tọa đàm sẽ ghi nhận tất cả ý kiến, đề xuất, hiến kế tâm huyết, sâu sát, khả thi, hiệu quả, để qua đó NHNN tập hợp, sau đó trực tiếp và phối hợp cùng các bộ – ngành hữu quan khác có chính sách vĩ mô tốt hơn nhằm đẩy lùi tình trạng TDĐ, để TDĐ không còn đất sống!” – ông Tô Đình Tuân kỳ vọng.
Đẩy lùi TDĐ là nhiệm vụ cấp bách
Tham gia tọa đàm, đại diện NH TMCP Phương Đông (OCB) cho biết đã triển khai giải pháp đi sâu sát xuống từng địa phương để hỗ trợ người nghèo tiếp cận vốn. Một khối khách hàng đại chúng được OCB lập riêng nhằm hỗ trợ phân khúc khách hàng thu nhập thấp dưới 7 triệu đồng/tháng; triển khai chương trình cho vay tại KCN thông qua việc trực tiếp phối hợp với Ban Quản lý KCN, Công đoàn KCN… góp phần giải quyết vốn cấp bách, cần thiết cho khách hàng cá nhân.
NH TMCP Bản Việt cho biết đã đẩy mạnh công nghệ để tiếp cận khách hàng. Cụ thể, triển khai eKYC (định danh khách hàng trực tuyến) để lấy thông tin, tiếp cận khách hàng, sau đó thu thập hồ sơ, cho vay qua sản phẩm phù hợp. Bản Việt cũng chú trọng tiết giảm thủ tục cho vay, dù điều kiện cho vay không thay đổi, để người vay cảm thấy tiếp cận vốn dễ dàng hơn.
Bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế – NHNN, cho biết NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng mở rộng, đa dạng sản phẩm dịch vụ NH, giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục cho vay nhằm tăng cường tiếp cận tín dụng qua các kênh chính thức. Đặc biệt, với người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, có các hình thức cho vay liên vụ, cho vay qua sổ tín dụng, cho vay, thu nợ ngay tại địa bàn của người vay…
Phát biểu tại tọa đàm, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh Chính phủ, các bộ ngành, NHNN, báo chí truyền thông… cũng đã cùng vào cuộc, với nhiều giải pháp quyết liệt để TDĐ không còn lộng hành. Điển hình, Bộ Công an rất tích cực trong việc trấn áp TDĐ; NHNN tạo điều kiện để người dân tiếp cận vốn chính thức. Khi ngành NH đáp ứng được các nhu cầu vốn chính thức của người dân sẽ góp phần đẩy lùi và dẹp bỏ TDĐ. Bên cạnh đó, rất cần sự vào cuộc của cả người dân. Đặc biệt, trấn áp vi phạm đối với TDĐ phải được coi trọng trong các giải pháp của lực lượng công an, tòa án, viện kiểm sát và cả chính quyền địa phương, các cấp, ngành…
Cũng theo Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, thời gian qua, ngành NH xem việc tung vốn chính thức đẩy lùi TDĐ là một nhiệm vụ quan trọng và NHNN đã xây dựng cơ chế chính sách cho việc mở rộng tín dụng tiêu dùng. “Nếu đó là những nhu cầu chính đáng, cấp bách của người dân, như đi khám chữa bệnh, học hành… thì sẽ được tạo điều kiện tiếp cận tối đa về tín dụng nhưng vẫn phải bảo đảm nguyên tắc và tuân thủ pháp luật, không để xảy ra rủi ro cho an toàn của chính tổ chức tín dụng” – Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú khẳng định.
Giải pháp và kiến nghị của ngành ngân hàng
Ông PHẠM TOÀN VƯỢNG, Phó Tổng Giám đốc NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank):
Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng với cá nhân, hộ gia đình
Agribank hiện ưu tiên xét duyệt và giải ngân ngay trong ngày khi nhận được đầy đủ bộ hồ sơ hợp lệ đối với các mục đích tiêu dùng hợp pháp, cấp thiết, có nhu cầu vốn không quá 30 triệu đồng như: mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình, học tập, khám chữa bệnh…
NH cũng phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ… để tuyên truyền, quảng bá chương trình tín dụng tiêu dùng nhằm đáp ứng nhu cầu vốn chính đáng, góp phần hạn chế ảnh hưởng của TDĐ.
