Quang cảnh Hội thảo |
Tham dự Hội thảo có ông Huỳnh Đảm, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; lãnh đạo UBTƯ MTTQ Việt Nam qua các thời kỳ cùng lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố phía Nam.
Không tăng biên chế và hạn chế tăng đầu mối
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu cho biết, từ thực tế triển khai, bên cạnh những ưu điểm, tổ chức, bộ máy, nhiệm vụ quyền hạn của Cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc.
Thực tế cho thấy, năm 2021, Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIII đã ban hành Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Khóa XIII. Quy định mới này quy định thẩm quyền ban hành Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan tham mưu, giúp việc Đảng đoàn trực thuộc Trung ương là Bộ Chính trị. Do đó, cần thiết có văn bản của Bộ Chính trị quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy của Cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam làm cơ sở pháp lý trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ cũng như triển khai các mối quan hệ phối hợp công tác.
Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu phát biểu tại Hội thảo |
Cùng với đó, Hiến pháp 2013, Luật MTTQ Việt Nam 2015 được ban hành đã bổ sung, làm rõ nhiều nhiệm vụ đối với MTTQ Việt Nam, nhất là nhiệm vụ tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; giám sát, phản biện xã hội và tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, một số chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam được quy định trong Hiến pháp năm 2013, Luật MTTQ Việt Nam 2015 chưa được cụ thể hóa thành chức năng, nhiệm vụ của Cơ quan để tham mưu thực hiện.
Cũng theo Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu, chức năng, nhiệm vụ của một số ban, đơn vị của Cơ quan chưa quy định rõ và đang có sự chồng lấn; một số nhiệm vụ quan trọng nhưng chưa có ban chuyên môn chuyên trách nào theo dõi thực hiện; một số nhiệm vụ còn giao cho nhiều đơn vị cùng thực hiện, chưa rõ đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp; Tổ chức, bộ máy của một số Ban, đơn vị chưa tương xứng với chức năng, nhiệm vụ được giao nên gặp nhiều hạn chế trong tổ chức, triển khai nhiệm vụ; đồng thời chưa phát huy được hiệu quả của các Hội đồng tư vấn.
“Xuất phát từ những khó khăn nêu trên, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam đã thảo luận và thống nhất đề xuất và được Bộ Chính trị nhất trí đưa vào Chương trình công tác năm 2022 về việc ban hành “Quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam””, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu thông tin.
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tại Hội thảo |
Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng thông tin thêm, việc xây dựng Đề án kế thừa, phát triển, đổi mới tổ chức bộ máy phải phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ công tác Mặt trận trong tình hình mới, khắc phục được những hạn chế, bất cập hiện nay, đồng thời phát huy được những mặt tích cực của mô hình tổ chức bộ máy trong giai đoạn vừa qua.
“Quá trình sắp xếp, đổi mới tổ chức bộ máy, cơ bản không làm tăng biên chế và hạn chế tăng đầu mối bên trong của Cơ quan so với trước khi thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; Mô hình tổ chức bộ máy của các ban, đơn vị thuộc cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam phải được xác định trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam”, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh.
Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam cơ bản được kế thừa và làm rõ hơn một số nội dung theo nguyên tắc, nội dung về quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam được quy định trong Luật MTTQ Việt Nam được giao cho 01 Ban chuyên môn chủ trì tham mưu. Xác định rõ hơn nguyên tắc: Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam làm việc theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, quyết định theo đa số; Cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam làm việc có tính chất cơ quan hành chính, theo chế độ Thủ trưởng.
Đề án cơ bản giữ nguyên cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, tên gọi của các ban, đơn vị như: Ban Tuyên giáo, Ban Đối ngoại và Kiều bào, Ban Công tác phía Nam, Văn phòng Cơ quan, Báo Đại đoàn kết, Tạp chí Mặt trận, Văn phòng Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, Báo Người Công giáo Việt Nam.
Đề án cũng bổ sung làm rõ hơn nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất, tham mưu, giúp việc của cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, trên cơ sở cụ thể hóa 7 nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam được quy định trong Luật MTTQ Việt Nam; Bổ sung nhiệm vụ và đổi tên của một số Ban, đơn vị cho rõ nhiệm vụ hơn.
Nhấn mạnh Đề án “Quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam” có nội dung hết sức quan trọng, góp phần đổi mới tổ chức bộ máy, nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn mới, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng mong muốn tiếp thu được nhiều ý kiến tham gia góp ý từ các vị nguyên là lãnh đạo của MTTQ Việt Nam qua các thời kỳ, lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố phía Nam. Kết quả của Hội thảo là cơ sở quan trọng để Ban Thường trực tiếp tục bổ sung, hoàn thiện Đề án để trình Bộ Chính trị xem xét, phê duyệt vào tháng 12/2022.
