Bốn công dân Việt Nam (VN) bị Facebook kiện ra tòa án bang California (Mỹ) với cáo buộc chạy quảng cáo trái phép 36 triệu USD trên nền tảng Facebook. Sự kiện này cho thấy trong thời đại 4.0 này, dù ở đâu, bạn vẫn có thể đối diện với một vụ kiện và có thể bạn sẽ phải “mất cả chì lẫn chài” nếu bạn làm sai.
Về mặt pháp lý, đây là việc một tổ chức nước ngoài khởi kiện dân sự đối với công dân có quốc tịch VN tại tòa án nước ngoài.
Trong tư pháp quốc tế, khi một vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài phát sinh, tòa án các nước có liên quan đều có thể có thẩm quyền giải quyết vụ việc. Chính vì vậy, việc xác định thẩm quyền của tòa án quốc gia trong những trường hợp này là rất quan trọng.
Thông thường, các căn cứ xác định thẩm quyền của tòa án các quốc gia sẽ được xây dựng dựa trên một số quy tắc như nơi cư trú của bị đơn, nơi có tài sản, nơi thực hiện hành vi, nơi có mối liên hệ mật thiết…
Hiện nay, giữa VN và Mỹ chưa có hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự, thương mại. Vậy nên, nếu Facebook khởi kiện tại tòa án bang California thì việc xác định pháp luật áp dụng theo các quy định của bang này của Mỹ, bao gồm cả việc xác định cơ quan có thẩm quyền thụ lý, giải quyết.
Về nguyên tắc, bản án, quyết định dân sự của tòa án Mỹ chỉ có hiệu lực thi hành trên lãnh thổ Mỹ. Vậy nên, cơ quan thi hành án của Mỹ không thể trực tiếp yêu cầu công dân VN thực hiện nghĩa vụ theo bản án, quyết định của tòa án Mỹ.
Trong khi đó, tại VN, người phải thi hành án lại có tài sản hoặc có đủ điều kiện để thực hiện những nghĩa vụ từ bản án, quyết định dân sự đó. Như vậy, để thi hành bản án, quyết định của tòa án bang California (Mỹ), trước hết người ta phải tiến hành thủ tục công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài tại VN.
Theo khoản 5 Điều 27 BLTTDS 2015, tòa án VN chỉ thừa nhận giá trị pháp lý và thực thi bản án, quyết định dân sự do tòa án nước ngoài tuyên nếu có yêu cầu. Còn theo khoản 1 Điều 423 BLTTDS 2015 thì bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài được xem xét công nhận và cho thi hành tại VN theo quy định tại điều ước quốc tế mà nước đó và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa VN là thành viên.
Trường hợp giữa VN và Mỹ không cùng là thành viên của điều ước quốc tế quy định về công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài thì tòa án VN vẫn có thể công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án Mỹ trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại. Tuy nhiên, việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại phải phù hợp, không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật VN.
Sau khi có bản án, quyết định của tòa án tại Mỹ, Facebook hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền yêu cầu tòa án VN công nhận và cho thi hành tại VN bản án, quyết định dân sự đó.
Ngược lại, người phải thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của họ cũng có quyền yêu cầu tòa án VN không công nhận bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài theo quy định tại khoản 2 Điều 425 BLTTDS 2015.
Bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài được tòa án VN công nhận và cho thi hành tại VN có hiệu lực pháp luật như bản án, quyết định dân sự của tòa án VN đã có hiệu lực pháp luật và được thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự.
Hiện nay, trường hợp cá nhân, tổ chức VN thông qua mạng Internet để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật tại VN cũng như tại các quốc gia khác đang ngày một tăng và phức tạp. BLHS 2015, Luật An ninh mạng 2018… đã được ban hành nhằm tạo hành lang pháp lý trực tiếp điều chỉnh các hành vi vi phạm, đồng thời là cơ sở pháp lý để xử lý các vi phạm.
Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành cũng đã hoàn thiện các quy định về việc công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài. Đây là động thái thể hiện ý chí bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp triệt để cho bên có quyền của các cơ quan tư pháp tại VN.
Như vậy, cho dù hành vi vi phạm pháp luật có xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong nước hoặc nước ngoài thì người thực hiện hành vi vi phạm cũng sẽ phải chịu chế tài tương ứng với hành vi vi phạm của mình. Trong mọi trường hợp, sự cách biệt về lãnh thổ không phải là “tấm chắn vô hình” có thể bảo vệ cá nhân, tổ chức trước hành vi vi phạm xuyên quốc gia của mình.