(PLO)- Năm 2022, bên cạnh việc xét xử trực tuyến, TAND TP.HCM tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, kịp thời xử lý đơn thư khiếu nại, kiến nghị của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
Đầu năm Nhâm Dần 2022, Chánh án TAND TP.HCM Lê Thanh Phong chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM kế hoạch của ngành TAND hai cấp TP.HCM. Chánh án TAND TP.HCM khẳng định năm nay đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng giải quyết các loại án; trọng tâm là án tạm đình chỉ, án hành chính…
Một phiên tòa xét xử tội phạm về chức vụ của TAND TP.HCM.
Ảnh: HOÀNG GIANG
Năm 2022, TAND TP.HCM đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp xét xử án hình sự và án hành chính. Cụ thể, đối với án hình sự, đảm bảo xét xử đúng người, đúng tội; không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm; cũng như không vi phạm thời hạn tạm giam.
TAND TP.HCM chủ động đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh những vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo trung ương, TP về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi. Đẩy nhanh xét xử những vụ án xâm phạm trật tự an ninh chính trị cùng vụ án phức tạp và vụ án mà dư luận xã hội quan tâm. Đồng thời, tòa án tăng cường phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để thu hồi tài sản suốt quá trình xét xử.
Năm 2021, một năm gặp nhiều khó khăn do đại dịch nhưng TAND TP.HCM đã thụ lý 12 vụ án kinh tế, chức vụ với 86 bị cáo. Tòa đã đưa ra xét xử tám vụ án; được dư luận quan tâm và đồng tình với các phán quyết. Quá trình xét xử, tòa án đã thu hồi 4.157 tỉ đồng nộp tại tòa và tạm tính giá trị tài sản kê biên, phong tỏa.
Nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo và thẩm phán
Trong năm 2022, ban lãnh đạo TAND TP.HCM sẽ tăng cường kiểm tra việc giải quyết án của từng thẩm phán trong từng vụ án cụ thể. Lãnh đạo tòa có phân công cụ thể trách nhiệm từng thành viên ban lãnh đạo trong kiểm tra, giám sát thẩm phán.
Người lãnh đạo phải chịu trách nhiệm về hiệu quả giải quyết án của thẩm phán mà mình có nhiệm vụ theo dõi. Hằng tháng, tòa sẽ tổ chức họp thẩm phán để nghe từng người trình bày khó khăn, vướng mắc khi xét xử vụ án phức tạp, từ đó tìm hướng tháo gỡ.
Lãnh đạo các tòa án trên địa bàn TP.HCM tăng cường kiểm tra án quá hạn. Cụ thể, kiểm soát chặt chẽ số lượng hồ sơ gần hết thời hạn chuẩn bị xét xử, báo cáo tiến trình giải quyết những hồ sơ này. Nếu không thực hiện đúng tiến trình đã báo cáo mà không có lý do chính đáng, thẩm phán phải chịu trách nhiệm.
Nhanh chóng đưa án hành chính tồn đọng ra xét xử Với án hành chính, TAND TP.HCM tiếp tục rà soát vụ án hành chính tồn đọng; đồng thời tăng cường phối hợp với các cơ quan, ban, ngành thu thập chứng cứ để nhanh chóng đưa các vụ án ra xét xử. Mỗi thẩm phán phải xây dựng kế hoạch, thời gian giải quyết cụ thể vụ việc tồn đọng. Lãnh đạo tòa chịu trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc thẩm phán triển khai kế hoạch. Năm nay, tòa xác định việc đẩy nhanh tiến độ cũng như nâng cao chất lượng đối thoại trực tuyến khi giải quyết án là một trong những tiêu chí thi đua cuối năm. Chánh án TAND TP.HCM Lê Thanh Phong |
Đẩy nhanh việc giải quyết án bằng xét xử trực tuyến
Điểm nổi bật của năm mới, chánh án TAND TP.HCM cho biết là tập trung vào việc xét xử trực tuyến để đẩy nhanh việc giải quyết án.
“Ứng dụng công nghệ thông tin trong các mặt hoạt động của tòa án là bài toán giải quyết nhiều vấn đề và theo kịp với thời đại công nghệ 4.0, xu hướng phát triển đô thị thông minh của TP” – ông Phong nói.
Bên cạnh việc xét xử trực tuyến, đơn vị cũng tiếp tục thực hiện đề án tống đạt điện tử trong tố tụng dân sự, hành chính; đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, kịp thời giải quyết đơn thư khiếu nại, kiến nghị của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
TAND TP.HCM sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp; dự báo những vấn đề phát sinh trong thời đại công nghệ, kinh tế số và đề xuất giải pháp xử lý.
Đồng thời, tòa tiếp tục đổi mới mô hình tổ chức, hoạt động và thủ tục hành chính – tư pháp, đảm bảo công khai, minh bạch các hoạt động của tòa án; thực hiện nghiêm việc công khai bản án, quyết định của tòa trên cổng thông tin điện tử của TAND Tối cao.
