Bé trai 12 tuổi trộm 18 triệu để… làm từ thiện

Hành vi không cấu thành tội phạm, cũng không thể bị xử lý hành chính nhưng cần giáo dục để trẻ hiểu rằng việc làm từ thiện phải phù hợp với thực tế và theo quy định của pháp luật.

18 triệu đồng không cánh mà bay

Cụ thể, trưa 8-9, ông HVH (54 tuổi, ngụ ấp Xáng Mới A, thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A) báo tin bị mất 18 triệu đồng. Số tiền mất trộm này trước đó ông cất trong ngăn tủ giường nằm. Nhận được tin báo, công an thị trấn đã đến nhà ông H để xem xét, giải quyết và điều tra vụ việc.

Sau khi làm việc với ông H và vợ, công an được biết trong thời gian qua, do tình hình dịch bệnh COVID-19 nên không có ai là người lớn đến nhà ông bà. Chỉ duy nhất có bé LNS (12 tuổi, ngụ cùng xóm) hay qua nhà chơi, được ông bà cho ở lại và nhiều lần cho ăn cơm cùng.

Bé trai 12 tuổi trộm 18 triệu để… làm từ thiện - ảnh 1

Thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A, Hậu Giang. Ảnh: ANH HÀO

Từ thông tin này, công an tìm đến nhà bà nội của S để xác minh, làm rõ. Sau đó S thừa nhận hằng ngày qua nhà ông H chơi, ở lại ăn cơm, rồi lên giường chơi điện thoại. Đến ngày 5-9, lúc ngồi chơi trên giường, S phát hiện trong tủ của ông H có tiền nên lấy toàn bộ về cất giấu tại vườn nhà của bà nội.

Trong ba ngày từ ngày 6 đến 8-9, S lần lượt lấy số tiền là 3 triệu đồng, 6 triệu đồng và 9 triệu đồng. Rồi S đến các cửa hàng tạp hóa trên địa bàn để mua các nhu yếu phẩm như mì tôm, nước mắm, đường, bột ngọt, rau củ. Số hàng hóa này được S đem phát từ thiện cho các hộ nghèo trên địa bàn ba ấp Xáng Mới, Xáng Mới A và Thị Tứ (thị trấn Rạch Gòi).

Giáo dục để trẻ hành động hợp lý, hợp tình

Theo ThS Lâm Bá Khánh Toàn, Khoa luật, Trường ĐH Cần Thơ, tính đến thời điểm trộm tiền, S chưa đủ 14 tuổi nên chưa thể xem xét trách nhiệm hình sự cũng như không thể xử phạt vi phạm hành chính.

ThS Khánh Toàn phân tích: S tuy đã thực hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm nhưng hành vi chưa cấu thành tội phạm do S chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Vụ việc hy hữu này nếu nhìn dưới góc độ xã hội có thể thấy mục đích, động cơ vi phạm của S là để làm việc tốt. Tuy nhiên, việc làm từ thiện không thể biện minh cho hành động trộm cắp.

Về góc độ pháp lý, S đang ở độ tuổi chưa đủ năng lực trách nhiệm và nhận thức đầy đủ về pháp luật. Vì vậy, sau vụ việc này, gia đình và địa phương cần giáo dục S nhiều hơn để không vướng phải những vụ tương tự có thể xảy ra trong tương lai.

“Theo tôi, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho các em nhỏ để các em hiểu rằng làm từ thiện là tốt nhưng việc làm từ thiện phải thực hiện phù hợp với thực tế và theo quy định của pháp luật. Pháp luật có tính răn đe và giáo dục, qua vụ việc này, người lớn cần giáo dục S để có suy nghĩ và hành động hợp lý, hợp tình hơn” – ThS Lâm Bá Khánh Toàn bày tỏ.

Không được xử lý hình sự, cũng không thể xử lý hành chính

Theo Điều 12 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một số điều của BLHS. Như vậy, việc bé 12 tuổi trộm 18 triệu đồng của người khác không cấu thành tội phạm do trẻ chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, theo điểm a khoản 1 Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì đứa trẻ 12 tuổi này cũng chưa đủ tuổi để chịu trách nhiệm hành chính đối với hành vi lấy cắp tiền của mình.

Theo Điều 90 và Điều 92 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (được sửa đổi năm 2020) thì người từ đủ 12 tuổi trở lên nếu có hành vi vi phạm có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng do cố ý thì có thể bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào trường giáo dưỡng.

Trong trường hợp này, bé S trộm 18 triệu đồng, tức không thuộc trường hợp tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng theo Điều 19 (phân loại tội phạm) và Điều 173 (tội trộm cắp tài sản) nên cũng không thể áp dụng các biện pháp xử lý hành chính nêu trên.

Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM

TRÚC PHƯƠNG ghi

Nguồn: Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh