Vụ việc nghi lừa đảo 36 container hạt điều xuất khẩu sang Ý là hồi chuông cảnh báo các nhà xuất khẩu trong bối cảnh lừa đảo thương mại xuyên quốc gia ngày càng gia tăng.
Mất quyền kiểm soát hàng xuất khẩu
Liên quan vụ việc 100 container hạt điều Việt Nam xuất khẩu sang Ý có nguy cơ bị lừa, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương phối hợp với Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) và các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra làm rõ nguyên nhân. Từ đó có các biện pháp xử lý, hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi cho người dân và doanh nghiệp Việt Nam.
Đại diện Bộ NN&PTNT cũng cho hay vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo về vụ việc. Theo đó, thông qua Công ty Môi giới Kim Hạnh Việt, năm công ty chế biến, xuất khẩu nhân điều đã ký hợp đồng với một số khách hàng Ý để xuất khẩu nhân điều sang nước này. Tổng lượng hàng xuất khẩu là 74 container.
Các nhà xuất khẩu Việt Nam cần thẩm định rõ đối tác để giảm rủi ro. Trong ảnh: Chế biến hạt điều xuất khẩu tại một công ty. Ảnh: QH
Các nhà xuất khẩu Việt thực hiện hợp đồng với phương thức thanh toán nhờ thu hay còn gọi là “trả tiền nhận chứng từ D/P”. Thế nhưng tính đến ngày 15-3 vẫn còn 36 trong tổng số 74 container hàng, giá trị hơn 160 tỉ đồng, đang thất lạc chứng từ.
Điều này đồng nghĩa các nhà xuất khẩu Việt Nam không còn quyền kiểm soát container hàng. Trong khi đó, theo pháp lý quốc tế, các hãng tàu bắt buộc phải giao hàng cho người nhận khi họ cung cấp đầy đủ chứng từ, tức bản chứng từ gốc mà các doanh nghiệp Việt Nam đang thất lạc và nộp phí nhận hàng.
Từ vụ việc trên, Bộ Công Thương khuyến cáo các công ty khi tham gia hoạt động xuất nhập khẩu cần kiểm tra, xác thực kỹ đối tác qua nhiều kênh khác nhau, trong đó có kênh cơ quan thương vụ Việt Nam tại các nước.
Nhiều chiêu lừa đảo
Thực tế, việc các công ty xuất khẩu hạt điều nguy cơ mất cả trăm tỉ đồng không phải là câu chuyện lần đầu mà từng xảy ra nhiều, trong đó không ít đơn vị bị lừa hàng trăm ngàn USD.
Chính vì vậy Bộ Công Thương mới đây đã phát đi cảnh báo rằng liên tục tiếp nhận, phát hiện và xử lý nhiều vụ nhà xuất khẩu Việt Nam nhận được lời mời chào bán, mua hàng, ký kết hợp đồng giao dịch thương mại có dấu hiệu lừa đảo, gian lận từ một số công ty có trụ sở ở nước ngoài.
Chẳng hạn, đối tượng lừa đảo làm giả giấy tờ, thậm chí làm giả giấy tờ ngân hàng để lấy hàng, cài người lấy chứng từ xuất khẩu. Sử dụng hacker xâm nhập địa chỉ email của hai bên doanh nghiệp đang có giao dịch, theo dõi tiến trình đàm phán. Khi bên mua chuẩn bị chuyển tiền mua hàng thì hack email hoặc tạo một tài khoản email có địa chỉ gần giống tuyệt đối với email của bên bán để gửi thông tin tài khoản lừa đảo. Sau khi bên mua chuyển tiền vào tài khoản lừa đảo, đối tượng sẽ ngay lập tức rút tiền và biến mất.
“Bên cạnh đó, đối tượng còn lợi dụng sự bất cẩn, thiếu chuyên nghiệp của các công ty trong nước để lừa đảo. Đơn cử như không yêu cầu tổ chức giám định có uy tín kiểm tra hàng trước khi giao hàng, không thẩm định các thông tin về đối tác, không có người của phía Việt Nam sang làm việc với đối tác…” – Bộ Công thương cho hay.
