Luật sư: Đủ cơ sở xử lý hình sự vụ trộn pin vào cà phê.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại luật gia Việt Nam cho rằng, hành vi trộn pin vào cà phê phế thải bán ra thị trường có đủ cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Liên quan đến cơ sở kinh doanh nông sản của bà Nguyễn Thị Thanh Loan (ở thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) bị bắt quả tang đang trộn bột đen của pin con Ó vào cà phê phế thải rồi bán ra thị trường gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng bị phát hiện. Phóng viên có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Văn Hậu – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại luật gia Việt Nam về vấn đề này.

Luật sư đánh giá như thế nào về việc chủ cơ sở có hành vi trộn pin vào cà phê nói riêng và trộn hóa chất vào thực phẩm nói chung như hiện nay?

Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Theo Khoản 1 Điều 8 Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2010, người tiêu dùng có quyền “Được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.”.

Việc chủ cơ sở có hành vi trộn pin vào cà phê nói riêng và trộn hóa chất vào thực phẩm nói chung là hành vi vi phạm pháp luật và bất chấp đạo đức kinh doanh. Bởi, trong pin có rất nhiều kim loại nặng, nếu những kim loại rất độc hại này đi vào cơ thể con người sẽ đưa đến những biến chứng cực kỳ nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng.

Đây là hành vi bị cấm theo quy định tại Khoản 3 Điều 5 Luật An toàn thực phẩm 2010, “Sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng, ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc trong danh mục được phép sử dụng nhưng vượt quá giới hạn cho phép; sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, hóa chất bị cấm sử dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm.”; danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm được quy định tại Quyết định 3742/2001/QĐ-BYT ngày 31/08/2001 của Bộ Y tế về việc ban hành “quy định danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm”.

Việc chủ cơ sở sản xuất sử dụng chất, hóa chất bị cấm để sản xuất, đưa vào tiêu dùng là tình trạng thường xuyên xảy ra trong những năm gần đây và vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng. Do đó, nếu cơ quan có thẩm quyền không có những biện pháp xử lý triệt để và người dân không tích cực phối hợp phát hiện, hỗ trợ công tác xử lý thì tình trạng này sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người dân cũng như sự phát triển chung của xã hội.

Theo quan điểm của luật sư, với việc trộn chất bột đen trong pin vào cà phê mang đi tiêu thụ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng như vậy thì liệu có thể xử lý hình sự người đứng đầu cơ sở này hay không?

Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Hành vi trộn chất bột đen trong pin vào cà phê để mang đi tiêu thụ có khả năng xâm hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của người dân và xâm hại đến quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng, lừa dối người tiêu dùng. Do đó, người thực hiện hành vi này phải chịu trách nhiệm trong trường hợp này.

Trường hợp này hoàn toàn có đủ cơ sở để xử lý hình sự đối với hành vi trộn pin vào cà phê của người đứng đầu cơ sở sản xuất cà phê này theo Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm được quy định tại Điều 317 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.

Bởi hành vi có đủ yếu tố cấu thành tội phạm này, tại Điểm a Khoản 1 Điều 317 quy định trách nhiệm hình sự đối với hành vi “Sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm mà biết là cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”.

Pháp luật có chế tài xử phạt rất nghiêm minh với những hành vi đưa hóa chất vào thực phẩm gây nguy hại đến sức khỏe của con người, vậy luật sư có thể cho biết, những chế tài xử phạt theo Bộ Luật hình sự 2015 hiện nay quy định như nào với hành vi này?

Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Tại Điều 317 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 về Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm quy định về mức phạt đối với hành vi này như sau:

Mức phạt thấp nhất đối với tội phạm này là “phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”;

Mức phạt cao nhất là “phạt tù từ 12 năm đến 20 năm”.

Ngoài ra, “Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

Ngoài ra, những cơ sở buôn bán cà phê sử dụng cà phê trộn pin do bà Nguyễn Thị Thanh Loan làm chủ liệu có bị liên quan và xử lý hay không thưa luật sư?

Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Theo Luật an toàn thực phẩm 2010, hành vi “kinh doanh thực phẩm có chứa chất độc hại” là hành vi cấm được quy định tại Điểm d Khoản 4 Điều 5. Do đó, khi thực hiện hoạt động kinh doanh thực phẩm, nhà cung cấp buộc phải có trách nhiệm đảm bảo thực phẩm mình cung cấp phải đủ điều kiện về an toàn thực phẩm.

Trong trường hợp vi phạm quy định trên thì tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo Khoản 1 Điều 26 Nghị định 178/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm về hành vi “bán buôn, bán lẻ thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm lưu thông trên thị trường không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật hoặc quy định an toàn thực phẩm”; tùy theo giá trị của lô hàng mức phạt sẽ khác nhau. Mức thấp nhất là “Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với trường hợp lô hàng vi phạm có giá trị đến 5.000.000 đồng”, mức cao nhất là “Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với trường hợp lô hàng vi phạm có giá trị trên 200.000.000 đồng”.

Theo Thanh Hà/ /www.tienphong.vn