Băn khoăn trong xử phạt vi phạm giờ lái xe

Trích xuất hệ thống xử lý và khai thác sử dụng dữ liệu từ GPS của Cục Đường bộ Việt Nam, trong 20 ngày có hơn 81.000 phương tiện của doanh nghiệp vận tải tại TP HCM vi phạm về thời gian lái xe

Dữ liệu trên được Cục Đường bộ Việt Nam trích xuất trên hệ thống thông qua dữ liệu giám sát hành trình ô tô của các đơn vị vận tải ở TP HCM từ ngày 1-3 đến 20-3-2024. Kết quả được gửi đến Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM.

Yêu cầu chấn chỉnh, xử lý

Hơn 81.000 phương tiện vi phạm về số giờ lái xe rải đều các doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận tải, từ vận tải hàng hóa, dịch vụ taxi, xe buýt, hành khách đến du lịch. 

Trong đó, thời gian lái xe liên tục quá 4 giờ trong ngày là gần 440.000 trường hợp và hơn 7.100 trường hợp làm việc quá 10 giờ/ngày.

Đáng chú ý, rất nhiều phương tiện vi phạm nhiều lần trong 20 ngày. Không chỉ DN nhỏ lẻ, các hợp tác xã mà nhiều DN lớn, có thương hiệu cũng có nhiều phương tiện vi phạm số giờ lái xe.

Theo Luật Giao thông đường bộ, thời gian làm việc của người lái ô tô không được quá 10 giờ trong một ngày và không lái xe liên tục quá 4 giờ. Trường hợp vi phạm sẽ bị xử phạt 3-5 triệu đồng, áp dụng hình thức phạt bổ sung là tước bằng lái xe 1-3 tháng.

Ngay khi nhận kết quả trích xuất dữ liệu GPS từ hệ thống của Cục Đường bộ, Sở GTVT TP HCM đã gửi văn bản đến các đơn vị kinh doanh vận tải hoạt động tại TP HCM đề nghị kiểm tra, chấn chỉnh. 

Nhằm tránh trường hợp thông tin số liệu vi phạm có khả năng sai biệt hoặc chênh lệch giữa đơn vị vận tải và hệ thống của Cục Đường bộ, Sở GTVT yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải khẩn trương kiểm tra, rà soát, đối chiếu trên hệ thống. 

  • Ô tô cá nhân phải lắp camera giám sát hành trình?

  • Giám sát hành trình khác giám sát người lái xe

Nếu phát hiện bất thường, chủ động phối hợp, đề nghị đơn vị cung cấp thiết bị GPS phản hồi ngay và gửi văn bản về Cục Đường bộ để điều chỉnh kịp thời.

Sở GTVT cũng yêu cầu DN phải tuyên truyền, phổ biến đến lái xe, chủ phương tiện, thành viên thuộc quản lý của đơn vị phải chấp hành nghiêm quy định pháp luật khi tham gia giao thông, tuân thủ thời gian làm việc của người lái ô tô; xử lý vi phạm theo nội quy, quy chế tổ chức hoạt động của đơn vị.

Lực lượng chức năng kiểm tra việc chấp hành các quy định kinh doanh vận tải

Lực lượng chức năng kiểm tra việc chấp hành các quy định kinh doanh vận tải

Căn cứ xử phạt

Việc ứng dụng công nghệ để hỗ trợ lực lượng chức năng giám sát, xử lý kịp thời các hành vi gây mất an toàn giao thông là việc cần thiết. 

Tuy nhiên, có thể dùng dữ liệu này để xử phạt các lái xe, DN vi phạm để răn đe được không, đã gây nhiều tranh cãi. 

Có ý kiến đồng tình nhưng cũng có ý kiến cho rằng nếu dữ liệu trích xuất chính xác và tin cậy vẫn nên để DN rà soát, đối chiếu, tài xế thật sự vi phạm thì cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính (VPHC).

Theo ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng Phòng Quản lý vận tải đường bộ, Sở GTVT TP HCM, trước mắt Sở GTVT đã có văn bản nhắc nhở DN có tài xế vi phạm trên hệ thống của Cục Đường bộ; chưa xử phạt được do phải có bước đối chiếu dữ liệu với dữ liệu gốc của đơn vị. Việc ra quyết định xử phạt VPHC theo Nghị định 100 chỉ thực hiện khi thành lập đoàn kiểm tra đơn vị để đối chiếu chứng thực lỗi.

Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM, cho rằng khi sử dụng dữ liệu khai thác được từ hệ thống giám sát hành trình, cơ quan chức năng không có quyền tiến hành xử phạt đơn vị có dấu hiệu vi phạm mà buộc phải thông qua trình tự, thủ tục quy định tại Điều 28 Thông tư số 32/2023/TT-BCA về “Trình tự xử lý kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đối với trường hợp vi phạm nhưng không dừng được phương tiện giao thông để kiểm soát, xử lý vi phạm”. 

Theo đó, cơ quan công an có thẩm quyền phải gửi thông báo yêu cầu chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan VPHC đến trụ sở cơ quan công an để làm việc. Lúc này, cơ quan công an phải lập biên bản VPHC và ra quyết định xử phạt VPHC thì việc xử phạt đối với chủ thể vi phạm mới có căn cứ để thi hành trên thực tế.

Ngoài ra, theo nguyên tắc xử lý VPHC tại điểm đ khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý VPHC 2012 (sửa đổi 2020): “Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh VPHC. 

Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không VPHC”. 

Đối với hành vi vi phạm giao thông đường bộ, các chủ thể có thẩm quyền xử phạt được quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP bao gồm chủ tịch UBND các cấp, cơ quan công an và thanh tra giao thông vận tải.

Như vậy, kể cả trong trường hợp xử phạt vi phạm dựa trên dữ liệu khai thác từ Hệ thống giám sát hành trình thì người có thẩm quyền xử phạt vẫn phải có trách nhiệm chứng minh VPHC, nếu không chứng minh được thì việc xử phạt là không có căn cứ, chủ thể bị xử phạt có thể khiếu nại hoặc khởi kiện quyết định hành chính nếu có cơ sở cho rằng quyết định này là không có cơ sở. 

Nhắc nhở, chấn chỉnh là hợp lý

Vì các nguyên do trên, theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, việc sử dụng dữ liệu của Hệ thống giám sát hành trình để xử phạt hành chính đối với các trường hợp có dấu hiệu vi phạm về thời gian điều khiển phương tiện là không khả thi trên thực tế.

“Do đó, việc Sở GTVT TP HCM tiến hành thông báo, nhắc nhở, đề nghị các đơn vị vận tải chấn chỉnh và yêu cầu tài xế tuân thủ quy định pháp luật là hợp lý” – luật sư Nguyễn Văn Hậu nói.

Thu Hồng

Nguồn: Báo Người Lao Động

https://nld.com.vn/ban-khoan-trong-xu-phat-vi-pham-gio-lai-xe-196240405205715404.htm