Từ bức xúc của dư luận, kiến nghị của chính quyền cơ sở, UBND TP HCM chuẩn bị tiến hành hàng loạt giải pháp để nhà, đất công được quản lý, khai thác hiệu quả nhất
Xây dựng đề án để sắp xếp lại
Theo UBND TP, Ban Chỉ đạo 167 gồm 15 thành viên do Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong làm Trưởng ban; Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng làm Phó Trưởng ban; Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính La Văn Thịnh là Phó Trưởng ban. Ba phó cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính là ủy viên của Ban Chỉ đạo 167. Các ủy viên còn lại của Ban Chỉ đạo 167 là lãnh đạo các sở – ngành: Tài chính; Tài nguyên và Môi trường; Xây dựng, Quy hoạch và Kiến trúc; Kế hoạch và Đầu tư; Tư pháp; Thanh tra TP; Văn phòng UBND TP. Ban Chỉ đạo 167 có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Nghị định số 167/2017 của Chính phủ về quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Cũng liên quan đến nhà, đất công, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình cho biết ông đã ký quyết định, phê duyệt Đề án “Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn TP HCM”.
Khu đất công có diện tích hàng ngàn m2 trên đường Kinh Dương Vương, quận Bình Tân, TP HCM bị bỏ hoang nhiều năm Ảnh: LÊ PHONG
Theo đó, đề án đưa ra 2 giải pháp để triển khai thực hiện việc sắp xếp, điều chuyển đưa vào sử dụng hợp lý tài sản công là nhà, đất. Một là, TP HCM sẽ thành lập đoàn liên ngành do một lãnh đạo TP đứng đầu; một lãnh đạo Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) làm thường trực để thực hiện tổng rà soát việc sử dụng tài sản công là nhà, đất do nhà nước quản lý theo định kỳ 5 năm trên phạm vi TP. Từ đó, đề xuất giải pháp xử lý những trường hợp trái pháp luật, không hợp lý và đề xuất phương án sắp xếp lại. Sau đó, UBND TP xem xét để trình HĐND TP thông qua rồi trình Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn làm căn cứ để giải quyết đối với công sản do các tổ chức của TP và trung ương nắm giữ.
Hai là, đối với việc giao đất, cho thuê đất cho các dự án đầu tư mà có nhà, đất do nhà nước quản lý xen cài (bao gồm cả đất do nhà nước quản lý ở dạng lối đi chung, kênh rạch nhỏ, nông nghiệp… và nhà, đất đang có đơn vị nhà nước quản lý, sử dụng) thì thực hiện thống nhất một quy trình. Đối với trường hợp nhà đầu tư dự án nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường thì đặt ra yêu cầu phải nhận chuyển nhượng rộng hơn, nhằm trả lại nhà nước một diện tích đất tương ứng với giá trị tài sản công xen cài sẽ được sử dụng cho dự án.
Lý giải về việc xây dựng đề án trên cũng như thẩm quyền thực hiện, UBND TP cho biết từ năm 2000, Chính phủ đã có những chủ trương lớn trong việc sắp xếp lại mặt bằng sử dụng tài sản công là nhà, đất do nhà nước quản lý tại các đô thị. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chủ trương này thường rất khó khăn vì lợi ích của các vị trí đất tại trung tâm thường rất lớn, nhất là các công sản đang thuộc quản lý của các cơ quan trung ương. Theo quy định của Luật Đất đai năm 2003 và Luật Đất đai 2013, đất đai thuộc thẩm quyền quyết định của UBND cấp tỉnh, chỉ có tài sản mới thuộc quyền quyết định của các tổ chức đang sử dụng, trong đó có các tổ chức của trung ương. Như vậy, việc tổng rà soát lại các mặt bằng sử dụng tài sản công là nhà, đất do nhà nước quản lý để đề xuất việc xử lý và sắp xếp lại hoàn toàn thuộc thẩm quyền quản lý của UBND TP. “Trong rà soát lần này sẽ làm rõ xem quyền sử dụng đất của các doanh nghiệp nhà nước, các tổ chức xã hội phải thuê đất của nhà nước đã giải quyết trong quá khứ chưa, nếu chưa thì giá trị quyền sử dụng đất đó vẫn thuộc UBND TP” – UBND TP thông tin.
Đặc biệt, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TP, khẳng định đơn vị này cũng đã kiến nghị UBND TP mạnh tay buộc các đối tượng sử dụng nhà, đất công phải công khai mục đích, kế hoạch sử dụng hiện tại và thời gian tới. Mặt khác, sở này còn đang phối hợp với Sở Tài chính và nhiều ban, ngành để từng bước xử lý các địa điểm nhà, đất công thuộc thẩm quyền quản lý của TP nhưng sử dụng sai mục đích, lãng phí, cần thiết sẽ dứt khoát thu hồi.
