Cháy chung cư lộ ra bất cập trong quản lý phòng cháy chữa cháy.

Vụ cháy tại chung cư Carina (số 1648 đường Võ Văn Kiệt, phường 16, quận 8, TP Hồ Chí Minh) khiến 13 người chết, 14 người bị thương, như một hồi chuông cảnh tỉnh cho tình trạng phòng chống cháy nổ tại các chung cư trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Thượng tá Phạm Trí Thảo, Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) quận 8, TP Hồ Chí Minh cho biết, vào lúc 1 giờ 27 phút, ngày 23-3, Cảnh sát PCCC TP Chí Minh nhận được tin báo cháy tại chung cư Carina Plaza, sau đó đã điều động 34 xe, cùng 205 cán bộ chiến sĩ đến hiện trường chữa cháy. Đến 2 giờ 10 phút, ngày 23-3, đám cháy được khống chế. 2 giờ 27 phút, đám cháy được dập tắt hoàn toàn. Tất cả có 13 người tử vong do ngạt khói (năm nam, tám nữ), trong đó có ba trẻ em; hiện chưa rõ danh tính, 27 người bị thương do ngạt khói, hiện đang được cấp cứu tại các bệnh viện. Vụ cháy đã thiêu rụi khoảng 300 m2 diện tích tầng hầm block A cùng 15 xe ô- tô (trong đó có năm xe cháy hoàn toàn), cháy hoàn toàn 150 xe gắn máy các loại. Cảnh sát PCCC đã tổ chức thoát nạn cho khoảng 1.000 người, trực tiếp cứu được hơn 150 người. Bảo vệ được khoảng 21.700 m2 phần diện tích còn lại của chung cư (gồm một phần block A, toàn bộ block B, block C) và hơn 400 xe ô-tô, 800 xe gắn máy, ngăn chặn không để cháy lan sang các block khác.

Theo cơ quan chức năng, chung cư Carina Plaza có kết cấu ba block nhà (mỗi block có 14 tầng), với tổng diện tích sàn là 22.000 m2. Khu vực xảy ra cháy là tầng hầm chứa xe tại block A. Khi lực lượng Cảnh sát PCCC tới nơi thì ngọn lửa đã bao trùm phần lớn diện tích tầng hầm chứa xe, tỏa nhiệt độ cao, chất cháy chủ yếu là xe ô- tô, xe gắn máy chứa nhiều xăng, dầu phát sinh nhiều khói, khí độc nên gây nhiều khó khăn cho lực lượng Cảnh sát PCCC tiếp cận để chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Bà Kim, 35 tuổi, một cư dân nhà ở block B1 cho biết, người dân phát hiện đám cháy lúc 1 giờ. Lửa phát ra từ tầng hầm giữ ô-tô, xe máy nằm giữa khu A và B của tòa nhà. Lúc đó, hầu hết người dân đang ngủ, có người nghe thấy tiếng nổ, cảm giác ngạt thở. Lúc tỉnh giấc, khói đen đã phủ khắp phòng. Mọi người túa ra ban công chờ cứu hỏa. Một số người tầng thấp nhảy xuống đất, hai trong số này đã tử vong ngay tại chỗ. Những người ở tầng cao hơn thì chạy lên cao để tránh ngạt khói, dùng đèn pin cầu cứu. Nhiều người đã xé màn, chăn, ga… để nối lại làm dây thoát hiểm để tụt xuống mặt đất.

Nhiều bất cập trong công tác PCCC

Điều đáng quan tâm, tình trạng cháy nổ tại các chung cư không phải lần đầu tiên được cảnh báo. Trước đó, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã xảy ra hàng loạt vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản nhưng công tác phòng PCCC tại nhiều chung cư vẫn đang bỏ ngỏ. Chung cư Nhất Lan (khu phố 9, phường Tân Tạo, quận Bình Tân) bị cháy vào ngày 12-10-2017. Lửa đã thiêu rụi nhiều tài sản, vật dụng tại căn hộ ở tầng 11, làm hàng trăm cư dân hoảng loạn. Ngày 17-4-2017, “bà hỏa” cũng viếng thăm chung cư Topaz 2 cao 37 tầng (khu dân cư phức hợp Saigon Pearl, quận Bình Thạnh) khiến hơn 1.000 người dân sống tại 296 căn hộ trong chung cư này bị một phen hoảng loạn, thi nhau tháo chạy xuống mặt đất.

Trong năm 2017, Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh đã tiến hành tổng kiểm tra an toàn PCCC đối với 712 công trình cao tầng, 28 công trình siêu cao tầng, 70 trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố. Qua công tác kiểm tra đã phát hiện 139 cơ sở vi phạm quy định về an toàn PCCC, với 116 lỗi vi phạm. Trong đó, một số chung cư cao tầng dù chưa được nghiệm thu nhưng chủ đầu tư đã đưa người dân vào sinh sống (chung cư cao tầng Viên Ngọc Phương Nam, số 125/20 đường Âu Dương Lân, phường 2, quận 8; block B1 chung cư cao tầng Hưng Ngân, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12). Có chung cư chưa trang bị hoặc trang bị không đầy đủ các phương tiện chữa cháy tại chỗ; công tác tự tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCCC tại các chung cư cao tầng còn hạn chế, chưa tổ chức thường xuyên.

