(ĐSPL) – Tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, người hành hung nữ luật sư sẽ bị cơ quan có thẩm quyền quyết định xử phạt vi phạm hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự.
Sau khi bài viết “Nữ luật sư bị đương sự đánh gãy răng ngay trong phòng xử án” được đăng tải, chúng tôi đã nhận được rất nhiều phản hồi từ các Luật sư, Chuyên gia pháp lý…. Bài viết này, chúng tôi xin đăng tải ý kiến của Luật sư Nguyễn Văn Hậu – Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam về sự việc trên.
Khi bàn về sự việc Luật sư Võ Thị Tiết – Đoàn luật sư Bình Định tố bị đương sự đánh gãy răng ngay tại phòng xử án. Luật sư Hậu thẳng thắn: “Trong vụ việc này, nếu cơ quan có thẩm quyền xác định nội dung đơn tố cáo của luật sư Tiết là chính xác thì sẽ có các biện pháp nhằm xử lý thủ phạm. Tuy nhiên, tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi vi đánh luật sư như trên, người có hành vi này sẽ bị cơ quan có thẩm quyền quyết định xử phạt vi phạm hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo quy định của pháp luật tố tụng thì trước khi bắt đầu phiên tòa, Thư ký Tòa án sẽ phổ biến nội quy của phiên tòa về thái độ, cách xưng hô, cách trình bày ý kiến cho người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng và những người tham dự phiên tòa. Mục đích của việc phổ biện nội quy nhằm bảo đảm tính trang nghiêm của phiên tòa, bảo đảm cung các ứng xử cũng như bảo vệ tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của những người có mặt tại phiên tòa.
Trong quá trình giải quyết vụ việc, vụ án tại tòa, các bên tham gia tự giác tuân thủ nội quy của phiên tòa, giữ gìn trật tự và tôn trọng các bên tham gia. Mọi hành vi gây mất trật tự, quy phạm nội quy ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của phiên tòa đều có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Hành vi đánh luật sư tại phiên tòa (ngay phòng xử án) một mặt là hành vi gây mất trật tư tại phiên tòa, vi phạm nội quy, hành vi này sẽ bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính như phạt cảnh cáo, phạt tiền (đến 1.000.000 đồng), tịch thu tang vật phương tiện vi phạm hành chính, buộc rời khỏi phòng xử án hoặc tạm giữ hành chính (nhưng vẫn đảm bảo việc tham gia của họ trong thủ tục xét hỏi tại tòa nếu như việc xét hỏi là cần thiết cho quá trình xét xử và ra phán quyết).
Biện pháp áp dụng, mức áp dụng do thẩm phán Chủ tỏa phiên tòa quyết định, chỉ tuân theo quy định của pháp luật mà không cần trao đổi thống nhất với các thành viên khác của Hội đồng xét xử cũng như Kiểm sát viên. (căn cứ theo quy định tại Điều 48 Luât xử lý vi phạm hành chính 2012).
Luật sư Nguyễn Văn Hậu – Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam thẳng thắn bày tỏ quan điểm về tình trạng mất an toàn với các luật sư hiện nay.
Mặt khác, việc đánh người của đương sự còn có thể bị xử phạt hành chính đối với hành vi “cố ý gây thương tích cho người khác” được quy định tại điểm a khoản 3 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng và bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiên vi phạm (nếu có).
Ngoài việc bị xử phạt hành chính thì bà C. còn có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại điều 104, Bộ luật hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Nếu hành vi đánh luật sư của bà C. và những người khác có đủ yếu tố cấu thành của tội này.
Do vậy, trường hợp này, các cơ quan chức năng cần “vào cuộc” để tiến hành điều tra, giám định tỉ lệ thương tật của nạn nhân (luật sư) để xem xét các dấu hiệu tội phạm. Trường hợp tỉ lệ thương tật của nạn nhân trừ 11% đến 30% hoặc dưới 11 % nhưng thuộc các trường hợp quy định tại điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 104 thì vụ án chỉ được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại hoặc đại diện của họ (căn cứ Điều 105 Bộ luật tố tụng hình sự).
Còn nếu hành vi vi phạm rơi vào những trường hợp quy định tại khoản 2, 3, 4 Điều 104 thì vụ án sẽ được khởi tố theo yêu cầu cầu của cơ quan có thẩm quyền (căn cứ Điều 104 Bộ luật tố tụng hình sự).