Cần công khai tất cả địa chỉ nhà, đất công
Ủng hộ kế hoạch tổng rà soát cũng như kiên quyết thu hồi các địa chỉ nhà, đất công đang khai thác, sử dụng lãng phí, đại biểu HĐND TP HCM Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP, góp ý để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nhà, đất công thì cần công khai tất cả các địa chỉ nhà, đất công hiện có trên địa bàn TP. Việc làm này, thứ nhất là để người dân biết, thực hiện chức năng giám sát, phản ánh. Hai là, để doanh nghiệp, nhà đầu tư – những đối tượng có nhu cầu đầu tư, quan tâm. “Khi công khai địa chỉ đất, nhà công cần đầy đủ thông tin về tính pháp lý, được quy hoạch làm khu công nghiệp, khu đô thị, khởi nghiệp hay nhà ở xã hội… Việc này rất có lợi trong thu hút các nhà đầu tư khi đưa ra đấu giá sử dụng nhà, đất công. Bởi khi đó, nhà đầu tư sẽ biết nhu cầu của mình có phù hợp với nhà, đất đó hay không” – Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP phân tích. Ngoài ra, theo ông Thắng, TP cũng cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát sau khi giao, cho thuê đất từ các cơ quan liên quan.
Khu đất mặt tiền đường Trần Khắc Chân (huyện Hóc Môn, TP HCM) được TP HCM giao Công ty CP Lương thực TP làm chi nhánh và kho thực phẩm nhưng công ty này tận dụng cho thuê lại Ảnh: THU HỒNG
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP, cho rằng nhiều nhà, đất công giao cho các tổ chức, cá nhân thời gian qua được sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí, thất thoát xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, đầu tiên phải kể đến là do công tác quản lý còn lỏng lẻo, chồng chéo giữa các cơ quan chức năng, tạo ra nhiều kẽ hở. Kế đến là sự thiếu thống nhất, chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan về quản lý, sử dụng tài sản công, tạo ra các “lỗ hổng” về pháp luật, là cơ hội cho một số cá nhân, tổ chức lợi dụng để trục lợi. Đặc biệt, cá nhân, tổ chức lợi dụng hình thức kêu gọi đầu tư, liên kết liên doanh đầu tư, cổ phần hóa để thuê đất giá rẻ, sau đó trục lợi. Cuối cùng, không thể không kể đến việc thiếu trách nhiệm của các cá nhân đứng đầu, cơ quan có thẩm quyền quản lý, sử dụng. Để quản lý nhà, đất công một cách hiệu quả, luật sư Nguyễn Văn Hậu kiến nghị rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan quản lý, sử dụng tài sản công; tăng cường sự giám sát của MTTQ, đoàn thể và nhân dân; chú trọng vai trò tư vấn của các cá nhân, tổ chức có chuyên môn, kinh nghiệm ngoài nhà nước trong việc quản lý, khai thác nhà, đất công.
Đề nghị “nặng ký” hơn, TS Đinh Thế Hiển (chuyên gia tài chính) nói để nhà, đất công không bị lợi dụng hòng trục lợi thì nhất thiết phải thu hồi ngay. Bởi theo ông, có như thế đơn vị sử dụng nhà, đất công mới không dám làm sai, trái quy định. Góp ý thêm cho UBND TP, TS Đinh Thế Hiển cho rằng ngoài vận dụng tư duy dài hạn, xuyên suốt trong quá trình quản lý, thì việc quản lý nhà, đất công phải gắn với yếu tố văn hóa, lịch sử. Theo đó, nếu là các công trình văn hóa, lịch sử thì không giao tư nhân xã hội hóa, thậm chí nhà nước phải tôn tạo nhằm tăng giá trị văn hóa, lịch sử của công trình.
Kinh nghiệm từ Nhật Bản
Theo KTS Trần Vĩnh Nam, chuyên gia trong lĩnh vực đô thị, tại Nhật Bản, một số trụ sở làm việc của chính quyền được khuyến khích đầu tư và kết hợp với các đơn vị tư nhân để vận hành.
“Nhiều trụ sở làm việc chỉ lấy tầng trệt hoặc một phần diện tích tầng trệt làm nơi giải quyết hồ sơ và diện tích còn lại làm nhà chung cư, trung tâm thương mại. Gần như nhà, đất công tại Nhật Bản đều được tận dụng tối đa, tính toán lợi ích kinh tế và quan tâm đúng mức nhu cầu công tác, không lãng phí. Hằng năm sẽ có đơn vị kiểm tra độc lập để “trừng trị” những hành vi sử dụng nhà, đất công hòng trục lợi” – KTS Trần Vĩnh Nam thông tin.