“Phòng chống tham nhũng không chỉ ở việc lớn lao, ngay cả chuyện dân nghe đến cơ quan chính quyền thì ai cũng lắc đầu rồi, vì sao, vì có tình trạng tham nhũng vặt, làm phiền dân…”, Ủy viên Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Lê Hải Châu nói.
Sáng 19.8, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam – Ban công tác phía nam tổ chức hội nghị lắng nghe phản ánh tâm tư, nguyện vọng các tầng lớp nhân dân về những bất cập trong công tác quản lý đối với đời sống xã hội; vướng mắc của doanh nghiệp; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiết kiệm trong các cơ quan hành chính nhà nước… Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam chủ trì hội nghị.
Ông Đặng Văn Khoa, Ủy viên Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, cho biết vấn đề giải ngân đầu tư công hiện nay còn chậm chạp. “Chúng ta chắt chiu tiền của dân để làm các công trình của dự án, nhưng có tiền rồi mà giải ngân không ra, thì đó là trách nhiệm rất lớn của Chính phủ”.
Ông Đặng Văn Khoa nêu bức xúc về việc giải ngân các dự án đầu tư công, gói an sinh xã hội rất chậm
PHẠM THU NGÂN |
Theo ông Khoa, việc giải ngân các gói an sinh xã hội cũng vô cùng rắc rối, đầy thủ tục dẫn đến việc giúp đỡ người dân lao động nghèo cũng chậm chạp. “Sự e dè, làm cho tròn vai đó dường như lan tỏa các cấp của chúng ta, tổn hại đến sự phát triển của đất nước”.
Ông Khoa cho hay thời gian qua, việc chống tham nhũng đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, có thực tế nạn tham nhũng, nhũng nhiễu lan tràn ở các cấp, các ngành, các cơ sở. “Tham nhũng vặt bám chặt đời sống xã hội. Đừng để nó trở thành một hiện tượng phổ biến”, ông Khoa nói.
Hội nghị quý 3/2022 của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam lắng nghe phản ánh tâm tư, nguyện vọng các tầng lớp nhân dân
PHẠM THU NGÂN |
Liên quan vấn đề này, ông Lê Hải Châu, Ủy viên Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, cũng cho biết “Việc phòng chống tham nhũng không chỉ riêng ở vấn đề lớn lao, ngay cả việc người dân đến cơ quan chính quyền thì ai cũng lắc đầu, ngao ngán vì có tình trạng tham nhũng vặt, làm phiền dân, làm người dân mất lòng tin, nhất là ở các văn phòng đăng ký dịch vụ nhà đất”.
Chính vì vậy, cần có động thái quyết liệt từ dưới “gốc”, tức cơ sở, cơ quan gần dân, tránh làm bào mòn niềm tin của nhân dân. Ông Châu cũng đề xuất xem xét lại các hoạt động dịch vụ hành chính, pháp lý. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, văn phòng một cửa, xây dựng văn hóa ứng xử… trong việc giải quyết thủ tục hành chính.
“Nhiều người tố cáo tham nhũng bị trù dập”
Luật sư Nguyễn Văn Hậu nhận định chủ trương đấu tranh phòng chống tham nhũng quyết liệt, nhưng vẫn còn lúng túng, ngại xử lý hình sự khi bàn về xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng.
Nhiều trường hợp, người tố cáo tham nhũng bị coi là phần tử gây rối, gây mất đoàn kết nội bộ; hay bị nhìn nhận là “tranh giành, kèn cựa địa vị”; bị trù dập, hạ uy tín…
Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết nhiều trường hợp, người tố cáo tham nhũng bị coi là phần tử gây rối, gây mất đoàn kết nội bộ PHẠM THU NGÂN |
Ông Hậu cho hay, muốn phòng chống tham nhũng có hiệu quả thì phải có cơ chế kiểm soát quyền lực, mà trước hết là kiểm soát thực thi người đứng đầu. Trên thực tế, việc này khó khăn, thế nên, thời gian qua, xảy ra nhóm sai phạm lớn của các tỉnh, thành phố để dẫn đến phải xử lý hình sự bí thư cấp ủy và chủ tịch UBND cấp tỉnh…
Ông Hậu cũng nêu lên một số khó khăn trong việc trưng cầu giám định hoặc định giá tài sản để xác định thiệt hại. Đơn cử, việc thực hiện giám định trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng… thường rất chậm, kéo dài, không đáp ứng yêu cầu về thời gian theo yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng, nên ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết vụ án.
Luật sư Hậu cũng đề ra các giải pháp để phát huy vai trò của MTTQ giám sát tổ chức Đảng và cán bộ nhằm góp phần xây dựng chính trị trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh hoàn thành pháp luật về phòng, chống tham nhũng bảo đảm khả thi và hiệu quả; khắc phục những sơ hở trong quản lý xã hội – kinh tế và phòng, chống tham nhũng, nhất là các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng…
Nguồn: Báo Thanh Niên
https://thanhnien.vn/tham-nhung-vat-o-cap-co-so-lam-phien-dan-lam-nguoi-dan-mat-long-tin-post1489789.html