Theo nhiều chuyên gia, việc TAND H.U Minh (Cà Mau) cho vợ chồng bị đơn được hưởng 1/2 diện tích đất đã chiếm vì… ‘có công bảo quản’ là trái với quy định của pháp luật.
Như Thanh Niên đã thông tin, Viện KSND H.U Minh vừa có kháng nghị, đề nghị TAND tỉnh Cà Mau xét xử phúc thẩm theo hướng sửa án sơ thẩm, chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn Giang (48 tuổi, ngụ H.U Minh) về việc đòi ông Nguyễn Văn Đẹt trả lại gần 5.000 m2 đất ở xã Khánh Hội (H.U Minh).
Theo kháng nghị, ông Giang kiện đòi vợ chồng ông Nguyễn Văn Đẹt trả lại 5.000 m2 đất. Tuy nhiên, sau khi đo đạc, thực tế chưa đến 5.000 m2 đất. Đất này được cha mẹ ông Giang khai phá và canh tác từ năm 1968, nhưng do chiến tranh nên bỏ đi một thời gian. Đến khoảng năm 1973, cha mẹ ông Giang trở về tiếp tục canh tác. Năm 1993, cha ông Giang chết, để lại đất cho ông Giang sử dụng, quản lý. Hai năm sau, ông Giang được UBND H.U Minh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 5.000 m2.
Tuy nhiên, năm 1997, ông Đẹt chiếm toàn bộ phần đất này và sử dụng cho đến nay, vì cho rằng phần đất này của ông nội vợ để lại. Sau đó, nhà nước làm đường U Minh – Khánh Hội chia cắt phần đất ra làm 2 phần. Ông Đẹt san lấp mặt bằng làm thay đổi hiện trạng đất và cất nhà hết phần đất mặt tiền để buôn bán, cho thuê.
Hôm 24.4, TAND H.U Minh không chấp nhận khởi kiện của ông Giang yêu cầu ông Đẹt trả lại toàn bộ phần đất tranh chấp, mà chỉ chấp nhận một phần khởi kiện. Tòa tuyên giữ nguyên hiện trạng phần đất tranh chấp cho vợ chồng ông Đẹt quản lý, sử dụng hơn 4.650 m2, buộc vợ chồng ông này có trách nhiệm hoàn trả 1/2 giá trị đất tranh chấp cho ông Giang hơn 3,8 tỉ đồng.
Theo tòa, ông Đẹt chiếm đất của ông Giang, qua các lần giải quyết của UBND huyện và tỉnh buộc ông trả lại đất nhưng ông vẫn không thực hiện. Do đó, ông Giang khởi kiện yêu cầu trả lại đất là có cơ sở chấp nhận.
“Xét về quá trình quản lý sử dụng, công sức trong việc bảo quản, gìn giữ, đầu tư tôn tạo làm gia tăng giá trị đất thì ông Giang và vợ chồng ông Đẹt có quá trình quản lý sử dụng, công sức ngang nhau (gia đình ông Giang từ năm 1969 – 1997, gia đình ông Đẹt từ năm 1997 đến nay). Do đó, ông Giang và vợ chồng ông Đẹt mỗi bên được chia 1/2 diện tích đất tranh chấp là hợp lý”, bản án nhận định.
Cũng theo tòa, hiện tại, phần đất tranh chấp trong quá trình quản lý sử dụng, vợ chồng ông Đẹt đã đầu tư, xây dựng nhà và cho nhiều người khác ở trên đất phía mặt tiền giáp lộ. Vì thế tòa giao phần đất tranh chấp cho vợ chồng ông Đẹt tiếp tục sử dụng, buộc hoàn trả 1/2 giá trị đất tranh chấp cho ông Giang là phù hợp…
Tuy nhiên, Viện KSND H.U Minh kháng nghị cho rằng bản án sơ thẩm tuyên như trên là không phù hợp, bởi thực tế, ông Đẹt là người ngang nhiên chiếm đất của ông Giang. Từ năm 1997 đến nay, ông Giang không thể quản lý, sử dụng và tôn tạo phần đất vốn thuộc quyền quản lý của mình.
“Nhận định của bản án sơ thẩm sẽ gây bức xúc và tạo dư luận xấu trong xã hội. Vì chỉ cần thời gian chiếm đất lâu dài và có công quản lý, tôn tạo đất sẽ mặc nhiên được quyền sử dụng đất”, quyết định kháng nghị nêu.
Phải xem xét lại bản án sơ thẩm
Theo Th.S Nguyễn Nhật Thanh (Trường ĐH Luật TP.HCM), việc tòa sơ thẩm cho rằng công sức của bị đơn tương đương với 1/2 giá trị tài sản nhưng bản án chưa làm rõ vấn đề này. Khi đã xác định quyền sử dụng đất thuộc quyền sở hữu của nguyên đơn, thì căn cứ điều 163 bộ luật Dân sự: “Không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái luật quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản”. Việc tòa án chỉ căn cứ vào công sức quản lý, giữ gìn, tôn tạo mà công nhận quyền sử dụng đất của bị đơn và tước quyền của nguyên đơn là đi ngược với nguyên tắc bảo hộ của pháp luật đối với quyền sở hữu, trong đó có quyền sử dụng đất.
