Bước đầu tạo được niềm tin về một Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ đáp ứng mong đợi của nhân dân

(Thanhuytphcm.vn) – Đó là ý kiến của Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến tại hội nghị trực tuyến phản biện xã hội đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức sáng 15/9.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu góp ý tại điểm cầu TPHCM.

Chế định những nội dung quan trọng liên quan đến vấn đề tài chính và định giá đất đai

Kết luận tại hội nghị, đồng chí Đỗ Văn Chiến cho biết, trong thời gian qua, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam rất quan tâm tới việc xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) bởi dự án luật này tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội, chính trị, môi trường, quốc phòng – an ninh, tác động đến mọi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp của nhân dân, góp phần giải quyết các vụ việc khiếu kiện hiện nay liên quan đến đất đai.

Đồng chí cho biết các ý kiến đóng góp của các đại biểu ghi nhận, đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo và Chính phủ đã chuẩn bị Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) công phu, bài bản, khoa học, bám sát nội dung Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Đồng thời, bám sát thực tiễn và tuân thủ Hiến pháp, cơ bản tương thích với hệ thống pháp luật hiện hành và giải quyết được nhiều vấn đề quan trọng đặt ra trong thực tiễn. “Bước đầu đã tạo được niềm tin về một Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ đáp ứng mong đợi của nhân dân”- đồng chí Đỗ Văn Chiến khẳng định.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến đề nghị ban chuyên môn Uỷ ban Trung ương  MTTQ Việt Nam tập hợp, tổng hợp ý kiến tham luận của đại biểu tham dự Hội nghị để gửi tới cơ quan chủ trì soạn thảo. Bên cạnh đó, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu và phản hồi với Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam theo quy định.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định, các ý kiến đóng góp tại hội nghị sẽ được cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc. Đặc biệt là những nội dung liên quan đến việc thể chế mục tiêu chính sách, giải pháp và điều kiện thực hiện chính sách liên quan đến lĩnh vực đất đai; chế định những nội dung quan trọng liên quan đến vấn đề tài chính và định giá đất đai, về thu hồi đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư nhằm đảm bảo mọi quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất và quyền của người bị thu hồi đất sẽ được đảm bảo công bằng, chia sẻ lợi ích.

Cùng với đó, trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ tiếp tục làm rõ, thể chế hóa các quy định liên quan đến MTTQ Việt Nam theo tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW trong đó làm rõ được vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội trong xây dựng, thực hiện và giám sát, phản biện xã hội chính sách pháp luật về đất đai.

Đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân

Trước đó, nêu ý kiến tại hội nghị, đa số các đại biểu cũng cho rằng, Luật Đất đai (sửa đổi) cần thể chế đầy đủ phương châm dân biết, dân kiểm tra, dân giám sát vào những nội dung cụ thể liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước khi UBND cùng cấp phê duyệt. Bên cạnh đó, quy định cụ thể hơn nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội trong giám sát việc thực hiện và phản biện xã hội.

GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, cần bổ sung vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi quy định về đất đai thuộc khu vực quyền tài sản công và đất đai thuộc khu vực quyền tài sản tư và gắn với nó là các quy tắc quản lý phù hợp. Theo GS.TS Đặng Hùng Võ, Việt Nam đang áp dụng kinh tế thị trường để thực hiện công nghiệp hoá, kinh tế tư nhân đang đóng vai trò động lực phát triển, chuyển dịch đất đai đang diễn ra rộng khắp và phức tạp. Trong hoàn cảnh này, một khái niệm tương tự “đất công” và “đất tư” như ở các nước khác cần được đặt ra.

Về nội dung cụ thể, GS.TS Đặng Hùng Võ cho rằng có thể thấy “đất có quyền tài sản tư” là đất do khu vực tư nhân sử dụng bao gồm đất đã giao, cho thuê đối với tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân. Nhà nước quản lý khu vực đất đai này chỉ bằng giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và thu thuế. Đối với đất đai thuộc khu vực quyền tài sản công, gồm đất do Nhà nước giao không thu tiền cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức được Nhà nước cho phép, đất sử dụng vào mục tiêu công cộng, đất chưa giao, chưa cho thuê và đất chưa sử dụng. Công việc quản lý đất đai ở các nước phát triển chủ yếu tập trung vào khu vực đất công. Để khắc phục tình trạng quản lý lỏng lẻo này, cần bổ sung vào Luật Đất đai sửa đổi quy định về đất đai thuộc khu vực quyền tài sản công và đất đai thuộc khu vực quyền tài sản tư và gắn với nó là các quy tắc quản lý phù hợp.

Tại điểm cầu TPHCM, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, việc thu hồi và hỗ trợ, bồi thường giải phóng mặt bằng cần bổ sung cơ chế để lấp những khoảng trống trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng phục vụ cho việc thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế và mục đích công cộng. Đồng thời, cần thành lập quỹ hỗ trợ cho người bị thu hồi đất bị hạn chế khả năng lao động.

Bên cạnh đó, cần quy định trách nhiệm của UBND địa phương trong việc thực hiện cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê trả tiền hằng năm.

Về bỏ khung giá đất và phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng, không nên chỉ căn cứ vào bảng giá đất Nhà nước mà còn phải định giá đất theo giá thị trường, đảm bảo bồi thường tương đương, thậm chí cao hơn so với giá trị đất đai bị thu hồi. Ngoài ra, cần làm rõ phương án bồi thường bằng giá trị tương đương hoặc cao hơn giá trị người dân đang thụ hưởng để đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân.

Đối với công nhận quyền sử dụng đất, Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng cần sửa đổi thành công nhận quyền sử dụng đất dựa trên các giấy tờ liên quan có tác dụng giúp người sử dụng đất có thể tiến hành đăng ký hợp pháp thửa đất đó và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nếu đáp ứng ba yêu cầu: đúng quy hoạch của Nhà nước, không bị tranh chấp và được địa phương xác định sử dụng ổn định và lâu dài. Đồng thời, khuyến khích tổ chức hộ gia đình, cá nhân thực hiện tập trung đất để sản xuất nông nghiệp.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, về bố trí tái định cư cần bổ sung thêm người bị thu hồi đất lựa chọn giữa chấp nhận mua suất tái định cư hoặc được nhận bồi thường bằng tiền; bổ sung các quyền của người sử dụng đất thêm một chủ thể nữa là tổ chức trong nước cũng như các quyền của các hộ gia đình liên quan tới người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Long Hồ

Nguồn: Trang Tin Điện Tử Đảng Bộ Thành Phố Hồ Chí Minh

https://hcmcpv.org.vn/tin-tuc/buoc-dau-tao-duoc-niem-tin-ve-mot-du-an-luat-dat-dai-sua-doi-se-dap-ung-mong-doi-cua-nhan-dan-1491899009?fbclid=IwAR3FaWdSNc0jifu0G3r9HHEbARs0NRIp94szy4I33Qcwfe44Z8GpmOn8xxI