Trong trường hợp người có hành vi trên bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà qua quá trình điều tra cơ quan có thẩm quyền phát hiện có đồng phạm _ người tổ chức (chủ mưu) thì cần thiết cũng cần truy cứu trách nhiệm hình sự cá nhân này theo quy định của pháp luật hình sự.
Trong trường hợp hành vi đánh người của người vi gây ra thiệt hại thì phía người bị hại cũng có thể yêu cầu người có hành vi vi phạm bồi thường thiệt hại thực tế (nếu có) theo quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng tại chương XXI Bộ luật dân sự.
Ngoài đưa ra những nhận định, phân tích cặn kẽ của mình về trường hợp cụ thể trên thì Luật sư Hậu cũng thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình về tình trạng mất an toàn mà các luật sư đang phải đối mặt trong khi hành nghề: “Luật sư trước hết là một công dân bình thường, giống như những người khác được pháp luật bảo vệ về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm. Tuy nhiên, vì nghề Luật sư là một ngành nghề đặc thù, liên quan đến luật pháp, tiếp cận với nhiều thành phần khác nhau trong xã hội trọng đó không thể tránh khỏi những đối tượng xấu trong xã hội. Do đó, nhiều Luật sư thường xuyên phải đối mặt với nguy hiểm và rủi ro trong quá trình hoạt động nghề nghiệp của mình. Đặc biệt với những Luật sư tham gia tranh tụng những vụ án có tính chất phức tạp”.
Rất tiếc là pháp luật hiện hành chưa có một văn bản cụ thể nào về việc bảo vệ quyền lợi, đảm bảo an toàn về tính mạng và sức khỏe của luật sư khi ngành nghề. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, luật sư cũng là một người công dân, do đó trong trường hợp tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của luật sư bị xâm hại thì cá nhân, tổ chức có hành vi này đều phải chịu chế tài về dân sự, hành chính và hình sự (nếu có) theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, điều quan trọng là mỗi người luật sư, hơn ai hết phải có ý thức bảo vệ chính bản thân mình. Bằng việc nắm vững các nguyên tắc nghề nghiệp, tiếp thu kinh nghiệm từ những người đi trước, trau dồi những kĩ năng cần thiết cho hoạt động nghề nghiệp của mình, đặc biệt là hoạt động tranh tụng. Đối với những vụ việc phức tạp, có tính chất nghiêm trọng thì cần thiết luật sư cũng có thể kiến nghị các cơ quan chức năng, tòa án lên phương án để đảm bảo an toàn cho các bên, bảo vệ chính mình.
Về phía các cơ quan chức năng, trong các phiên tòa cũng như những hoạt động có liên quan đến việc giải quyết vụ án, cần thiết phải bố trí lực lượng cảnh sát, lực lượng cảnh vệ tham gia bảo vệ, giữ gìn an ninh trật tự, sự trang nghiêm của Tòa án và an toàn cho những người tham gia. Hiện nay, phần lớn các nước trên thế giới đều có lực lượng cảnh sát tư pháp bảo vệ tại các phiên tòa. Tuy nhiên, việc hỗ trợ tư pháp của lực lượng này ở Việt Nam hiện nay chỉ được thực hiện tại Tòa án cấp tỉnh, nơi được dự liệu có số lượng người tham gia đông, tranh chấp phức tạp, căng thẳng và chỉ được hỗ trợ khi có công văn yêu cầu.
Trước đó, vào sáng 20/12 Luật sư Võ Thị Tiết – Đoàn luật sư Bình Định tham gia bào chữa cho thân chủ là ông Phan Đình Thiện trong một vụ án dân sự tại Toàn án nhân dân TP Pleiku. Khi HĐXX chuẩn bị xử, nguyên đơn là bà Diệp Thị Khánh Cúc đã cho người hành hung ông Thiện. Thế nhưng HĐXX không có biện pháp can thiệp gì sau khi nghe ông Thiện và Luật sư Tiết trình báo, với lý do không chứng kiến sự việc.
Đến 11h cùng ngày, sau khi kết thúc phần tranh luận, HĐXX tuyên bố nghỉ để nghị án. Thì bà Cúc cùng với một số đối tượng lạ mặt xông tới bàn luật sư Tiết hành hung. Cụ thể, bà Cúc cùng các đối tượng trên có hành động vứt cặp của bà xuống đất, đập điện thoại di động, đấm vào đầu, mặt và cào cấu khắp người nữ luật sư này ngay trong phòng xử án. Chỉ tới khi một thư ký tòa tên Vinh chạy vào, nhóm này mới dừng đánh Luật sư Tiết và bỏ đi.