‘Không nên giao tài sản đặc biệt lớn của bà Trương Mỹ Lan cho SCB xử lý’

TP HCM – Bào chữa cho cựu tổng giám đốc SCB, luật sư cho rằng tài sản “khủng” bị kê biên, thu giữ trong vụ án cần để cơ quan thi hành án xử lý, còn giao cho SCB sẽ không khách quan.

“Vụ án này có phần giống vụ án Minh Phụng – Epco ở phần dân sự. Ở vụ án Minh Phụng – Epco, tòa án ra phán quyết giao khối tài sản khổng lồ cho ngân hàng, nhưng đến nay vẫn chưa xử lý xong nợ”, luật sư Lê Hồng Nguyên nói trong phần bào chữa cho bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn, cựu tổng giám đốc SCB, ngày 18/11. Vì thế, theo ông, tài sản vụ án Vạn Thịnh Phát cần giao cho cơ quan thi hành án tiến hành thi hành án khi bản án có hiệu lực pháp luật, để khắc phục triệt để hậu quả.

Bản án sơ thẩm xác định bị cáo Văn là đồng phạm tích cực của bà Lan về các hành vi tại SCB, bị phạt tù chung thân về tội Tham ô tài sản,18 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng;tổng hợp là chung thân. Cựu CEO SCB bị cáo buộc từ 2013 đến 2017 đã ký hợp thức hồ sơ cho 290 khoản vay, gây thiệt hại cho ngân hàng hơn 60.000 tỷ đồng. Từ 2018 đến 2020 (trước khi nghỉ việc), Văn đã ký hợp thức hóa hồ sơ cho 348 khoản vay, giúp bà Lan chiếm đoạt 192.000 tỷ đồng và gây thiệt hại 101.000 tỷ đồng lãi phát sinh.

Tại tòa phúc thẩm, đại diện VKS ghi nhận bị cáo một số tình tiết giảm nhẹ mới, đề nghị HĐXX giảm cho bị cáo còn 14-16 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; y án tội còn lại.

‘Vụ án lớn nhất lịch sử tố tụng’

Nêu quan điểm về vấn đề xử lý phần trách nhiệm dân sự chung của vụ án, luật sư Nguyên cho rằng đây là vụ án “có thể nói là lớn nhất lịch sử tố tụng Việt Nam từ xưa đến nay”, nên việc xử lý hậu quả vụ án cần được các cơ quan tố tụng đặc biệt quan tâm. Nếu xử lý tốt, các bị cáo là thân chủ của ông cũng sẽ được hưởng lợi vì hậu quả vụ án được khắc phục, và thời gian chấp hành hình phạt cũng theo đó được xem xét giảm nhẹ.

Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn tại tòa phúc thẩm. Ảnh: Thanh Tùng

Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn tại tòa phúc thẩm. Ảnh: Thanh Tùng

Theo luật sư, thực tiễn xét xử các vụ án hình sự có liên quan các tổ chức tín dụng hoặc tổ chức tín dụng là bị hại trong vụ án, đã cho thấy việc giao tài sản cho họ sẽ làm ảnh hưởng lớn đến việc khắc phục hậu quả. Bởi các tổ chức tín dụng không có cơ chế để xử lý tài sản một cách tốt nhất, khách quan nhất như cơ quan thi hành án.

“Họ là bị hại trong vụ án thì lại càng không khách quan khi xử lý tài sản. Hơn nữa, các tài sản trong vụ án này đều là vật chứng – theo quy định pháp luật cơ quan tố tụng phải kê biên, phong tỏa… và phải xử lý theo đúng pháp luật. Việc xử lý tài sản phải nhanh chóng, tránh thất thoát”, ông Nguyên nêu quan điểm.

Luật sư Nguyên nhận mình là một trong những người đang tham gia xử lý tài sản vụ Minh Phụng – Epco. Ông cho biết, vụ án này có tổng số nợ hơn 6.000 tỷ đồng. Tài sản thu giữ gồm: là nhà xưởng, máy móc, bất động sản… được giao cho ngân hàng xử lý. Tuy nhiên, ngân hàng không đem bán đấu giá, có trường hợp ngân hàng lấy làm trụ sở chi nhánh, phòng giao dịch… dẫn đến đã 20 năm qua hậu quả vẫn chưa khắc phục xong.

Còn thực tế trong vụ án này, theo luật sư, SCB hiện chưa có cơ chế, quy trình để giải quyết tài sản phát sinh ra lãi, nên ngân hàng này không thể tiếp tục giữ các tài sản vụ án để khắc phục hậu quả như đề nghị của VKS.

Luật sư Lê Hồng Nguyên (trái) và luật sư Nguyễn Văn Hậu tại tòa phúc thẩm. Ảnh: Hải Duyên

Luật sư Lê Hồng Nguyên (trái) và luật sư Nguyễn Văn Hậu tại tòa phúc thẩm. Ảnh: Hải Duyên

Về vai trò, tội danh, hình phạt của Võ Tấn Hoàng Văn, luật sư Nguyên cho rằng mức án này là quá nặng đối với thân chủ. Bởi trong vụ án, bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, là người chi phối mọi hoạt động của SCB sau khi hợp nhất 3 ngân hàng và sở hữu trên 91% cổ phần. Bị cáo Văn chỉ ký hợp thức hóa hồ sơ, còn chủ trương, quyết định là do bà Lan đề ra và quyết định. Tại SCB, ông Văn chỉ là người làm công ăn lương, không trực tiếp nhận chỉ đạo từ bà Lan, mà thông qua trung gian những cán bộ khác.

