(PLO)- Đề xuất thành lập tòa án chuyên biệt về đất đai nhận về ý kiến trái chiều của các luật sư, giảng viên luật…, tuy nhiên đa phần cho rằng không cần thiết.
Trên số báo trước, Pháp Luật TP.HCM đã giới thiệu tới bạn đọc đề xuất thành lập tòa án chuyên biệt về đất đai của ThS Lưu Đức Quang, Trường ĐH Kinh tế – Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM.
Để bạn đọc có cái nhìn toàn diện, khách quan hơn, chúng tôi ghi nhận một số ý kiến về đề xuất trên:
Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM:
Nâng cao chất lượng xét xử
Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) đang được lấy ý kiến đã đề xuất thành lập tòa án chuyên biệt như: TAND sở hữu trí tuệ, TAND phá sản… Dự thảo luật cũng có quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong trường hợp cần thiết có thể quyết định thành lập TAND chuyên biệt khác theo đề nghị của Chánh án TAND Tối cao.
Tinh thần của lần sửa đổi này là bảo đảm giảm tải gánh nặng cho tòa án cấp huyện, gia tăng tỉ lệ giải quyết thành công các vụ tranh chấp tại tòa án.
Trong hai năm 2021-2022, theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương cùng với kết quả thanh tra của Chính phủ, số khiếu nại, khiếu kiện hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai chiếm đến 64,6% tổng số đơn. Các tranh chấp dân sự về đất đai cũng chiếm đa số, việc giải quyết tranh chấp đất đai được ưu tiên bằng biện pháp hòa giải nên các tòa án thụ lý phải dành nhiều thời gian tổ chức các buổi hòa giải. Điều này dẫn đến tình trạng các vụ việc khác bị tồn đọng, thời gian giải quyết kéo dài và ảnh hưởng đến chất lượng xét xử.
Đất đai vốn là một loại tài sản đặc biệt, các vụ việc liên quan đến quyền sử dụng đất (QSDĐ) đều phải qua các thủ tục như xác định thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, định giá đất, xét điều kiện thực hiện quyền của người sử dụng đất…
Do đó, nếu có sự tham gia của các chuyên gia về đất đai sẽ giúp cho quá trình xem xét nội dung vụ việc nhanh chóng và chính xác hơn, hạn chế được tình trạng nhận định sai dẫn đến đương sự kháng cáo nhiều lần, một vụ việc kéo dài nhiều năm, không đảm bảo được tính khách quan và quyền lợi của các bên liên quan.
Theo tôi, việc bổ sung một loại tòa án chuyên biệt là TAND đất đai tập trung giải quyết các vụ việc có đối tượng tranh chấp là đất đai trong tất cả mảng hành chính, dân sự, hình sự sẽ giảm tải áp lực cho tòa án các cấp và nâng cao chất lượng xét xử.
ThS LÊ NHẬT BẢO, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM:
Cần quay về gốc rễ vấn đề
Chúng ta cần quay lại gốc rễ của vấn đề là tại sao TAND Tối cao lại đề xuất thành lập tòa án chuyên biệt như TAND sở hữu trí tuệ, TAND phá sản… trong quá trình sửa đổi Luật Tổ chức TAND lần này.
Lý giải cho đề xuất nêu trên, TAND Tối cao cho rằng do tính chất đặc thù, yêu cầu về kiến thức chuyên môn cao đối với các tranh chấp chứ không phải do phát sinh nhiều vụ việc trong thực tiễn xét xử.
Như vậy, lý do ra đời của tòa chuyên biệt là bởi những yêu cầu đặc thù về chuyên môn của một hay một số lĩnh vực nào đó, chứ không phải vì số lượng tranh chấp nhiều.
Dễ thấy các vụ án, vụ việc liên quan đến sở hữu trí tuệ, phá sản… có số lượng ít hơn rất nhiều so với các loại tranh chấp liên quan đến đất đai trong dân sự, hình sự, hành chính…
Ngoài ra, hiện nay số lượng các tranh chấp liên quan đến đất đai chiếm đa số, phức tạp và thường kéo dài nhiều năm. Tuy nhiên, như đã phân tích, sự ra đời của tòa chuyên biệt nhằm giải quyết những vụ việc có tính chuyên môn cao chứ không phải do án nhiều.
Nếu tỉnh, huyện nào trong cả nước cũng có tòa chuyên biệt về đất đai thì phạm trù “chuyên biệt” lúc này chỉ đơn thuần là thay tên gọi của một tòa án và có khả năng gây tốn kém, ảnh hưởng đến chất lượng xét xử.
Tại TAND TP Thủ Đức (TP.HCM), các tranh chấp liên quan đến đất đai chiếm tỉ lệ khoảng 20%-25% trong tổng số án dân sự. Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG |
Luật sư HÀ VĂN CHẢY, Đoàn Luật sư TP.HCM:
Khó xác định thẩm quyền xét xử
Theo quy định tại Điều 203 Luật Đất đai năm 2013 thì thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai được phân quyền cho hai cơ quan là cơ quan tiến hành tố tụng (tư pháp) và cơ quan quản lý hành chính nhà nước (hành pháp).
Việc phân quyền này đã tạo sự chủ động và nhiều chọn lựa cho các đương sự khi có yêu cầu giải quyết tranh chấp.
