Tách bạch chủ thể tham gia

Luật BHXH số 41/2024/QH15 đã được thông qua tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV và sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2025.

Trên cơ sở đó, hiện nay, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đang Dự thảo nghị định quy định, hướng dẫn thi hành một số điều về BHXH bắt buộc, trong đó liên quan đến mở rộng nhóm tham gia như đưa ra các phương án cụ thể để xác định ai là người phải tham gia BHXH bắt buộc, làm rõ quy định đối với chủ hộ kinh doanh, những trường hợp người lao động (NLĐ) thuộc nhiều đối tượng khác nhau và quy định đối tượng hưởng trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc… nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý và tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHXH theo quy định của Luật BHXH, tạo sự thống nhất, đồng bộ giữa các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB-XH, số người tham gia BHXH vào cuối năm 2023 mới chỉ chiếm trên 38,7% lực lượng lao động trong độ tuổi. Các nội dung được hướng dẫn tại Dự thảo nghị định rất quan trọng, mang tính định hướng từng bước mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH bắt buộc bảo đảm tính khả thi trong tổ chức thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW năm 2018. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát chỉnh sửa, bổ sung, làm rõ hơn các nội dung liên quan đến các chủ thể được bổ sung trên để bảo đảm chính sách BHXH đi vào thực tiễn đời sống.

Tại điều 3 của dự thảo nghị định quy định về đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, Bộ LĐ-TB-XH có thể xem xét chỉnh sửa, sắp xếp lại theo hướng phân chia rõ từ đầu giữa các chủ thể thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và các chủ thể không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, cụ thể tách điều 3 thành 2 điều luật riêng biệt, trong đó một điều quy định về “Đối tượng tham gia BHXH bắt buộc” và một điều quy định về “Một số trường hợp ngoại lệ các đối tượng không phải tham gia BHXH bắt buộc”. 

Quy định theo hướng như vậy sẽ hạn chế được sự nhầm lẫn giữa các chủ thể, giúp đơn giản hóa nội dung, dễ tiếp cận, dễ hiểu hơn đối với mọi người. Ngoài ra, dự thảo cần làm rõ hơn nữa các nội dung liên quan đến hưởng BHXH một lần được hướng dẫn tại điều 14 dự thảo Nghị định về căn cứ xác định người tham gia trước thời điểm Luật BHXH có hiệu lực; việc xác định 12 tháng không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc được tính là 12 tháng liên tiếp hay cộng dồn làm nhiều lần?… 

Bên cạnh đó, việc giải quyết chế độ hưu trí, tử tuất đối với NLĐ trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng cũng đặt ra một số vấn đề cần được quy định cụ thể. Ví dụ căn cứ xác định trường hợp đơn vị sử dụng lao động nào không còn khả năng đóng và cách tính thời gian chính xác tương ứng với từng NLĐ tại đơn vị đó; xác định thời điểm hưởng đối với các trường hợp sau khi thực hiện xác nhận thời gian đóng để giải quyết các chế độ; cách thức tính toán lại mức hưởng của từng trường hợp…

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM

Nguồn: Báo Người Lao Động

https://nld.com.vn/tach-bach-chu-the-tham-gia-196241207205738571.htm