Một số chung cư cao tầng chưa thành lập lực lượng PCCC tại chỗ hoặc có thành lập nhưng không duy trì hoạt động. Một số chung cư cao tầng chưa có Ban quản trị hoặc chủ đầu tư vẫn sở hữu một phần công trình, tranh chấp với Ban quản trị chung cư, dẫn đến chủ đầu tư không bàn giao đầy đủ hồ sơ thiết kế, phí bảo trì công trình cho Ban quản trị; gây khó khăn cho công tác kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng công trình.

Nhiều Ban quản lý chung cư còn né tránh, chậm thực hiện các kiến nghị khắc phục về an toàn PCCC của Cảnh sát PCCC, nhất là tại các chung cư đã giao về cho các hộ dân tự quản lý, dẫn đến tình trạng các vi phạm về an toàn PCCC vẫn tiếp tục kéo dài. Tại chung cư Nhất Lan dù đã bị cháy nhưng khi kiểm tra, Ban quản trị chung cư này vẫn không tổ chức bảo trì, bảo dưỡng hệ thống, phương tiện chữa cháy và lý do hết kính phí! Cũng với lý do trên, Ban quản trị chung cư Tân Tạo (phường Tân Tạo A, quận Bình Tân), chung cư Nguyễn Quyền (phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân) không sửa chữa hệ thống báo cháy, máy bơm…

Ngay tại chung cư Carina, mặc dù ông Thảo khẳng định kiểm tra công tác phòng chống cháy nổ định kỳ, thường xuyên. Tuy nhiên, bà Kim, một cư dân sống ở block B1 (block xảy ra cháy), khi chung cư xảy ra cháy người dân không hề hay biết gì vì hệ thống báo cháy tại chung cư không hoạt động. Đèn exit (đèn báo ở cửa thoát hiểm) không bật sáng, hệ thống chuông báo cháy không kêu, hệ thống nước chữa cháy không tự bật. Khi xe cứu hỏa đến không thể tiếp cận hiện trường ngay được vì đường vào nhỏ hẹp khiến việc cứu hộ chậm trễ hơn.

Ông Thảo cung cấp thêm thông tin, khi lực lượng PCCC có mặt khói đã bốc lên, phủ kín đến tầng 12 tòa nhà nên công tác chữa cháy và cứu hộ gặp nhiều khó khăn. Cơ quan chức năng sẽ điều tra làm rõ việc hệ thống phòng chống cháy nổ của chung cư có hoạt động hay không để có biện pháp xử lý.

Phát biểu tại cuộc họp với Quận ủy, UBND quận 8 về vụ cháy chung cư Carina, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho rằng, vụ cháy xuất phát từ hầm, tầng căn hộ không cháy nhưng lại khiến nhiều người ở các tầng trên tử vong. Do vậy, phải điều tra làm rõ nguyên nhân, từ đó rút ra bài học về phòng cháy ở công trình có hầm. Cảnh sát Phòng CCC sau vụ việc này phải báo cáo về thực trạng phòng cháy, chữa cháy tại công trình chung cư, trước mắt là báo cáo hiện trạng phòng cháy, chữa cháy của chung cư Carina Plaza trước ngày 26-3 để Thành ủy và UBND có chỉ đạo kịp thời.

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cũng chỉ đạo, sau vụ việc này ngành chữa cháy phải tổ chức tập huấn kỹ năng thoát nạn khi cháy cho người dân. Nếu cứ để người dân hoảng sợ chạy ra bị ngạt khói hoặc nhảy từ trên xuống là quá nguy hiểm. Bên cạnh đó, phải rà soát lại quy trình phòng cháy, chữa cháy ở chung cư. Công an thành phố khẩn trương điều tra nguyên nhân vụ cháy, xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Thực tế, từ trước đến nay, các cấp chính quyền, ngành chức năng TP Hồ Chí Minh đã có nhiều giải pháp về PCCC ở chung cư nhưng vấn đề còn lại ở cách làm, tổ chức triển khai của các đơn vị liên quan, một khi việc triển khai chưa quyết liệt, căn cơ, vi phạm sẽ tồn tại, cháy nổ sẽ còn xảy ra, hậu quả sẽ còn nhiều gia đình mất người thân vì “giặc lửa”.

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, xảy ra tình trạng cháy nổ thường xuyên tại các chung cư là do chế tài đối với những vi phạm về an toàn PCCC hiện nay chưa nghiêm, chủ yếu là xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức cảnh cáo, phạt tiền. Mức phạt còn quá thấp, chưa đủ tính răn đe. Do đó, nhiều chủ đầu tư vì quan tâm đến lợi nhuận trước mắt mà lơ là trách nhiệm về an toàn PCCC dẫn đến những hậu quả đáng tiếc xảy ra. Cần phải xử lý nghiêm minh, kể cả biện pháp xử lý bằng pháp luật đối với những chủ đầu tư tự ý đưa người dân vào ở tại các tòa nhà chung cư khi chưa được nghiệm thu, chưa có công trình PCCC.

Theo V.Nguyễn – Q.Hiền/ http://www.nhandan.com.vn