Làm rõ nhiệm vụ của các Ban, đơn vị của Cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam
Tại Hội thảo, đại biểu tham dự đã cùng thảo luận về chức năng, nhiệm vụ của cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam; về tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ, tên gọi của các ban, đơn vị tham mưu trực thuộc cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam. Trong đó tập trung thảo luận về tên gọi và chức năng, nhiệm vụ của Ban Tổ chức – Cán bộ; Ban Dân chủ – Pháp luật; Ban Phong trào; Ban Tuyên giáo; nội dung thành lập Trường cán bộ MTTQ Việt Nam, trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam; Hội đồng Tư vấn.
Nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm phát biểu tại Hội thảo |
Nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm cho rằng, việc xây dựng Đề án cần có nhận thức đầy đủ, đúng đắn, sâu sắc quan điểm Đảng, tư tưởng Hồ CHí Minh về đại đoàn kết và tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc; đồng thời xác định rõ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt nam trong giai đoạn hiện nay.
Nhấn mạnh chưa có thời kỳ nào mà cương lĩnh của Đảng, Nghị quyết của Đại hội Đảng qua các thời kỳ, Hiến pháp năm 2013 và Luật MTTQ Việt Nam năm 2015 đề cập đến vai trò của đại đoàn kết toàn dân tộc, vai trò của MTTQ như hiện nay, ông Huỳnh Đảm cho rằng, việc xây dựng Đề án phải xác định rõ nội hàm Mặt trận là liên minh chính trị, liên minh xã hội để vận động nhân dân cùng đồng sức, đồng lòng xây dựng và phát triển đất nước.
“Ban Thường trực muốn khẳng định vai trò liên minh này phải nắm rõ lực lượng đoàn viên, hội viên của mình; đồng thời phải phát huy vai trò tham mưu của Ban Tuyên giáo UBTƯ MTTQ Việt Nam để Ban Thường trực phối hợp với các tổ chức thành viên cũng như các cơ quan báo chí trực thuộc tuyên truyền về các chương trình hành động, tuyên truyền quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc”, nguyên Chủ tịch Huỳnh Đảm gợi mở đồng thời cho rằng Mặt trận cần phải tận dụng sức mạnh của cả hệ thống chính trị để cùng củng cố hoạt động của mình.
Đề cập đến vai trò của Ban Dân chủ – Pháp luật, ông Huỳnh Đảm cho rằng, Đề án cần làm rõ vai trò của Ban Dân chủ – Pháp luật trong việc tham mưu cho Ban thường trực phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền giúp nhân dân phát huy vai trò làm chủ của mình như: tổ chức bầu cử; Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân; góp ý phản biện xã hội; phát huy vai trò giám sát, nhất là giám sát đội ngũ đảng viên, công chức trong thực thi nhiệm vụ và phòng chống tham nhũng, giám sát các chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ…
Đối với nhiệm vụ Ban Phong trào, ông Huỳnh Đảm cho rằng, hoạt động của Ban Phong trào là tiếp tục vận động nhân dân chăm lo an sinh xã hội, động viên nhân dân phát triển kinh tế và đoàn kết, tập hợp nhân dân theo đúng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
“Đừng biến Mặt trận là người khổng lồ về hoạt động xã hội từ thiện mà phải đoàn kết vì mục tiêu tương đồng tập hợp đoàn kết, vận động nhân dân vì mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước”, ông Huỳnh Đảm nói và đề nghị Đề án cần khôi phục lại vị trí của Đảng đoàn MTTQ Việt Nam trực thuộc Bộ Chính trị; khẳng định quyền hạn của Đảng đoàn được quyền trao đổi, phối hợp với các địa phương trong việc chăm lo cho đội ngũ cán bộ, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ. Đề án cũng cần đề xuất quy chế làm việc của Bộ Chính trị với Đảng đoàn, Ban Thường trực theo định kỳ hàng năm.
Nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Hoàng Thám phát biểu tại Hội thảo |
Đồng quan điểm với nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Hoàng Thám cho rằng, Đề án cần khái quát các hoạt động của các Ban chuyên môn của Cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam và phải khẳng định được vai trò của Đảng đoàn, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đối với hoạt động của Mặt trận trong giai đoạn hiện nay.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội thảo |
Ở góc độ khác, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, Đề án đã tập trung hơn vào nhiệm vụ tổ chức, quản lý tuy nhiên vẫn còn thiếu sót và chưa đầy đủ khi chưa quy định rõ ràng về chức năng giám sát và phản biện xã hội, đây là điểm nhấn trong các chức năng của MTTQ Việt Nam. Cần phải tập trung và đẩy mạnh thực hiện chức năng này thì mới phát huy đầy đủ được vai trò của MTTQ Việt Nam. Trên cơ sở đó có sự lựa chọn, bố trí cán bộ và phân bổ nguồn kinh phí tương xứng với hoạt động giám sát, phản biện xã hội.
“Đổi tên Ban Dân chủ – Pháp luật thành Ban Dân chủ – Giám sát và Phản biện bởi hoạt động giám sát và phản biện xã hội vốn cũng nhằm mục đích đảm bảo tính dân chủ trong hoạt động của bộ máy nhà nước và tình hình xã hội nên việc bổ sung nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội cho Ban Dân chủ – Pháp luật hiện nay là hoàn toàn phù hợp”, Luật sư Nguyễn Văn Hậu nói.