Ngoài ra, thẩm quyền giải quyết tranh chấp được phân định như trên đã phần nào giảm tải cho hệ thống TAND các cấp do phải gánh vác giải quyết tất cả tranh chấp trong nhiều lĩnh vực như dân sự, hình sự, hành chính, kinh doanh thương mại… mà số vụ việc tranh chấp ngày càng tăng theo sự phát triển của xã hội.
Các vụ án tranh chấp đất đai hiện nay khó xác định thẩm quyền xét xử đối với từng vụ việc. Mặt khác, các tranh chấp về đất đai thường lồng ghép trong các tranh chấp về hành chính, dân sự như hôn nhân gia đình, thừa kế nên việc muốn tách riêng lĩnh vực đất đai để xác định tòa chuyên biệt xét xử là rất khó khăn.
Đơn cử, đối với vụ việc yêu cầu hủy giấy chứng nhận QSDĐ cấp lần đầu – đây là một yêu cầu thuộc lĩnh vực hành chính; còn đối với những vụ án tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ – đây là tranh chấp dân sự.
Do đó, việc thành lập tòa án chuyên biệt sẽ gây khó khăn trong việc phân loại vụ việc tranh chấp và trùng lặp thẩm quyền xét xử đối với các tòa án chuyên trách đã có trước đây. Từ đó dẫn đến khó khăn trong việc xác định thẩm quyền của tòa xét xử.
Ngoài ra, khi thành lập tòa chuyên biệt về đất đai cũng đòi hỏi những thẩm phán được phân công, cán bộ trong tòa án phải thực sự chuyên nghiệp trong lĩnh vực đất đai. Điều này đặt ra yêu cầu đối với công tác tổ chức, công tác đào tạo thẩm phán, cán bộ, nguồn nhân lực phải chuyên môn hóa cao…
Tóm lại, quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai như Luật Đất đai hiện hành là phù hợp trong giai đoạn hiện nay, không nên thành lập tòa chuyên biệt về lĩnh vực đất đai.
Thẩm phán NGUYỄN THÀNH VINH, Chánh án TAND TP Thủ Đức:
Tòa án cấp huyện, cấp tỉnh đang làm tốt
Có thể trong tương lai, các tranh chấp về hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thừa kế… QSDĐ sẽ tăng dần. Tuy nhiên, các tranh chấp về đất đai như ai là người có QSDĐ… sẽ giảm dần khi Luật Đất đai (sửa đổi) hoàn thiện bởi lúc này các quy định đã chặt chẽ, rõ ràng.
Tòa án hiện nay cũng chỉ thống kê tỉ lệ án dân sự, hình sự, hành chính… chứ không thống kê cụ thể án có liên quan đến tranh chấp đất đai là bao nhiêu. Theo ước lượng của chúng tôi, đơn cử tại TAND TP Thủ Đức (TP.HCM), các tranh chấp liên quan đến đất đai chiếm tỉ lệ khoảng 20%-25% trong tổng số án dân sự.
Thực tiễn cho thấy các tranh chấp về QSDĐ ở các quận trung tâm TP.HCM hiện nay rất ít, bởi dân cư ở khu vực này đã ổn định, QSDĐ cũng ổn định…
Các tranh chấp đất đai ở các tỉnh, thành khác có thể chiếm tỉ trọng cao do liên quan đến đất nông nghiệp, chuyển đổi mục đích sử dụng đất… Tuy nhiên, thực tế công việc giải quyết án dân sự, trong đó có giải quyết về tranh chấp đất đai của tòa án cấp huyện, cấp tỉnh đang làm tốt. Do vậy, không cần thiết phải thành lập tòa án chuyên biệt về đất đai.•
Đã có tòa chuyên trách
Khoản 9 Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 đã quy định rõ tranh chấp đất đai theo quy định pháp luật là một trong những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án. Ngoài ra, căn cứ vào Luật Tổ chức TAND, Thông tư 01/2016 của Chánh án TAND Tối cao và văn bản hướng dẫn về tổ chức tòa án chuyên trách tại các địa phương đã phân định thẩm quyền của tòa chuyên trách, trong đó có tòa dân sự – giải quyết các vụ việc dân sự. Thực tiễn xét xử, các vụ án tranh chấp liên quan đến đất đai chiếm tỉ trọng lớn và là một trong những loại tranh chấp phức tạp vì liên quan đến giá trị tài sản lớn. Tranh chấp đất đai thường kéo dài vì cần có nhiều thời gian để xem xét, giải quyết bởi tính chất vụ việc và quá trình thu thập tài liệu, chứng cứ phụ thuộc vào sự hợp tác của các cơ quan nhà nước. Từ những cơ sở pháp lý và thực tiễn nêu trên, theo tôi, hiện nay tòa án các cấp đã có các tòa chuyên trách (trong đó có tòa dân sự) để giải quyết vụ việc dân sự, bao gồm cả tranh chấp về đất đai. Do đó, việc thành lập tòa án chuyên biệt về đất đai là không cần thiết. Luật sư NGUYỄN QUỐC CƯỜNG, Đoàn Luật sư TP.HCM |
MINH CHUNG
Nguồn: Báo Pháp Luật
https://plo.vn/de-xuat-lap-toa-an-chuyen-biet-ve-dat-dai-y-kien-trai-chieu-post728323.html