Một luật sư chuyên tư vấn cho các công ty xuất khẩu của Việt Nam lưu ý rằng giao dịch với đối tác mua hàng nước ngoài nếu không cẩn trọng trong ký kết hợp đồng, chọn phương thức thanh toán an toàn thì rủi ro là rất lớn. Vị luật sư này dẫn chứng câu chuyện một công ty xuất khẩu sản phẩm nhựa mới đây bị khách hàng ở Trung Đông lừa đảo mất gần 100.000 USD.
“Đối tác nước ngoài trả cọc 30% giá trị hợp đồng để tạo niềm tin nhưng khi công ty Việt Nam chuyển hàng thì họ dùng thủ đoạn tinh vi lấy chứng từ gốc và lấy toàn bộ hàng hóa cũng như xù khoản tiền còn lại phải trả” – vị luật sư kể.
Nên thuê luật sư có kinh nghiệm
Ông Nguyễn Đức Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu Tân An (Tanimex-LA), cho biết trong giao thương quốc tế có nhiều phương thức thanh toán. Tuy vậy, hiện nay đa số doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều cũng như nông sản quy mô nhỏ thường ký kết hợp đồng qua môi giới, tức qua trung gian. Còn các công ty lớn thường ký kết trực tiếp với khách hàng vì có đội ngũ chuyên môn, ngoại ngữ, kinh nghiệm về hoạt động thương mại quốc tế.
“Dù sử dụng phương thức thanh toán hay ký kết trực tiếp hay qua môi giới thì bản thân mỗi đơn vị phải tự tìm hiểu kỹ đối tác nước ngoài, tìm hiểu kỹ thị trường để tránh rủi ro như lừa đảo. Mặt khác, nếu các công ty quản lý nhân sự, sản xuất, xuất khẩu… theo tiêu chuẩn quốc tế ISO thì khi có lỗi ở khâu nào đều truy ra kịp thời và có giải pháp xử lý ngay nên giảm được rủi ro” – ông Thanh khuyến nghị.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, cũng cho rằng vụ nghi lừa hàng chục container hạt điều xuất sang Ý hay những vụ bị lừa khác đều có những nguyên nhân khá giống nhau. Đó là các công ty xuất khẩu Việt Nam chưa thẩm định rõ đối tác, thông qua môi giới; thiếu thông tin, mù mờ về đối tác nước ngoài.
Từ thực tế trên, theo ông Hậu, các công ty Việt khi xuất khẩu lô hàng có giá trị cao thì cần thuê luật sư nước sở tại hoặc luật sư Việt Nam có kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại quốc tế. Luật sư sẽ liên hệ với cơ quan chức năng nước sở tại để tìm hiểu về đối tác, nắm rõ hợp đồng, ngoại ngữ và xử lý các nguy cơ lừa đảo hay tranh chấp có thể xảy ra.
“Đây là bài học để các nhà xuất khẩu Việt lưu ý khi làm ăn với đối tác nước ngoài. Đặc biệt, các nhà xuất khẩu Việt Nam nên chọn phương thức thanh toán đảm bảo an toàn, tránh rủi ro: Bên mua phải chuyển trả trước 30%, phần còn lại 70% thanh toán bằng thư tín dụng (LC) rồi mới nhận hàng” – ông Hậu góp ý.
Tranh chấp mua bán hàng hóa gia tăng Trung tâm Trọng tài thương mại Việt Nam (VIAC) cho hay riêng trong năm 2021 đơn vị này tiếp nhận, thụ lý 270 vụ tranh chấp mới, tăng khoảng 21% so với năm trước đó. Trong đó, số vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài chiếm 18%, tranh chấp có ít nhất một bên là nhà đầu tư nước ngoài chiếm 39% và tranh chấp trong nước chiếm 43%. Lĩnh vực phát sinh tranh chấp nhiều nhất là mua bán hàng hóa với hơn 44%. Tiếp đến là tranh chấp trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ, chiếm 28%. Thống kê của VIAC cũng ghi nhận các bên tranh chấp đến từ 64 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó các tranh chấp chủ yếu đến từ các quốc gia châu Á (69%), châu Âu (17%), châu Mỹ (9%). |