Nếu người tiêu dùng mua phải thực phẩm kém chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe, cơ sở sản xuất bị xử phạt thế nào, người tiêu dùng làm gì để được bảo vệ quyền lợi? Phóng viên Tạp chí Năng lượng Mới phỏng vấn luật sư Nguyễn Văn Hậu – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam (VLCAC) – về vấn đề này.
PV: Luật sư có thể cho biết, những cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm (ATTP) bị xử phạt thế nào?
Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Khoản 1 và khoản 3 Điều 6 Luật ATTP năm 2010 quy định tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về ATTP thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật. Mức phạt tiền đối với vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; trường hợp áp dụng mức phạt cao nhất theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà vẫn còn thấp hơn 7 lần giá trị thực phẩm vi phạm, thì mức phạt được áp dụng không quá 7 lần giá trị thực phẩm vi phạm.
Cụ thể, phạt tiền 40-50 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Nhập khẩu, sản xuất, chế biến, cung cấp, bán thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về ATTP gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của từ 1-4 người.
Phạt tiền 80-100 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Nhập khẩu, sản xuất, chế biến, cung cấp, bán thực phẩm không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật, quy định về ATTP gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của từ 5 người trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bên cạnh đó còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh, cung cấp thực phẩm 3-5 tháng; tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm 12-16 tháng đối với sản phẩm thuộc diện đăng ký bản công bố sản phẩm vi phạm; tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm 20-24 tháng đối với sản phẩm thuộc diện đăng ký bản công bố sản phẩm vi phạm.
PV: Có thể xử lý hình sự đối với cơ sở vi phạm về ATTP không, thưa ông?
Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Tùy theo tính chất, mức độ mà người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về ATTP theo điều 317 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2017; hình phạt tù cao nhất lên đến 20 năm.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải chịu các biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc thu hồi, tiêu hủy thực phẩm vi phạm; phải chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm; buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm đối với sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm vi phạm.
Ban Quản lý ATTP TP HCM kiểm tra thực phẩm tại chợ truyền thống
PV: Theo luật sư, những lỗ hổng trong việc quản lý ATTP hiện nay là gì?
Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Doanh nghiệp sản xuất thực phẩm trước khi công bố sản phẩm phải trải qua trình tự đăng ký bản hợp quy với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo Điều 12 Luật ATTP năm 2010 và phải được cấp giấy chứng nhận trong hồ sơ thủ tục công bố sản phẩm theo khoản 1 Điều 5 Nghị định 15/2018/NĐ-CP. Trong thời hạn 15 ngày sau khi nhận hồ sơ, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiến hành kiểm tra tại cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, trang thiết bị, dụng cụ, kinh phí phục vụ cho công tác kiểm tra, kiểm soát còn hạn chế; việc lấy mẫu kiểm nghiệm còn khó khăn. Việc phát hiện các độc tố, hóa chất tồn dư trong thực phẩm đòi hỏi quy trình lấy mẫu kiểm định phức tạp, chi phí lớn, thời gian dài, do đó, việc cảnh báo, khuyến cáo cho người tiêu dùng chưa kịp thời. Phương tiện kiểm tra nhanh chưa đủ căn cứ, cơ sở để cảnh báo. Một số cơ sở sản xuất chưa quan tâm đến việc chứng minh nguồn gốc xuất xứ, hồ sơ nhiên liệu, phụ gia thực phẩm, gây khó khăn cho việc truy xuất nguồn gốc…
Hiện nay, việc phát hiện các độc tố, hóa chất tồn dư trong thực phẩm đòi hỏi quy trình lấy mẫu kiểm định phức tạp, chi phí lớn, thời gian dài, do đó, việc cảnh báo, khuyến cáo cho người tiêu dùng chưa kịp thời. Phương tiện kiểm tra nhanh chưa đủ căn cứ, cơ sở để cảnh báo.
PV: Người tiêu dùng bị ảnh hưởng sức khỏe do thực phẩm “bẩn” có thể khởi kiện cơ sở sản xuất không, thưa ông?
Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, người tiêu dùng có quyền được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp. Người tiêu dùng được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng.
Người tiêu dùng được yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.
Người tiêu dùng có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
PV: Xin cảm ơn ông!