Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM vừa có tờ trình UBND TP HCM đề án phố đi bộ trung tâm thành phố (giai đoạn 2022 – 2025). Đề án được nhiều chuyên gia ủng hộ và cũng lưu ý khi thực hiện phải bảo đảm các yếu tố như: tổ chức bãi đỗ, giữ xe; kết nối các dịch vụ ăn uống, vui chơi, giải trí, mua sắm hay không gian xanh để tuyến phố đi bộ thực sự là nơi thư giãn, vui chơi cho người dân.

5 tiêu chí rõ ràng

Theo đó, đề án xây dựng lộ trình mở các tuyến phố đi bộ vào các ngày cuối tuần theo 3 giai đoạn, cấm các loại xe qua lại trong thời gian tổ chức phố đi bộ. Không gian các tuyến phố đi bộ giới hạn trong khu vực trung tâm thành phố có diện tích 221 ha trong phạm vi 930 ha theo Quyết định của UBND TP HCM.

Giai đoạn 1 (từ năm 2022 – 2023), phố đi bộ được mở ở vòng xoay Công trường Quốc Tế, đường Phạm Ngọc Thạch, Công Xã Paris (từ đường Lê Duẩn đến Nguyễn Du), Đồng Khởi (từ đường Nguyễn Du đến Lê Lợi), Lê Lợi (từ đường Nguyễn Huệ đến vòng xoay Quách Thị Trang), Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu. Đối với đường Nguyễn An Ninh, Lưu Văn Lang: Ưu tiên cho đi bộ, hạn chế xe đi lại.

Giai đoạn 2 (từ năm 2023 – 2024), mở rộng phạm vi phố đi bộ trên đường Đồng Khởi (từ đường Lê Lợi – Tôn Đức Thắng), Lê Lợi (từ Nguyễn Huệ – Đồng Khởi), Công trường Lam Sơn (từ Đồng Khởi – Hai Bà Trưng), Nguyễn Thiệp (từ Nguyễn Huệ – Đồng Khởi), Mạc Thị Bưởi (từ Nguyễn Huệ – Đồng Khởi), Ngô Đức Kế (từ Nguyễn Huệ – Đồng Khởi). Các tuyến như đường Đông Du (từ Đồng Khởi – Hai Bà Trưng), Mạc Thị Bưởi (từ Đồng Khởi – Hai Bà Trưng), Hồ Huấn Nghiệp, Ngô Đức Kế (Đồng Khởi – Công trường Mê Linh), Phan Văn Đạt, Tôn Đức Thắng (từ Nguyễn Huệ – Công trường Mê Linh) sẽ ưu tiên đi bộ, hạn chế xe qua lại.

Giai đoạn 3 (từ năm 2024 – 2025), mở rộng phạm vi tuyến phố đi bộ gồm: Đường Hàm Nghi (từ Tôn Đức Thắng – vòng xoay Quách Thị Trang). Đối với đường Tôn Thất Đạm (từ Hàm Nghi – Huỳnh Thúc Kháng), Thái Văn Lung, Thi Sách sẽ ưu tiên cho đi bộ, hạn chế xe.

Đề án được xây dựng 5 tiêu chí để cơ quan chức năng xem xét, quyết định triển khai khi có đề xuất mở phố đi bộ trong thời gian tới, gồm tiêu chí 1: an toàn, an ninh; tiêu chí 2: Tính hấp dẫn; tiêu chí 3: Mức độ tiếp cận, nhu cầu; tiêu chí 4: Tính kết nối; tiêu chí 5: Khảo sát sự ủng hộ của cộng đồng. Theo Sở GTVT TP HCM, việc nghiên cứu đề án là cần thiết nhằm hoàn thiện các tiêu chí, thiết kế, kế hoạch các giai đoạn thực hiện để có lộ trình triển khai đạt chất lượng. Song song đó là kế hoạch tổ chức giao thông phụ trợ để nâng cao sự an toàn, tiếp cận, khả năng di chuyển, kết nối, sức khỏe cộng đồng, môi trường và cơ hội giải trí cho người dân, du khách đến tham quan thành phố.

MỞ THÊM PHỐ ĐI BỘ: Phải tạo sự thoải mái, an toàn - Ảnh 1.

Người dân dạo chơi ở phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TP HCM) Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Phố đi bộ phải chuyên nghiệp hơn

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM, cho rằng việc mở rộng các tuyến phố đi bộ khu trung tâm thành phố là cần thiết và triển khai sớm.

Tuy nhiên, khi triển khai cần lưu ý bố trí các dịch vụ, mua sắm, ăn uống, vui chơi, giải trí, thưởng thức văn hóa nghệ thuật… để người dân cảm nhận sự thư giãn thực sự. “Phố đi bộ phải sạch sẽ, bố trí đủ thùng rác, nhà vệ sinh, tránh trường hợp sau một sự kiện thì đường đầy rác. Bên cạnh đó, thành phố cần quan tâm thiết kế không gian xanh cho tuyến phố bởi khí hậu TP HCM thường nóng bức, cần tạo thêm các hồ nước, cây xanh để tuyến phố mát mẻ” – ông Hậu góp ý.

Theo KTS Huỳnh Xuân Thụ, Phó Chánh Văn phòng Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP HCM, việc chỉnh trang, nâng cấp đô thị khu trung tâm thành phố trong đó có xây dựng các tuyến phố đi bộ là phù hợp với điều kiện thực tế, khi thời gian tới nhiều công trình kiến trúc mới mọc lên, hệ thống giao thông công cộng như metro, xe buýt phát triển hơn. Để tuyến phố đi bộ thực sự hấp dẫn, chuyên nghiệp, không chỉ từ khâu thiết kế cảnh quan, kiến trúc, vỉa hè, giao thông…, thành phố cần lưu ý bảo đảm tính an toàn cho người dân như thiết kế vỉa hè, giao lộ, đèn ưu tiên cho người đi bộ, các góc cua phải có trụ bảo vệ, đèn chiếu sáng ban đêm cho người đi bộ.

“Ngoài ra, thành phố phải quan tâm đến hệ thống chiếu sáng cảnh quan, đặc biệt là chiếu sáng các công trình kiến trúc như tòa nhà UBND thành phố, Bến Nhà Rồng, Bưu điện thành phố; trồng nhiều cây xanh để giảm nắng nóng, khuyến khích các công trình kiến trúc mặt tiền đường xây dựng ô văng, mái che đồng bộ để làm nơi trú mưa cho người đi bộ” – KTS Thụ nói.

Kỹ sư cao cấp Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Hội Cầu đường cảng, cho biết các tuyến phố đi bộ theo đề án tập trung trên đường Lê Lợi, Đồng Khởi, nhà thờ Đức Bà và hồ Con Rùa – khu vực có mối quan hệ mật thiết với không gian ngầm của TP HCM. Cụ thể, dưới các tuyến đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi có tuyến metro số 1 đi qua cũng có không gian đi bộ ngầm, vì vậy cần đánh giá thêm khi tổ chức kết hợp các dịch vụ vui chơi, giải trí, mua sắm để tránh lãng phí trong đầu tư.

Theo Sở GTVT TP HCM, việc mở rộng tuyến phố đi bộ sẽ giúp giảm ùn tắc khu vực trung tâm, cải thiện chất lượng môi trường sống của người dân. Ngoài ra, góp phần nâng cao tính hấp dẫn, thúc đẩy phát triển du lịch, thương mại và dịch vụ ở khu vực trung tâm – nơi có nhiều di tích lịch sử, công trình kiến trúc, văn hóa đặc sắc.

THU HỒNG