(Dân trí) – Trao đổi với PV Dân trí, Luật sư Nguyễn Văn Hậu – Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM – đã có những giải thích dưới góc nhìn pháp luật về vụ việc xoay quanh ca khúc “Giấc mơ tuyết trắng”.
Những ngày qua, mạng xã hội rộ lên tranh cãi về việc ca sĩ Thủy Tiên thể hiện ca khúc Giấc mơ tuyết trắng (sáng tác: Quốc Bảo) tại một phòng trà hôm 2/9 trong khi ca khúc này từng được ca sĩ Nathan Lee tuyên bố mua độc quyền.
Ca sĩ Thủy Tiên thì cho rằng đã xin phép nhạc sĩ Quốc Bảo trước khi trình diễn, kèm theo đó là hình ảnh đoạn tin nhắn trò chuyện giữa hai người. Còn ca sĩ Nathan Lee cũng tung tin nhắn chứng minh việc anh đã liên hệ với nhạc sĩ Bùi Quốc Bảo mua độc quyền ca khúc Giấc mơ tuyết trắng trong 3 năm.
Trước tình huống này, PV Dân trí đã nhiều lần liên hệ với nhạc sĩ Quốc Bảo nhưng chưa nhận được sự phản hồi. Trong khi đó, nam ca sĩ Nathan Lee thì cho biết anh đang ở nước ngoài du lịch.
Trên mạng xã hội, nhiều khán giả bày tỏ sự hoang mang, không biết ai đúng, ai sai trong tình huống này. Không ít người thắc mắc, khi một ca sĩ đã “mua độc quyền ca khúc” thì ca sĩ khác có quyền thể hiện bài hát đó không, nếu có sự đồng ý của tác giả?
Trao đổi với PV Dân trí, luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM) đã có những giải đáp dưới góc nhìn pháp luật.
Luật sư cho biết, đối với tranh chấp giữa Nathan Lee và ca sĩ Thủy Tiên, phải làm rõ việc cấp phép ở đây là “chuyển nhượng quyền tác giả” hay là việc “chuyển quyền sử dụng quyền tác giả”.
“Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ 2005, luật không quy định như thế nào là “bán độc quyền ca khúc” mà chỉ phân thành 2 trường hợp: Chuyển nhượng quyền tác giả (là việc chủ sở hữu quyền tác giả chuyển giao toàn bộ quyền tài sản của mình và quyền công bố tác phẩm được phép chuyển nhượng) và Chuyển quyền sử dụng quyền tác giả (là việc chủ sở hữu quyền tác giả cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng có thời hạn một, một số hoặc toàn bộ quyền tài sản, và quyền công bố tác phẩm của mình)”, Luật sư giải thích.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu cũng cho biết thêm, Điều 45 Luật Sở hữu trí tuệ quy định về “chuyển nhượng quyền tác giả” và Điều 47 Luật Sở hữu trí tuệ quy định về “chuyển quyền sử dụng quyền tác giả” đều cho phép chuyển nhượng Quyền Tài sản tại khoản 1 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ.
Trong đó, Quyền Tài sản có kể đến “biểu diễn tác phẩm trước công chúng trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các bản ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào tại địa điểm mà công chúng có thể tiếp cận được nhưng công chúng không thể tự do lựa chọn thời gian và từng phần tác phẩm”.
“Như vậy, nếu trong giao dịch giữa Nathan Lee với nhạc sĩ Quốc Bảo có thỏa thuận về việc chuyển nhượng các quyền tài sản trên thì việc Thủy Tiên xin phép nhạc sĩ Quốc Bảo cũng vẫn sẽ xâm phạm đến quyền của Nathan Lee bởi lúc này Nathan Lee mới là người có quyền cho phép Thủy Tiên được biểu diễn tác phẩm”, Luật sư Nguyễn Văn Hậu khẳng định.
Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM cũng cho biết, người biểu diễn tác phẩm trước công chúng mà chưa xin phép chủ sở hữu quyền tác giả sẽ bị xem xét xử phạt theo Điều 13 Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan: Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi biểu diễn trực tiếp tác phẩm trước công chúng mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định; Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với hành vi biểu diễn tác phẩm thông qua các chương trình ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định.
Bên cạnh đó, chủ sở hữu quyền tác giả khi biết được quyền sở hữu đối với tác phẩm của mình bị xâm phạm có thể tiến hành khởi kiện chủ thể xâm phạm quyền ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình và yêu cầu bồi thường cho các thiệt hại mà mình đã phải chịu.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu chia sẻ: “Có thể hiểu việc mua bán “độc quyền ca khúc”, mua bán “bản quyền”, mua bán “tác quyền” hiện nay do không dùng đúng thuật ngữ, cách hiểu của quy định pháp luật nên xảy ra các nhầm lẫn không đáng có. Cụ thể hơn, do không có các thỏa thuận rõ ràng về “phạm vi chuyển giao” trong các giao dịch nên dẫn đến việc mọi người sẽ hiểu sai phần quyền của các bên sau khi thực hiện việc mua bán “bản quyền”, “tác quyền”, “độc quyền” như đang diễn ra trong thực tế”.
Luật sư cũng nói thêm trong trường hợp tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả xác nhận bán “độc quyền” ca khúc là hình thức “chuyển quyền sử dụng quyền tác giả” thì phải xác định một cách cụ thể rằng họ cấp phép quyền nào của họ, phạm vi sử dụng các quyền đó như thế nào, trong thời gian ra sao một cách kỹ lưỡng.