Thời điểm bị cáo thực hiện hành vi sai phạm khi tham gia tái cơ cấu SCB thì vốn ngân hàng đã ở trong tình trạng “vô cùng khó khăn”. Do không có tiền thanh toán các khoản vay trước, bà Lan chỉ đạo tạo lập hồ sơ cho các khoản vay sau, mục đích là đảo nợ nên ngày càng phát sinh thêm phần lãi.

“Chính bản án cũng xác định đồng tiền không ra khỏi ngân hàng, chỉ là đảo nợ bằng giấy thì sao lại quy kết thân chủ tôi chiếm đoạt”, luật sư Nguyên nói và đề nghị tòa xem xét dù bị cáo chấp nhận các tội danh không kêu oan.

Luật sư cũng nêu nhiều tình tiết giảm nhẹ khác, đề nghị tòa ghi nhận cho thân chủ để giảm nhẹ hình phạt ở tội Tham ô tài sản.

Bị cáo Bùi Anh Dũng, cựu chủ tịch SCB tại tòa phúc thẩm. Ảnh: Quỳnh Trần

Bị cáo Bùi Anh Dũng, cựu chủ tịch SCB tại tòa phúc thẩm. Ảnh: Quỳnh Trần

Cựu chủ tịch SCB ‘hoang mang nên nói nhầm số tiền bà Lan cho’

Trước đó, bào chữa cho bị cáo Bùi Anh Dũng, cựu chủ tịch SCB, luật sư Nguyễn Văn Hậu cũng cho rằng thân chủ phạm tội với vai trò mờ nhạt, hạn chế và không vụ lợi. Bởi bị cáo không trực tiếp lĩnh hội ý chí của bị cáo Lan mà chỉ thực hiện một thủ tục ký hợp thức hóa hồ sơ trong quy trình lớn; không tham gia lập hồ sơ vay, giải ngân, chuyển tiền ra khỏi SCB.

Bản án sơ thẩm xác định ông Dũng giúp sức tích cực cho bà Lan trong việc ký hợp thức hồ sơ 611 khoản vay, gây thiệt hại cho SCB 291.867 tỷ đồng. Bị cáo Dũng được bà Lan trả lương khoảng 500 triệu đồng/tháng và thưởng tết năm 2020, 2021 “là 40 tỷ đồng”.

Luật sư Hậu đề nghị HĐXX xem xét số tiền bị cáo Lan cho thân chủ. Cụ thể, tại tòa, bà Lan khai chỉ cho Dũng tiền thưởng tết 2 năm là 4 tỷ đồng, không phải 40 tỷ đồng. Còn bị cáo Dũng cũng đã trình bày là “do hoang mang, lo lắng nên đã khai sai số tiền này”. Trong giai đoạn 2020-2021 đang dịch Covid-19, kinh tế khó khăn, nên SCB không thể thưởng số tiền lên đến 40 tỷ đồng. Bị cáo sau đó đã nộp 5 tỷ đồng là đã nộp dư, nhưng bản án sơ thẩm lại buộc bị cáo Dũng nộp thêm 35 tỷ đồng.

Đến nay, bị cáo Dũng tự nguyện dùng tài sản là tiền tiết kiệm, cổ phần… tổng cộng hơn 6,8 tỷ đồng để khắc phục hậu quả chung của vụ án, đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Phiên tòa tiếp tục với phần bào chữa của các bị cáo khác.

Các cơ quan tố tụng xác định, trong 10 năm thâu tóm SCB, bà Lan đã chỉ đạo đồng phạm giải ngân cho nhóm công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát tổng cộng hơn 2.500 khoản vay. Đến tháng 10/2022, nhóm bà Lan và Vạn Thịnh Phát còn gần 1.300 khoản vay dư nợ 677.000 tỷ đồng gốc và lãi. Tòa xác định đây là số tiền thiệt hại của vụ án và bà Lan có nghĩa vụ phải bồi thường cho SCB.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bà Lan được VKS ghi nhận thêm tình tiết thành khẩn khai báo, cam kết khắc phục toàn bộ thiệt hại… đề nghị HĐXX giảm từ 20 năm xuống 16-18 năm tù về tội Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; y án tử hình đối với tội Tham ô tài sản và 20 năm tù về tội Đưa hối lộ.

Trong phiên làm việc sáng nay, bà Lan và các luật sư cho biết vừa được tiếp cận tài liệu mới, phát hiện 125.000 tỷ đồng (trong tổng số 677.000 tỷ đồng bị cáo buộc gây thiệt hại) là đã có từ thời SCB (cũ) – trước khi bà Lan tái cơ cấu SCB.

Hải Duyên

Nguồn: VnExpess

https://vnexpress.net/khong-nen-giao-tai-san-dac-biet-lon-cua-ba-truong-my-lan-cho-scb-xu-ly-4817529.html