Sáng 4-12, bước chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất, anh Thanh Nhật quyết định chọn GrabBike về nhà để tiết kiệm chi phí. Khi anh mở ứng dụng Grab trên điện thoại để đặt xe thì không thể tìm được tài xế cho mình. Dù đã thử đi thử lại nhiều lần nhưng vẫn bất thành.
Chiêu “bẫy” khách
Nghĩ rằng tất cả tài xế GrabBike gần sân bay đang bận, anh Nhật đi bộ thêm khoảng 100 m thì vô cùng ngạc nhiên khi thấy rất nhiều tài xế GrabBike đang đậu để đón khách.
Anh Nhật thử mở ứng dụng đặt thêm lần nữa nhưng cũng như những lần trước, anh vẫn không thể đặt xe. Anh liền hỏi một tài xế GrabBike đang cầm điện thoại đi tới đi lui gần đó: “Tôi muốn về đường Hoàng Sa (Tân Bình) mà sao không đặt được GrabBike vậy?”. Ngay lập tức, người này lấy điện thoại cầm sẵn trên tay, yêu cầu đặt giùm cho khách và báo giá cước xe là 62.000 đồng.
Thấy giá này quá cao, anh Nhật từ chối vì ứng dụng của anh chỉ báo số tiền 20.000 đồng. Người này liền nói nhanh: “Thôi, tôi giảm giá cho anh còn 50.000 đồng, không cần đặt qua ứng dụng nữa, đi đại đi tại giờ này giờ cao điểm, mà đây lại là sân bay giá phải khác chứ”.
Tương tự, anh Nguyễn Đức, một người làm truyền thông ở quận 10, cho biết khi vừa ra khỏi ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất, do điện thoại hết pin nên anh không thể đặt xe qua app.
“Thấy tôi đang bối rối thì từ xa một thanh niên chạy đến và bảo: “Anh muốn đặt Grab phải không, để em đặt giúp cho”. Đang vội nên tôi cũng đồng ý. Tuy nhiên, thật hoảng hồn, chiếc điện thoại của GrabBike này báo giá 135.000 đồng, dù quãng đường từ sân bay Tân Sơn Nhất về Cây Trâm (quận Gò Vấp) có giá thực khoảng 55.000 đồng” – anh Nguyễn Đức kể lại.
Các tài xế GrabBike tập trung nhiều gần sân bay nhưng khách hàng tại đây vẫn không thể đặt được xe. Ảnh: KIÊN CƯỜNG
Chỉ trong vòng vài phút, nhiều khách muốn đi xe ôm công nghệ liên tục bị các tài xế GrabBike tại sân bay chèo kéo và trả giá để chạy xe không cần ứng dụng. “Ngã tư An Sương hả, 126.000 đồng”, “đường An Dương Vương, quận 5 hả, 140.000 đồng”,… không cần nhìn ứng dụng, các bác tài xe ôm công nghệ nói giá ngay lập tức khi có yêu cầu điểm đến.
Anh Nguyễn Viết Nam (quê Nghệ An) phản ánh anh muốn đi về An Sương nhưng họ báo giá quá cao trong khi xem qua điện thoại thì từ sân bay về tới điểm đó chỉ khoảng 40.000 đồng.
“Họ chơi chiêu đó, để ý kỹ thì thấy họ cố tình chỉnh vị trí sai chút, rồi đặt GrabBike cao cấp như xe SH… nên giá chênh lệch cao lắm. Vấn đề là nếu không đi của họ thì cũng chẳng có xe nào để đi” – anh Nam nói.
Theo quan sát của PV, các tài xế xe ôm công nghệ này thường tập trung trước bãi giữ xe hai bánh ở sân bay để tiện hoạt động. Tại đây luôn có một người đứng đầu, cũng mặc đồng phục của Grab, trên tay luôn cầm điện thoại đi tới lui để điều hành xe đưa đón khách.
Đầu tiên, để “bẫy” được khách, các bác tài này kết hợp với nhau nhằm từ chối những lần đặt bằng điện thoại của khách rồi “giả tốt bụng” đặt cho khách bằng ứng dụng trên điện thoại của chính mình.
Hành khách phải tự bảo vệ mình
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Trung Thành, Giám đốc bộ phận GrabBike – Grab Việt Nam, cho biết hãng đã ghi nhận tình trạng trên. Các tài xế này không những nhập điểm đi, điểm đến sai mà còn lựa chọn hình thức dịch vụ không đúng để lấy tiền chênh lệch của khách.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Hội Trọng tài thương mại TP.HCM, cho rằng trong trường hợp này, người tiêu dùng trước tiên phải bảo vệ chính mình bằng cách phản ánh với Grab về các tài xế “chặt chém” để hãng biết và xử lý.
“Grab có bộ quy tắc ứng xử và các quy định về xử phạt với những tài xế không tuân thủ, thậm chí có thể không tiếp tục cho các bác tài này chạy nữa nên người đi xe ôm công nghệ phải cứng rắn và quyết liệt bảo vệ chính mình” – ông Hậu nói.
“Grab khuyến cáo khách hàng rằng những chuyến xe không thông qua ứng dụng sẽ không được xem là đang sử dụng dịch vụ của công ty. Khi xảy ra sự cố, Grab rất khó hỗ trợ, khách hàng đừng vì nôn nóng chưa đặt được xe mà sập bẫy các tài xế này” – ông Thành nói.
Ngoài ra, đại diện Grab Việt Nam cũng cho biết đã thông báo với phía sân bay Tân Sơn Nhất và công an khu vực nhờ phối hợp ngăn chặn tình trạng “chặt chém” hành khách như phản ánh ở trên.
Bên cạnh đó, ông Thành cũng lưu ý khách hàng nên ghi lại biển số xe rồi thông báo với hãng để hãng kiểm tra xem đó là GrabBike thật hay giả (tức những tài xế mua đồng phục Grab trôi nổi ở ngoài và tự nhận mình là GrabBike).
Ở góc độ quản lý, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, cho biết thực tế với sự bùng nổ của loại hình xe ôm công nghệ như GrabBike thì phải có giải pháp quản lý, xem loại hình này như loại hình vận tải hành khách, cùng các điều kiện hoạt động bắt buộc khác…
“Hiện nay chúng ta chỉ có Thông tư 08 của Bộ GTVT về quản lý xe ôm nhưng chủ yếu là giao chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành ban hành quy định cụ thể. Với phản ánh ở sân bay Tân Sơn Nhất, phải xem các tài xế này có sử dụng app để đặt xe hay không, có phải là tài xế Grab thật không, sau đó mới làm việc với hãng Grab về tình trạng này” – ông Hùng nhận định.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, cho biết đang đề nghị Bộ GTVT trao đổi với Hà Nội và TP.HCM để làm thí điểm hình thức quản lý với xe ôm công nghệ. Đầu tiên phải coi xe ôm công nghệ là hình thức vận tải hành khách. Tất nhiên, quản như thế nào cần phải bàn bạc cụ thể và thí điểm, trên cơ sở các hãng công nghệ quản lý tài xế và Nhà nước quản lý các nền tảng công nghệ này.