Bác sĩ BV Bình Dân‘ dụ’ bệnh nhân ra ngoài mổ có thể đối mặt 5 năm tù.

Sau khi “dụ” bệnh nhân ra ngoài mổ dẫn đến tử vong, bác sĩ Phan Văn Sử – Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) đã được Hội đồng chuyên môn Sở Y tế TP.HCM kết luận có nhiều sai phạm và đã chuyển hồ sơ cho Thanh tra Sở Y tế TP xử lý; còn Bệnh viện Bình Dân đã đình chỉ hoạt động chuyên môn bác sĩ này 6 tháng. Vậy, những sai phạm của bác sĩ Sử có cấu thành tội phạm hay không?

Mới đây, trong kết luận của hội đồng Chuyên môn sở Y tế TP.HCM về cái chết của bệnh nhân Bùi Hoa Sương (66 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) vào ngày 17.4.2018 cho thấy bác sĩ Phan Văn Sử đã dùng kết quả chẩn đoán cách đó hơn 2 tháng để mổ cho bệnh nhân Sương mà không làm xét nghiệm cũng như các kỹ thuật cận lâm sàng trước khi mổ. Tình trạng bệnh nhân tại thời điểm mổ nặng hơn nhiều so với chẩn đoán trước đó 2 tháng. Điều này đã khiến cho bác sĩ không lường trước được những điều có thể xảy ra trong quá trình mổ dẫn đến bệnh nhân tử vong.

 

Đây là một ca mổ khó nhưng bác sĩ Sử và bệnh viện Đa khoa Bưu Điện – nơi bác sĩ Sử “ dụ” bệnh nhân đến mổ đã không mời các chuyên gia đến hỗ trợ mà lẳng lặng làm và dẫn đấn hậu quả nặng nề trên.

Bên cạnh đó, hội đồng Chuyên môn cũng cho rằng bác sĩ Sử đã sai phạm khi ký hợp đồng khám, chữa bệnh ngoài giờ với bệnh viện Đa khoa Bưu Điện mà không cung cấp chứng chỉ hành nghề có liên quan và chưa báo cáo với sở Y tế TP.

Trong trường hợp này, luật sư Nguyễn Văn Hậu- phó chủ tịch hội Luật gia TP.HCM cho biết bác sĩ Phan Văn Sử đã chịu trách nhiệm về chuyên môn kỹ thuật tại bệnh viện Bình Dân thì không thể ký hợp đồng hành nghề khám bệnh, chữa bệnh với bất kỳ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào khác, ngay cả khi có sự cho phép của bệnh viện Bình Dân.

“Điều này đã được quy định rõ tại Khoản 3 Điều 31 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009. Người hành nghề khám, chữa bệnh được ký hợp đồng hành nghề khám bệnh, chữa bệnh với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhưng chỉ được chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật cho một cơ sở khám, chữa bệnh”, luật sư Hậu nói.

Trong khi đó, theo luật sư Hậu việc bác sĩ Sử chỉ định mổ cho bệnh nhân Sương tại bệnh viện Đa khoa Bưu Điện mà chưa được kiểm tra bằng các xét nghiệm và các kỹ thuật cận lâm sàng khác là vi phạm Điều 55 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009.

Trong vụ việc này, mặc dù đã có kết quả kiểm tra từ bệnh viện khác nhưng nếu quyết định phẫu thuật đối với bệnh nhân thì bệnh viện cần kiểm tra lại trước thời điểm điều trị để quyết định phương pháp điều trị phù hợp.

Với những sai phạm đã được hội đồng Chuyên môn sở Y tế TP.HCM đưa ra theo nhận định của luật sư Hậu thì bác sĩ Phan Văn Sử vi phạm vào Điều 129 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội: “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính”.

Mức phạt cho hành vi này, phụ thuộc vào từng mức độ khác nhau. Đối với người vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm; làm chết 2 người trở lên thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

“Như vậy, nếu chiếu theo trường hợp của bác sĩ Phan Văn Sử thì mức phạt cao nhất dành cho vị bác sĩ này có thể lên đến 5 năm tù giam. Tuy nhiên, việc này cần phải có kết luận của cơ quan điều tra để xác định hành vi của bác sĩ Sử có đủ yếu tố cấu thành tội phạm này hay không”, luật sư Hậu nói.

Theo Hồ Quang/ motthegioi.vn