“Theo tôi, sau khi xác định rõ nguồn gốc đất là của ông Giang, thì đáng lẽ tòa án nên công nhận quyền sử dụng đất cho ông này. Đồng thời, yêu cầu ông Giang thanh toán một phần chi phí tương ứng với công sức của vợ chồng ông Đẹt đã bỏ ra làm gia tăng giá trị quyền sử dụng đất”, Th.S Thanh nói.
Cũng theo Th.S Thanh, cần xác định rõ mục đích sử dụng đất đối với khu đất đang tranh chấp là gì. Việc bị đơn cho xây dựng các công trình trên phần đất tranh chấp có phù hợp với mục đích sử dụng đất hay không? Nếu việc xây dựng không phù hợp với mục đích sử dụng đất, thì đây là hành vi bị cấm theo quy định tại điều 12 luật Đất đai. Nếu vi phạm sẽ không được xem là công sức làm gia tăng giá trị quyền sử dụng đất, căn cứ để xác định việc sử dụng đất ổn định.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM) cũng cho rằng việc TAND H.U Minh tuyên cho vợ chồng ông Đẹt được hưởng 1/2 diện tích đất do có công sức quản lý, tôn tạo là đã xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của ông Giang. “Nếu ông Đẹt không lấn chiếm đất rồi tiến hành đầu tư, xây nhà cho thuê thì ông Giang đã có thể thi công hoặc thực hiện các công việc khác để hưởng lợi trên phần đất đó”, luật sư Hậu nêu.
Theo điều 236 bộ luật Dân sự, người chiếm hữu bất động sản có thể được xác lập quyền sở hữu nếu chiếm hữu ngay tình, liên tục, công khai trong suốt 30 năm kể từ thời điểm chiếm hữu.
Tính từ năm 1997 đến nay chỉ mới 26 năm, nên ông Đẹt không đủ điều kiện về thời hạn, điều kiện chiếm hữu ngay tình cũng không thể thỏa mãn, bởi đất vốn đang tranh chấp với ông Giang từ nhiều năm nay. Vì thế dù cho ông Đẹt có chiếm hữu đủ 30 năm thì cũng không thể xác lập quyền sở hữu đối với phần đất này.
Theo luật sư Lê Trung Phát (Giám đốc Hãng luật Lê Trung Phát), bản án của tòa tuyên như trên vừa không đảm bảo được sự công bằng, đi ngược với các nội dung được đưa ra trong án lệ số 02/2016 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao.
“Ông Giang đi đòi lại đất, mà tòa lại tuyên cho vợ chồng ông Đẹt có nghĩa vụ trả lại 1/2 giá trị đất là vô lý”, luật sư Phát nói. Như vậy vô hình trung là ông Giang sẽ mất đất, mất công cụ sản xuất, còn vợ chồng ông Đẹt thì mặc nhiên có gần 5.000 m2 đất để sử dụng. Nếu xem việc vợ chồng ông Đẹt đã bỏ tiền ra cải tạo đất để xây nhà cho thuê, cho người khác ở, họ có thu lại lợi ích, thì họ có phải chia cho ông Giang hay không. Một bản án không thể ghi nhận quyền lợi một chiều, gây bất công cho chủ đất.
“Tôi đồng tình với kháng nghị. Nếu chiếm tài sản trái phép của người khác mà vẫn được tòa án công nhận quyền sử dụng đất thì sẽ vô cùng nguy hiểm. Điều này sẽ tạo ra một tiền lệ vô cùng tai hại”, luật sư Phát nhấn mạnh.
Chuyển toàn bộ hồ sơ đến TAND tỉnh Cà Mau
Ngày 30.5, tin từ TAND H.U Minh, sau khi Viện KSND H.U Minh có quyết định kháng nghị toàn bộ bản án, tòa tiến hành các thủ tục để chuyển hồ sơ về TAND tỉnh Cà Mau. Hiện còn chờ các thủ tục thừa phát lại vì vụ việc liên quan nhiều người nên các biên bản của thừa phát lại gửi đến hơi chậm. Ngoài ra, tòa còn thông báo cho các bên về việc kháng cáo, kháng nghị. Khi hoàn tất tất cả các bước trên, TAND H.U Minh sẽ chuyển toàn bộ hồ sơ đến TAND tỉnh Cà Mau để xem xét kháng nghị.
Gia Bách
NGÂN NGA
Nguồn: Báo Thanh Niên
https://thanhnien.vn/toa-cho-nguoi-chiem-dat-huong-1-2-dien-tich-vi-co-cong-bao-quan-la-trai-luat-185230604001914361.htm