Thông tin bà Nguyễn Phương Hằng yêu cầu các bị can Trần Văn Sỹ và Đặng Thị Hàn Ni bồi thường thiệt hại 300 đến 500 tỉ đồng vì đã có hành vi xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, gây thiệt hại kinh tế Công ty cổ phần Đại Nam và gây mất uy tín Quỹ từ thiện Hằng Hữu để sung vào công quỹ Nhà nước đang được dư luận quan tâm. Câu hỏi đặt ra là mức yêu cầu bồi thường trên dựa trên căn cứ pháp luật nào và liệu có được chấp nhận?
Luật sư Nguyễn Văn Hậu – Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM – cho biết: Điều 48 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) quy định, người phạm tội có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại vật chất và thiệt hại về tinh thần cho bị hại.
Đồng thời, theo quy định tại Điều 62, Điều 63 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, bị hại và nguyên đơn dân sự trong một vụ án hình sự có quyền yêu cầu được đề nghị bồi thường thiệt hại do người phạm tội gây ra. Các mức thiệt hại được xác định theo quy định của pháp luật dân sự.
Pháp luật cho phép bị hại và nguyên đơn dân sự được phép đề nghị mức bồi thường, tuy nhiên, mức thiệt hại cần phải được chứng minh cụ thể và tuân theo đúng quy định pháp luật.
Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015 quy định thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; Thiệt hại khác do luật quy định; và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần (không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định).
Các mức thiệt hại này đã được hướng dẫn cụ thể tại Điều 9 Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP ngày 6.9.2022 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Cụ thể như sau:
– Chi phí hợp lí để hạn chế, khắc phục thiệt hại bao gồm: Chi phí cần thiết cho việc thu hồi, xóa bỏ vật phẩm, ấn phẩm, dữ liệu; có nội dung xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người bị thiệt hại; chi phí cho việc thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm; tiền tàu, xe đi lại, thuê nhà trọ (nếu có) theo giá trung bình ở địa phương nơi người bị thiệt hại chi trả, để yêu cầu cơ quan chức năng xác minh sự việc, cải chính trên các phương tiện thông tin đại chúng; chi phí tổ chức xin lỗi, cải chính công khai tại nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người bị thiệt hại và các chi phí thực tế, cần thiết khác để hạn chế, khắc phục thiệt hại (nếu có).
– Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút được xác định như sau: Trước khi danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm, người bị xâm phạm có thu nhập thực tế nhưng do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm mà người bị xâm phạm phải thực hiện những công việc để hạn chế, khắc phục thiệt hại nên khoản thu nhập thực tế của họ bị mất hoặc bị giảm sút, thì họ được bồi thường khoản thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút đó.
“Như vậy, đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại của mình, bà Nguyễn Phương Hằng phải đưa ra những chứng từ, hóa đơn, tài liệu chứng minh về thiệt hại mà mình phải chịu như đã được quy định trong Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao.
Nếu không thể đưa ra đầy đủ thì yêu cầu của bà Hằng sẽ bị đánh giá là không có căn cứ, Tòa án sẽ chỉ xem xét dựa trên các chứng cứ thực tế hiện có để xác định về mức bồi thường thiệt hại mà bà Hàn Ni, ông Trần Văn Sỹ phải chịu”, luật sư Nguyễn Văn Hậu phân tích.