(NLĐO) – Người đại diện pháp luật 116 công ty đã bị Công an TP HCM tạm giam do liên quan đến đường dây rửa tiền với số tiền cực lớn.
Ngày 28-6, một nguồn tin cho biết Chi cục Thuế quận 6 đã có văn bản cảnh báo gửi Cục Thuế TP HCM và các chi cục thuế trên địa bàn TP HCM.
Theo đó, quá trình rà soát, tra cứu dữ liệu người nộp thuế trên ứng dụng quản lý thuế tập trung (TMS), phát hiện bà Nguyễn Thị Hương (SN 1990, ngụ huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) đang làm đại diện pháp luật cho 116 công ty trên địa bàn TP HCM.
116 công ty này đều đăng ký tại TP HCM và đăng ký với tên nước ngoài. Trong đó có 5 công ty được đăng ký tại quận 6, quận Tân Bình có 22 công ty, quận Tân Phú có 15 công ty, TP Thủ Đức có 11 công ty, quận 10 có 10 công ty, quận 5 có 5 công ty…
116 công ty đều do Nguyễn Thị Hương làm đại diện pháp luật, được thành lập trong khoảng thời gian từ tháng 12-2023 đến tháng 3-2024.
Một nguồn tin xác nhận với Báo Người Lao Động, bà Nguyễn Thị Hương là người đã bị Công an TP HCM bắt tạm giam vào cuối tháng 4-2024 do liên quan đến đường dây rửa tiền.
Vào ngày 27-4, Công an TP HCM thông tin đã bắt giữ Mai Trà My (SN 1992), Mai Vũ Minh (SN 1995), Lê Thị Thắm (SN 1976), Nguyễn Thị Hương (SN 1990, quê Nam Định), Nguyễn Thị Thanh Thúy (SN 1989), Okoye Christinan Ikechukwy (SN 1985, quốc tịch Nigeria) và Eneh Davidson Caleb (SN 1996, quốc tịch Nigeria) để điều tra về hành vi rửa tiền.
Liên quan vụ án này, Công an TP HCM cũng đã bắt giữ Phạm Văn Nhân (SN 1990), Đỗ Viết Đại (SN 1971), Nguyễn Thị Kim Ngân (SN 1977) cùng nhiều người khác về hành vi vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới. Riêng Nguyễn Thị Thu Thủy (SN 1983) đang mang thai nên được tại ngoại. Tổng cộng, Công an TP HCM đã khởi tố 13 người với 2 tội danh.
Kết quả điều tra xác định Mai Trà My cùng nhiều người khác là mắt xích trong đường dây tội phạm hoạt động có tổ chức, xuyên quốc gia.
Nhóm tội phạm dùng phương thức xâm nhập email của các công ty đang trao đổi về giao dịch, hợp đồng kinh tế; tạo email giả có tên tương tự (chỉ khác một ký tự) với email công ty đối tác của bị hại để liên lạc, nêu lý do khách quan để thay đổi tài khoản giao dịch.
Các đối tượng ở nước ngoài chỉ đạo đồng phạm ở Việt Nam thành lập nhiều công ty “ma” có tên giống với tên công ty đối tác để mở tài khoản ngoại tệ USD, tài khoản VNĐ.
Sau đó, các đối tượng cung cấp số tài khoản công ty “ma” để bị hại lầm tưởng mà chuyển tiền. Khi nhận được tiền vào tài khoản ngoại tệ USD, các đối tượng đứng tên pháp nhân công ty nhanh chóng làm thủ tục đổi sang tiền VNĐ.
Ngay lập tức, nhóm này chuyển tiền vào tài khoản VNĐ rồi chuyển khoản vào tài khoản của các cá nhân khác tại Việt Nam.
Băng nhóm này rút tiền mặt đem đến cơ sở yến sào do Nguyễn Thị Thu Thủy và Phạm Văn Nhân làm chủ để thực hiện dịch vụ chuyển trái phép thành USD qua Campuchia cho đồng bọn. Ngoài ra, băng này còn mang tiền đến tiệm vàng Đ.L. (quận Tân Bình) do Đỗ Viết Đại và Nguyễn Thị Kim Ngân làm chủ để chuyển tiền sang Campuchia.
Nhóm này đã trực tiếp hoặc thuê người thành lập hơn 250 công ty “ma” nhằm mở tài khoản công ty phục vụ hoạt động phạm tội.
Các đối tượng thừa nhận đã mở hơn 700 tài khoản cá nhân phục vụ hoạt động này. Công an TP HCM đã triển khai xác minh hơn 100 tài khoản liên quan, khám xét 12 địa điểm và tạm giữ nhiều đồ vật, tài liệu liên quan.
Khi khám xét nhà vợ chồng Nguyễn Thị Thanh Thúy – Eneh Davidson Caleb, công an đã tạm giữ 234 con dấu của các công ty “ma”.
Khám xét tại cơ sở yến sào và tiệm vàng Đ.L, công an tạm giữ hơn 9 tỉ đồng và 1.5 triệu USD cùng nhiều ngoại tệ.
Tài liệu điều tra ban đầu thể hiện tổng giao dịch hoạt động vi phạm pháp luật của tiệm vàng Đ.L. là khoảng 13.000 tỉ đồng.
PHẠM DŨNG
Nguồn: Báo Người Lao Động
https://nld.com.vn/nguoi-dai-dien-phap-luat-116-cong-ty-da-bi-cong-an-tp-hcm-tam-giam-196240628122810943.htm