(PLO)- Nếu tiệm vàng không thông báo hoặc thông báo không đúng thời hạn đến cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ bị phạt từ 10-15 triệu đồng
Mới đây, theo ghi nhận của PV PLO tại TP.HCM một số tiệm vàng bất ngờ tạm nghỉ bán.
Vấn đề pháp lý đặt ra là liệu việc tạm nghỉ bán của các tiệm vàng mà không thông báo và không được sự chấp thuận của cơ quan quản lý thì có bị phạt.
Để làm rõ vấn đề này, PLO ghi nhận ý kiến của luật sư Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM.
Kinh doanh vàng phải chịu sự kiểm soát của các cơ quan quản lý doanh nghiệp
Theo luật sư Hậu, hoạt động kinh doanh vàng, trang sức, mỹ nghệ là hình thức kinh doanh có điều kiện, được điều chỉnh bởi nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (NĐ 24).
Tuy nhiên, tùy theo loại hình sản phẩm các đơn vị kinh doanh vàng buộc phải đáp ứng các điều kiện nhất định.
Cụ thể, đối với kinh doanh vàng miếng thì phải có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.
Trường hợp kinh doanh mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ thì không cần thiết phải được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện.
Đặc biệt, nghị định 24 quy định điều kiện hoạt động đối với kinh doanh mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ “Phải là DN được thành lập theo quy định của pháp luật; có đăng ký kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ trong giấy chứng nhận đăng ký DN; có địa điểm, cơ sở vật chất và các trang thiết bị cần thiết.
Như vậy, các đơn vị kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ đều bắt buộc đăng ký kinh doanh với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và phải hoạt động dưới loại hình DN.
Vì thế, hoạt động kinh doanh của các tiệm vàng ngoài chịu sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước theo nghị định 24 mà còn phải chịu sự kiểm soát của các cơ quan quản lý DN như Chi cục thuế địa phương…
Muốn ngừng bán phải thông báo bằng văn bản
Luật sư Hậu cho rằng, toàn bộ hoạt động kinh doanh, kể cả tạm ngừng kinh doanh của DN vàng đều phải thông qua thủ tục đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về DN.
Cụ thể, đối với trường hợp DN vàng tạm ngừng kinh doanh, theo Luật Doanh nghiệp 2020 quy định “DN phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất là ba ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo”.
Nếu không thực hiện đúng DN vàng sẽ bị xem xét xử phạt vi phạm hành chính về hành vi “Không thông báo hoặc thông báo không đúng thời hạn đến cơ quan đăng ký kinh doanh về thời điểm và thời hạn tạm dừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh”.
Hành vi được quy định tại nghị định 122/2021 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư. Mức phạt từ 10-15 triệu đồng và buộc thực hiện nghĩa vụ thông báo.
Từ các căn cứ trên, DN kinh doanh vàng, trang sức, mỹ nghệ vẫn chịu sự quản lý của cơ quan đăng ký kinh doanh tại địa phương, không thể tự do đóng cửa, tạm ngừng hoạt động mà không thông báo đến phòng đăng ký kinh doanh nơi DN đặt trụ sở.
Nếu DN vàng cố tình né tránh, sẽ bị cơ quan có thẩm quyền xem xét xử phạt hành chính.
Do đó, sự việc các tiệm vàng trên địa bàn TP.HCM đồng loạt nghỉ bán thời gian ngắn trong đợt kiểm tra của Cục Quản lý thị trường là có cơ sở nếu đã thực hiện đầy đủ thủ tục thông báo tạm ngừng hoạt động.
Việc né bị kiểm tra có giúp cửa hàng vàng “vượt ải”?
Theo luật sư Hậu, việc DN vàng tạm ngừng bán chỉ mang tính đối phó và không thể giúp các đơn vị không bị kiểm tra bởi Cục Quản lý thị trường có quyền kiểm tra bất ngờ đối với các đơn vị có dấu hiệu sai phạm.
Các tiệm vàng đã đóng cửa buộc phải tuân thủ đúng theo thời gian thông báo tạm ngừng, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính.
Có thể thấy pháp luật điều chỉnh rất rõ và cụ thể về biện pháp xử lý đối với các trường hợp vi phạm nhưng có dấu hiệu né tránh.
Chỉ cần nghiêm túc áp dụng một cách hiệu quả, dần dần loại bỏ hàng giả, hàng kém chất lượng ra khỏi đời sống, đảm bảo các DN kinh doanh thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ mà pháp luật quy định.