Mong mỏi của Thẩm phán, Luật sư
Ông NGUYỄN THÀNH VINH, Chánh án TAND TP Thủ Đức:
Xét xử trực tuyến ngay trong những tháng đầu năm
Dù chịu ảnh hưởng lớn bởi đại dịch COVID-19 trong năm qua nhưng TAND TP Thủ Đức vẫn hoàn thành và vượt các chỉ tiêu về tỉ lệ giải quyết xong các loại án. Tôi mong muốn trong năm Nhâm Dần 2022:
Thứ nhất, các cấp tòa nói chung và TAND TP Thủ Đức nói riêng cố gắng hoàn thành và đạt các chỉ tiêu mà TAND Tối cao đã đề ra, mong cho đại dịch COVID-19 không tái phát để có đủ thời gian tập trung giải quyết các vụ án. Dự kiến trong năm 2022, TAND TP Thủ Đức thụ lý, giải quyết từ 6.500 đến 7.000 vụ án.
Thứ hai, tôi mong muốn sự ủng hộ của các cấp chính quyền để việc xét xử trực tuyến được thực hiện ngay trong những tháng đầu năm, riêng TAND TP Thủ Đức sẽ đi đầu trong công tác này. Cạnh đó là việc áp dụng công nghệ trong quá trình quản lý, xử lý công việc của ngành.
Thứ ba, tôi hy vọng việc quy hoạch, xây dựng lại các trụ sở trong tương lai để không chỉ TAND TP Thủ Đức mà các cơ quan tư pháp của TP Thủ Đức có được nơi làm việc ổn định, khang trang, xứng với tầm vóc của TP Thủ Đức.
Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM:
Luật sư cần được đảm bảo tham gia vụ án ở giai đoạn sớm nhất
Định hướng phát triển của ngành tư pháp trong năm 2022 là đẩy mạnh cải cách tư pháp, trong đó có hoạt động bổ trợ pháp luật nói chung và hoạt động hành nghề của luật sư (LS) nói riêng.
Để đội ngũ LS được phát triển mạnh mẽ, mạnh dạn lên tiếng về các bất cập, tôi kỳ vọng Đảng và Nhà nước ngày càng dành nhiều sự quan tâm trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của LS khi hành nghề; cũng như tăng cường công tác quản lý nhà nước về LS và hành nghề LS, triển khai các biện pháp hỗ trợ phát triển nghề LS.
Công tác lập pháp, góp ý pháp luật cần chú trọng nhiều hơn đến ý kiến, đóng góp của LS vì hơn hết, LS thông qua công tác hành nghề đã có am tường từ thực tiễn áp dụng pháp luật.
Mặt khác, cơ quan tố tụng cần xây dựng, hoàn thiện và đảm bảo nguyên tắc tranh tụng trong quá trình xét xử, tạo lập sự bình đẳng cần có giữa người tiến hành tố tụng và LS. Trong các giai đoạn tố tụng, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của LS và các cá nhân trong vụ án, LS cần được tham gia vụ án ở giai đoạn sớm nhất và tham gia đầy đủ nhất các hoạt động điều tra, tiếp cận chứng cứ.
Luật sư KIM RON THA, Đoàn Luật sư TP.HCM:
Quan tâm hỗ trợ pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số
Tôi nhận thấy đồng bào dân tộc thiểu số đang cần rất nhiều sự hỗ trợ về các điều kiện sinh sống, làm ăn cũng như kiến thức pháp luật. Việc phổ biến, tuyên truyền pháp luật bằng các hoạt động tư vấn pháp luật miễn phí là trách nhiệm xã hội của người hành nghề luật đã được pháp luật quy định.
Việc đưa pháp luật vào cuộc sống đồng bào sẽ góp phần giúp họ ngày càng ý thức pháp luật hơn, giảm thiểu hủ tục, phát huy được những nét văn hóa truyền thống lành mạnh như tình nghĩa, trách nhiệm tương thân tương ái trong cộng đồng dân tộc. Tôi kỳ vọng năm mới sẽ có nhiều hơn nữa hoạt động trợ giúp pháp lý tại cơ sở được lồng ghép với hoạt động xét xử lưu động của tòa án, hoạt động tìm hiểu pháp luật, lễ hội văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số tại địa phương.
Trong tuyên truyền pháp luật, cần xây dựng những tình huống pháp lý gắn với thực tiễn đời sống và phù hợp với đặc điểm, tâm lý và nhu cầu của người đồng bào thì việc tuyên truyền sẽ có hiệu quả cao.
Cộng tác viên trợ giúp pháp lý cần được tạo điều kiện thuận lợi và chủ động gặp người có yêu cầu để trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật. Trong đó, cần cộng tác viên là người dân tộc thiểu số hoặc biết tiếng dân tộc thiểu số, người có uy tín trong cộng đồng như à cha, già làng, trưởng bản, trưởng các dòng họ
(M.CHUNG – T.PHƯƠNG ghi)
Nguồn: Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh.
https://plo.vn/phap-luat/chanh-an-tand-tphcm-khong-de-xay-ra-oan-sai-1043160.html