Dùng biện pháp “mạnh” với người từ chối tiêm vaccine có đúng luật?

Dùng biện pháp “mạnh” với người từ chối tiêm vaccine có đúng luật?

Vừa qua, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 xã Vĩnh Trung (Móng Cái, Quảng Ninh) đã tiến hành căng dây phong tỏa theo quy định đối với những trường hợp có đủ điều kiện tiêm nhưng cố tình không chấp hành việc tiêm vaccine Covid-19.

Đồng thời, yêu cầu ký cam kết chịu mọi chi phí liên quan xét nghiệm, điều trị Covid-19 nếu mắc bệnh và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu bản thân làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Liên quan đến sự việc này, có ý kiến thắc mắc việc thực hiện biện pháp “mạnh” đối với người từ chối tiêm vaccine Covid-19 dù đủ điều kiện có vi phạm pháp luật, quyền tự do cá nhân?

Dùng biện pháp

Ban Chỉ đạo tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 TP Móng Cái căng dây phong tỏa những trường hợp đủ điều kiện nhưng từ chối tiêm vaccine Covid-19

Bàn về nội dung này, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, những biện pháp “mạnh” như thế này là cần thiết.

“Nếu đã đủ điều kiện tiêm vaccine Covid-19 mà vẫn từ chối tiêm thì đây là hành vi đáng lên án, bởi khoa học đã chứng minh những người không tiêm vaccine thì có khả năng nhiễm và lây lan nhanh hơn những người đã tiêm. Không thể vì một vài cá nhân mà ảnh hưởng đến toàn xã hội”, luật sư Hậu nói.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu cũng cho biết, theo quy định tại Điều 29 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 thì việc sử dụng vaccine bắt buộc trong trường hợp: Người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch và đến vùng có dịch bắt buộc phải sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế đối với các bệnh có vaccine, sinh phẩm y tế phòng bệnh.

Từ tháng 4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc. Khi đã được công bố là vùng có dịch thì những người đang sinh sống tại khu vực này xác định là người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch và thuộc đối tượng phải sử dụng vaccine bắt buộc.

Dùng biện pháp

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM

Tương tự như quy định trên, những người từ vùng không có dịch khi vào vùng có dịch để thực hiện các nhiệm vụ cụ thể thì cũng thuộc đối tượng phải sử dụng vaccine bắt buộc.

“Như quy định pháp luật hiện nay, các trường hợp người dân từ chối tiêm vaccine Covid-19 theo yêu cầu bắt buộc của cơ quan y tế có thẩm quyền, ngoại trừ những lí do chính đáng (như phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú, người có sức khỏe không đảm bảo để được tiêm vaccine Covid-19…) sẽ bị xử phạt với mức phạt hành chính từ 1-3 triệu đồng”, luật sư Hậu nói.

Trường hợp không chịu tiêm vaccine Covid-19 dẫn đến bị nhiễm bệnh rồi lây nhiễm cho người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, với mức phạt tiền từ 50-200 triệu đồng hoặc bị phạt tù 1-5 năm.

“Chính vì thế, một số địa phương dùng biện pháp “mạnh” với người không chịu tiêm vaccine Covid-19 khi đủ điều kiện, không chỉ là bảo vệ cộng đồng, mà còn chính là bảo vệ những người không chịu tiêm vaccine này. Bởi nếu để những người này đi lại nhiều nơi, lây nhiễm thì người này có khả năng bị phạt tiền và xử lý hình sự là rất cao”, luật sư Hậu nêu quan điểm.

Luật sư Hậu cũng khuyến cáo: “Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, vaccine là một “vũ khí” tốt nhất để đẩy lùi đại dịch Covid-19, chính vì vậy mọi người nên chấp hành nghiêm việc tiêm phòng vaccine Covid-19 khi đủ điều kiện. Đây không chỉ bảo vệ người thân, gia đình, cộng đồng mà còn bảo vệ chính bản thân mình khỏi dịch bệnh và các tình huống pháp lý”.

Nguồn: Báo Giao thông

https://www.baogiaothong.vn/dung-bien-phap-manh-voi-nguoi-tu-choi-tiem-vaccine-co-dung-luat-d539761.html