Tại TP Hồ Chí Minh, hình thức gọi xe công nghệ qua phần mềm trên điện thoại thông minh ngày càng phổ biến, thuận tiện cho người sử dụng, qua đó thu hút đông đảo lực lượng lao động tham gia chạy xe công nghệ như một nghề kiếm sống. Tuy nhiên, quyền lợi của người lao động (NLÐ) tham gia vào mô hình “kinh tế chia sẻ” của các doanh nghiệp (DN) vận hành chưa được bảo đảm, đối xử chưa công bằng cho nên rất cần vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như tổ chức đoàn thể nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của lực lượng lao động này.
Hình ảnh những người chạy xe công nghệ như Grab, Gojek, Be di chuyển trên các tuyến đường của thành phố không còn xa lạ. Hầu hết những người chạy xe là nam giới, gần đây có cả nữ giới tham gia. Tự chủ thời gian, ít bị ràng buộc trách nhiệm nhưng vẫn có được nguồn thu nhập ổn định để cải thiện cuộc sống cho nên nhiều người đã chọn nghề này, thành phần tham gia khá phong phú. Ðó là những người chạy xe ôm truyền thống chuyển sang, lao động phổ thông, công nhân, sinh viên, người buôn bán nhỏ, thậm chí có cả nhân viên văn phòng…
Em Phạm Quang Sang, sinh viên năm thứ hai, Trường đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh (Hutech) chia sẻ: “Một tuần hai ngày được nghỉ học nên em chạy Gojek kiếm thêm tiền phụ gia đình đóng học phí. Hình thức tham gia khá dễ dàng, chỉ cần cung cấp thông tin cá nhân để làm biên bản giao kết; thích thì mở app chạy, không thì thôi, không có gì phải ràng buộc…”. Xem chạy xe công nghệ là nghề tay trái, anh Lê Văn Lợi (ngụ quận 6) thu xếp vừa làm công việc bốc xếp hàng ở chợ Bình Tây vào ban ngày, còn buổi chiều và ban đêm đăng ký chạy GrabCar. Ban đầu anh Lợi thuê xe ô-tô bốn chỗ để chạy, một năm sau, khi đã quen việc, anh quyết định mua xe và bỏ hẳn nghề bốc xếp. “Mình đã 50 tuổi không còn đủ sức để khiêng vác nặng nên quyết định học lái xe và đăng ký chạy xe công nghệ. Lái xe Grab chủ yếu là hưởng chiết khấu giữa hãng và người chạy xe, chạy nhiều hưởng nhiều chứ không có bất cứ chế độ, quyền lợi nào khác”.
Theo phản ánh của giới chạy xe công nghệ, hiện nay, tỷ lệ chiết khấu giữa các app và người chạy xe dao động trong khoảng từ 20% đến 30% (DN nhận 30%, người chạy xe nhận 70%). Ngoài ra, tùy chính sách mỗi hãng, người chạy xe có thêm nguồn thu từ tiền thưởng do chạy vượt định mức. NLÐ và DN không ký kết hợp đồng lao động, họ chỉ cung cấp cho DN đơn xin việc; các chế độ đối với NLÐ được quy định theo Luật Lao động như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trợ cấp thất nghiệp và các chế độ khác theo luật định… không có.
Bà Phùng Ngọc Bích, Phó trưởng phòng Lao động tiền lương, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cung cấp thông tin: Người chạy xe công nghệ là một phần lao động phi chính thức (chiếm 45% tổng lượng lao động tại thành phố), công việc bấp bênh, hầu hết trình độ thấp. Do đó, thành phố nên đưa đối tượng chạy xe công nghệ vào nhóm hợp tác xã, hoặc nghiệp đoàn để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho họ. Ðây là giải pháp trong tầm tay và thuộc thẩm quyền của các cơ quan quản lý nhà nước liên quan.
Theo ông Tạ Long Hỷ, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun), đơn vị quản lý thương hiệu Ta-xi Vinasun, nhận định, để bảo đảm đầy đủ quyền lợi của người chạy xe, DN thiết lập dịch vụ gọi xe công nghệ phải ký hợp đồng lao động với NLÐ để ràng buộc trách nhiệm của hai bên, nhất là các chế độ cho NLÐ theo luật định. Hợp đồng này còn quy định nghĩa vụ và trách nhiệm của DN và NLÐ về thuế đối với Nhà nước. Ta-xi Vinasun hiện có hơn 3.000 lái xe và tất cả đều được công ty ký kết hợp đồng lao động, kể cả người chạy xe nhượng quyền và thương quyền (chiếm 25% trong tổng số lái xe truyền thống) để bảo đảm các chế độ đối với NLÐ…
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Ðoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho rằng, người chạy xe công nghệ làm việc trong điều kiện rất bất lợi, giờ làm việc trung bình của họ từ 10 đến 12 giờ một ngày nhưng thu nhập vừa đủ, không được hưởng tiền làm thêm hay nghỉ có hưởng lương. Giữa các nền tảng công nghệ và những người chạy xe không được xác định bằng hợp đồng lao động, vì vậy họ không được hưởng đầy đủ các quyền lợi của NLÐ. Ðiểm mấu chốt để hình thành quan hệ lao động là phải có quan hệ trả lương giữa người sử dụng và NLÐ, nhưng thực tế hiện nay, hãng xe làm nhiệm vụ kết nối với hành khách và được hưởng một khoản chiết khấu từ doanh thu của người chạy xe. Do đó, cần xác định những người chạy xe công nghệ với tư cách là một nhân viên, một NLÐ; qua đó xác lập quan hệ việc làm, quan hệ lao động giữa họ và người sử dụng lao động để bảo đảm quyền lợi về lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các phúc lợi khác.
Ðại diện Cục thuế TP Hồ Chí Minh nhận định, qua thực trạng và chính sách liên quan đến loại hình xe công nghệ hiện nay có thể thấy, người chạy xe (đối tác) rất yếu thế trong mối quan hệ với các công ty sở hữu công nghệ kết nối. Các công ty này hoàn toàn quyết định trong các chính sách về giá, trả thưởng, điều phối chuyến xe…; người chạy xe được gọi là đối tác, nhưng họ không được các quyền thỏa thuận, hoặc quyết định trong hợp đồng hợp tác kinh doanh. Ðại diện Cục Thuế thành phố cũng kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước nên có quy định ủy quyền cho tổ chức có thể đăng ký mã số thuế cá nhân kinh doanh bằng danh sách, tương tự như NLÐ có thu nhập từ tiền lương, tiền công…