Ông HÀ HUY CƯỜNG, Phó Tổng Giám đốc NH TMCP Nam Á (Nam Á Bank):
Toàn xã hội phải đồng lòng
Hoạt động TDĐ vẫn còn nhức nhối bởi nhu cầu vay vốn của người dân rất lớn trong khi các kênh tín dụng chính thức qua hệ thống NH không thể đáp ứng hết.
Để có thể ngăn chặn, hạn chế hoạt động TDĐ, sự đồng lòng của toàn xã hội là rất quan trọng. Cần nâng cao nhận thức của người dân đối với mảng tín dụng này thông qua việc đẩy mạnh công tác truyền thông, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, quản lý tốt các tổ chức tín dụng, đặc biệt siết chặt cho vay ngang hàng (P2P lending) ở các nước đang tràn sang Việt Nam.
Ông NGUYỄN XUÂN VŨ, Giám đốc Trung tâm Khách hàng phía Nam – NH TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank):
Hỗ trợ ngân hàng xác minh nhu cầu vay vốn chính đáng
Kiến nghị các ban, ngành, địa phương phối hợp với ngành NH đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả chương trình kết nối NH – doanh nghiệp; hỗ trợ ngành NH trong quá trình xác minh nhu cầu vay vốn tiêu dùng chính đáng, cấp bách của người dân nhằm hạn chế người dân tìm đến các nguồn vốn không chính thức.
Cần tăng cường công tác kiểm soát, quản lý để nhận diện TDĐ và giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn… Từ đó phân công, phân cấp quản lý, đấu tranh, phối hợp với chi nhánh NHNN ở các địa phương, các sở, ngành có liên quan để tiến hành kiểm tra, xử lý, thu hồi giấy phép hoạt động các cơ sở vi phạm…
Cần chính sách khuyến khích NH thương mại triển khai gói cho vay ở vùng nông thôn, cho vay tiêu dùng, chú trọng phân bổ nguồn vốn vào khu vực tập trung nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo, vùng nông thôn…
Ông NGUYỄN THÀNH PHÚC, Phó Tổng Giám đốc Công ty Tài chính TNHH MTV NH TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit):
Đầu tư công nghệ, chú trọng nguồn vốn
Vai trò của công ty tài chính đối với nhu cầu vay vốn tiêu dùng của người dân ngày càng lớn, bên cạnh các NH thương mại cũng có nhiều sản phẩm cho khách hàng cá nhân vay tiêu dùng tín chấp.
Để đẩy lùi TDĐ cần đầu tư về công nghệ, làm tốt hơn trong công tác cho vay, chú trọng đến nguồn vốn. Truyền thông cũng rất quan trọng, các NH, công ty tài chính cần tuyên truyền và làm tốt công tác cho vay để kéo người tiêu dùng vay qua các kênh chính thống.
Ông TRỊNH BÁ VIỆT XÔ, Trưởng Phòng Quản lý kinh doanh và phát triển đối tác Công ty Tài chính Home Credit:
Quy trình nhanh, đơn giản
Việc công ty tài chính cung cấp gói sản phẩm đúng nhu cầu và nằm trong khả năng chi trả của khách hàng sẽ là bước quan trọng để quá trình vay và thanh toán diễn ra suôn sẻ, hạn chế chuyển thành nợ xấu. Chúng tôi xây dựng quy trình đăng ký vay đơn giản, nhanh gọn trên ứng dụng Home Credit Vietnam, ứng dụng định danh trực tuyến (eKYC) để rút ngắn thời gian vay, tăng tính bảo mật và chống gian lận, từ đó góp phần giúp khách hàng dễ tiếp cận vốn vay chính thức. Khách hàng của công ty có thể chủ động quản lý và thanh toán khoản vay tiện lợi thông qua ứng dụng và công nghệ thanh toán trực tuyến, hạn chế TDĐ.
Ông ĐỖ MINH HẢI, Giám đốc Công ty ATM Online:
Xóa việc ngại vay qua kênh chính thức
Khách hàng khi tìm đến TDĐ một phần do không đủ điều kiện để vay ở các tổ chức tín dụng khác, một phần ngại mất thời gian cung cấp giấy tờ chứng minh tài chính, khả năng chi trả… Do vậy, các công ty tài chính hay fintech cần đưa công nghệ vào giúp khách hàng thấy thuận tiện tối đa khi vay. Như tại ATM Online, các khoản vay được giải ngân hoàn toàn tự động nên trong trường hợp khách kê khai thông tin chính xác, hợp tác trong các cuộc gọi thẩm định thì thời gian từ lúc gửi thông tin đến khi nhận được tiền vay chỉ mất khoảng 15 phút.