Việc người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng vũ lực khi xảy ra va quẹt là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị xử phạt hành chính hoặc phạt tù.
Thời gian gần đây, xảy ra nhiều vụ việc do va quẹt với nhau khi tham gia giao thông, thậm chí chưa va quẹt, nhưng tài xế ngay lập tức có hành vi gây gổ, chửi bới, thậm chí đánh người. Nhiều vụ việc sau đó đã được cơ quan chức năng khởi tố vụ án, bắt người sử dụng vũ lực.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu – Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM – cho rằng, khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, người điều khiển cần phải tuân thủ quy định pháp luật về an toàn giao thông, phải có văn hóa giao thông tối thiểu nhằm đảm bảo tình hình giao thông trật tự an toàn cho bản thân, những người xung quanh.
Việc người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng vũ lực khi xảy ra va quẹt là hành vi vi phạm pháp luật; tùy mức độ nghiêm trọng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hành vi gây rối trật tự công cộng, sẽ bị xem xét xử lý theo các quy định của Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.
Trường hợp hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không đủ yếu tố cấu thành tội phạm sẽ bị xử phạt theo Điểm a, Khoản 5, Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP, với mức phạt từ 5 triệu đồng đến 8 triệu đồng.
Trường hợp hành vi của người vi phạm có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì tùy theo vụ việc, mức độ nghiêm trọng thực tế, người phạm tội có thể bị truy cứu về một hoặc toàn bộ các tội danh như “Tội đe dọa giết người”, “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hạn cho sức khỏe của người khác” và “Tội gây rối trật tự công cộng” lần lượt tại các Điều 133, 134, 318 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017). Mức án người phạm tội phải chịu với từng tội danh như sau:
Với tội đe dọa giết người: Người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù nhẹ nhất 6 tháng, nặng nhất 7 năm.
Với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hạn cho sức khỏe của người khác: Người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù nhẹ nhất 6 tháng, nặng nhất 20 năm hoặc tù chung thân.
Với tội gây rối trật tự công cộng: Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù nhẹ nhất 3 tháng, nặng nhất 7 năm.
Khi một người có nhiều hành vi phạm tội, thì Tòa án sẽ quyết định hình phạt đối với từng tội và tổng hợp toàn bộ hình phạt thành hình phạt chung và hình phạt chung không được vượt quá 3 năm trong trường hợp hình phạt chung là cải tạo không giam giữ, không quá 30 năm trong trường hợp hình phạt chung là tù có thời hạn; nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tù chung thân thì hình phạt chung là tù chung thân.
NAM DƯƠNG
Nguồn: Báo Lao Động
https://laodong.vn/phap-luat/danh-nguoi-khi-va-cham-giao-thong-co-the-bi-phat-tu-1437569.ldo