Lần đầu tiên quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong bộ luật Lao động 2019, có hiệu lực từ ngày 1.1.2021.
Đồng thời, thế nào là
quấy rối tình dục tại nơi làm việc cũng được quy định cụ thể tại Nghị định 145/2020 có hiệu lực từ ngày 1.2.2021.
Cụ thể, khoản 9, điều 3 bộ luật Lao động (BLLĐ) 2019 định nghĩa quấy rối tình dục nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận; nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà
người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của
người sử dụng lao động.
Ngoài ra, khoản 3, điều 8, BLLĐ 2019 quy định
quấy rối tình dục tại nơi làm việc là một trong các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động. Đồng thời, trường hợp người lao động bị quấy rối tình dục thì có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần báo trước với người sử dụng lao động, theo điểm d, khoản 2, điều 35, BLLĐ 2019.
Cụ thể hóa từng hành vi quấy rối tình dục
Từ những quy định trên nhằm bảo vệ người lao động, thì Nghị định 145/2020 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của BLLĐ 2019, dành hẳn mục 3 để đề cập đến việc phòng, chống quấy rối tại nơi làm việc.
Cụ thể, điều 84, Nghị định 145/2020 nêu quấy rối tình dục quy định tại khoản 9, điều 3, BLLĐ 2019 có thể xảy ra dưới dạng trao đổi như đề nghị, yêu cầu, gợi ý, đe dọa, ép buộc đổi
quan hệ tình dục lấy bất kỳ lợi ích nào liên quan đến công việc; hoặc những hành vi có tính chất tình dục không nhằm mục đích trao đổi, nhưng khiến môi trường làm việc trở nên khó chịu và bất an, gây tổn hại về thể chất, tinh thần, hiệu quả công việc và cuộc sống của
người bị quấy rối.
Cụ thể hóa hơn, khoản 2, điều 84, Nghị định 145/2020 nêu chi tiết, quấy rối tình dục tại nơi làm việc bao gồm: Hành vi mang tính thể chất gồm hành động, cử chỉ, tiếp xúc, tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục; quấy rối tình dục bằng lời nói gồm lời nói trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua phương tiện điện tử có nội dung tình dục hoặc có ngụ ý tình dục; quấy rối tình dục phi lời nói gồm ngôn ngữ cơ thể, trưng bày, miêu tả tài liệu trực quan về tình dục hoặc liên quan đến hoạt động tình dục trực tiếp hoặc qua phương tiện điện tử.
Đối với công tác phòng, chống quấy rối tình dục, Nghị định 145/2020 còn quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm quy định: chi tiết, cụ thể về các hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc phù hợp với tính chất, đặc điểm của công việc và nơi làm việc; giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan, hình thức xử lý kỷ luật người vi phạm, người tố cáo sai; quy định về bồi thường thiệt hại cho nạn nhân và các biện pháp khắc phục hậu quả; bảo vệ bí mật, danh dự, uy tín, nhân phẩm, an toàn cho nạn nhân bị quấy rối tình dục, người khiếu nại, tố cáo và người bị khiếu nại, bị tố cáo.
Theo đó, những quy định trên về trách nhiệm của người sử dụng lao động phải được đưa vào nội quy lao động hoặc bằng phụ lục ban hành kèm theo nội quy lao động…
Làm gì để bảo vệ người bị quấy rối ?
Hành vi
quấy rối tình dục nơi làm việc đã bị nghiêm cấm, nhưng người lao động khi bị quấy rối thì cần phải làm gì để bảo vệ chính mình.
Có thể khởi kiện đòi bồi thường
Theo thạc sĩ Lưu Đức Quang,
giảng viên Đại học Kinh tế – Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM), quấy rối tình dục không bị đưa vào một trong các hành vi phải chịu trách nhiệm hình sự, vì vậy, hành vi này nếu có xảy ra tại nơi làm việc thì người lao động vi phạm sẽ bị kỷ luật sa thải; còn hành vi này xảy ra ngoài phạm vi nơi làm việc, và ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì người quấy rối tình dục sẽ bị xử phạt hành chính từ 100.000 – 300.000 đồng, theo Nghị định 167/2013 của Chính phủ.
Ông Quang cho biết theo BLLĐ 2019 quy định liên quan đến xử lý kỷ luật người lao động đối với hành vi vi phạm quấy rối tình dục, thì không có quy định phạt tiền, cắt lương. “Tuy nhiên, sau khi người quấy rối tình dục đã bị xử lý kỷ luật là sa thải theo quy định, thì người lao động bị quấy rối tình dục vẫn có quyền khởi kiện ra tòa yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo bộ luật Dân sự 2015. Đây là yêu cầu buộc người quấy rối phải bồi thường thiệt hại về tổn thất tinh thần từ hành vi quấy rối. Nếu các bên không thỏa thuận được số tiền bồi thường, thì người quấy rối phải bồi thường cho người bị quấy rối, tối đa là 10 tháng lương cơ bản. Hơn nữa, nếu chứng minh được có thiệt hại vật chất thì người quấy rối cũng phải bồi thường”, ông Quang phân tích.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết Nghị định 145/2020 quy định rất rõ về trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động liên quan hành vi quấy rối tình dục. Theo đó, khi phát hiện người lao động có hành vi vi phạm kỷ luật lao động (quấy rối tình dục) tại thời điểm xảy ra hành vi vi phạm, người sử dụng lao động tiến hành lập biên bản vi phạm và thông báo đến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động là thành viên. Trường hợp người sử dụng lao động phát hiện hành vi vi phạm kỷ luật lao động sau thời điểm hành vi vi phạm đã xảy ra, thì thực hiện thu thập chứng cứ chứng minh lỗi của người lao động.
“Chứng cứ có thể là ghi âm lời thoại, hình ảnh qua camera, tin nhắn, hoặc thư điện tử, người làm chứng…”, luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết và nhấn mạnh, sau khi thu thập chứng cứ thì người sử dụng lao động tiến hành họp xử lý kỷ luật lao động và ra quyết định xử lý kỷ luật đối với người lao động vi phạm.
Ngoài ra, luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết theo BLLĐ 2019, người lao động nếu vi phạm kỷ luật lao động thì có thể bị xử lý kỷ luật ở một trong 4 hình thức: khiển trách, kéo dài thời hạn nâng lương không quá 6 tháng, cách chức và sa thải.
“Trong đó, điều 125, BLLĐ 2019 nêu, hình thức sa thải sẽ được người sử dụng lao động áp dụng trong trường hợp người lao động có hành vi
quấy rối tình dục. Và trong trường hợp này, người ra quyết định xử lý kỷ luật sa thải là người đứng ra giao kết hợp đồng lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm”, luật sư Hoan nhấn mạnh.