Đối với hoạt động của Hội đồng tư vấn, Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng Hội đồng tư vấn ngoài đảm bảo các thành phần tham gia, Hội đồng tư vấn các cấp phải được tổ chức lại theo đề án mới, cần lựa chọn nhiều hơn nữa những chuyên gia chuyên sâu từng lĩnh vực, vừa có tâm huyết, trách nhiệm, vừa là những người có nhiều kinh nghiệm từ thực tiễn cuộc sống và sẵn sàng tự nguyện đóng góp hết sức mình cho hoạt động của Mặt trận hiện nay. Bên cạnh đó, cần cấp thiết tiến hành xây dựng các cơ chế để các Hội đồng tư vấn có cơ sở hoạt động hiệu quả trong phạm vi cả nước.
Ông Lê Văn Bình – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Thuận phát biểu tại Hội thảo |
Từ góc độ ở địa phương, ông Lê Văn Bình – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Thuận đánh giá, hội thảo Hội thảo lấy ý kiến này rất có ý nghĩa, nếu những kiến nghị phù hợp của chúng ta đưa ra hôm nay được Bộ Chính trị thông qua, không những có ý nghĩa trước mắt mà còn ý giá trị lâu dài về mặt chiến lược trong tổ chức hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.
“Thiết chế chức năng nhiệm vụ của bộ máy của cơ quan Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sao cho đảm bảo các yếu tố về “danh” và “thực”. Hai vế này cực kỳ quan trọng nên cần phù hợp, hài hòa với nhau…để hoạt động được hiệu quả. Đặc biệt, thiết chế thế nào để hoạt động của Mặt trận phù hợp với tình thời điểm lịch sử cụ thể, không tràn lan, chồng chéo. Đồng thời quy định hoạt động phải đúng thẩm quyền, phù hợp với pháp luật; cần quy định thế nào để khai thác hết sức mạnh của các tổ chức thành viên thuộc Mặt trận, nếu làm được điều này cũng góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Mặt trận”, ông Lê Văn Bình đề nghị.
Phát huy thành quả của thế hệ đi trước
Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu tiếp thu ý kiến của đại biểu tham dự Hội thảo |
Trân trọng tiếp thu ý kiến của đại biểu tham dự Hội thảo, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu cho rằng đây là những ý kiến thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm với mong muốn khi Đề án được Bộ Chính trị xem xét, thông qua, chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của bộ máy Cơ quan UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ phù hợp với giai đoạn hiện nay.
“Quan điểm xây dựng Đề án muốn kế thừa quá trình hình thành, phát triển và chức năng của cả bộ máy trong thời gian qua, cùng với đó nghiên cứu đầy đủ yêu cầu nhiệm vụ mới, những tác động trong tương lai tới hoạt động của MTTQ Việt Nam để xác định mô hình, tổ chức tham mưu hiệu quả cho Đảng đoàn, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam triển khai các chương trình hành động trong thời gian tới”, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu nói.
Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu cho biết, trên tinh thần kế thừa và mong muốn nỗ lực phát huy thành quả của thế hệ đi trước, thời gian gần đây, Đảng đoàn, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã đề xuất nhiều kiến nghị nhằm đổi mới hoạt động của MTTQ Việt Nam. Trong đó phải kể đến việc sắp xếp các chức danh trong hệ thống Mặt trận tại Kết luận số 35-KL/TW của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở vừa được thông qua. Đây là sự ghi nhận của Đảng đối với vị thế của MTTQ Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc nghiên cứu chế độ chính sách liên quan đến hoạt động của MTTQ Việt Nam cũng đang được rà soát nhằm đảm bảo cho hoạt động Mặt trận được triển khai hiệu quả từ Trung ương đến địa phương.
Theo Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu, ý kiến thảo luận của đại biểu đều khẳng định, đây là cơ hội cần thiết để Bộ Chính trị đánh giá lại cơ cấu, bộ máy, chức năng của Mặt trận, bởi vậy việc xây dựng đề án phải nhận thức được đầy đủ, chính xác về vị thế, vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Ý kiến đại biểu đề cập tới hoạt động của Ban Dân chủ – Pháp luật cần nhấn mạnh tới hoạt động giám sát, phản biện xã hội; nhấn mạnh tới vai trò của Mặt trận trong công tác hiệp thương bầu cử; việc tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri giao về ban Tuyên giáo bởi thực tế hiện nay, thông tin từ hoạt động báo chí luôn đảm bảo tính nhanh, nhạy, kịp thời, thẳng thắn….
Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Lê Tiến Châu đề nghị Ban chuyên môn tiếp tục tiếp thu và hoàn chỉnh dự thảo Đề án để trình Bộ Chính trị xem xét, cho ý kiến.
Nguồn: Trang Thông Tin Điện Tử Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam
http://mattran.org.vn/hoat-dong/ke-thua-va-doi-moi-to-chuc-bo-may-phai-phu-hop-voi-yeu-cau-nhiem-vu-cong-tac-mat-tran-trong-tinh-hinh-moi-46258.html