Cơ quan Quản lý thị trường đang rao bán công khai nhiều tài sản tang vật có giá trị như điện thoại, đồng hồ thương hiệu nổi tiếng. Việc đấu giá được thực hiện như thế nào?
Tang vật trị giá tiền tỉ
Cuối tháng 7.2021, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Quảng Ninh tiến hành kiểm tra cửa hàng điện thoại Nam Luxury tại TP.Hạ Long và phát hiện, thu giữ 25 sản phẩm gồm điện thoại Vertu và đồng hồ đắt tiền, nhưng chủ cửa hàng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa.
Lô hàng iPhone tang vật vi phạm
QLTT TP.HCM CUNG CẤP |
Ngay sau khi phát hiện vụ việc, cơ quan này đã báo cáo Tổng cục QLTT, đồng thời gửi toàn bộ lô hàng nói trên lên Viện Khoa học sở hữu trí tuệ của Bộ Khoa học – Công nghệ để giám định. Theo kết luận giám định của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ, 14 chiếc điện thoại mang nhãn hiệu Vertu có nhiều dấu hiệu là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Còn đối với 5 chiếc đồng hồ đeo tay nhãn hiệu Hublot, 2 chiếc đồng hồ đeo tay nhãn hiệu Franck Muller, 4 chiếc đồng hồ đeo tay nhãn hiệu Rolex được Công ty TNHH Sở hữu trí tuệ S&O và Công ty TNHH Tư vấn sở hữu trí tuệ IPT – là các đơn vị đại diện chủ thể sở hữu nhãn hiệu Hublot, Franck Muller, Rolex tại VN – xác nhận là hàng chính hãng.
Sau đó, ngày 18.11.2021, Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh tiến hành trưng cầu giám định đối với lô hàng gồm 14 chiếc điện thoại di động nhãn hiệu Vertu tại Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an). Sau hơn một tuần, đơn vị này kết luận 14 chiếc điện thoại mang thương hiệu Vertu có phần lõi (main) là chính hãng. Trước chứng cứ xác thực của cơ quan chức năng, chủ lô hàng khai nhận toàn bộ số điện thoại, đồng hồ trên đều là hàng hóa nhập khẩu đã qua sử dụng và mua lại của nhiều người về kinh doanh kiếm lời.
Gần 1 năm sau, Cục QLTT Quảng Ninh mới ra thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản trên, gồm 14 điện thoại thương hiệu Vertu và 11 đồng hồ thương hiệu Rolex, Hublot, Franck Muller. Giá khởi điểm là 3,92 tỉ đồng. Trong đó, 14 chiếc điện thoại thương hiệu Vertu đều xuất xứ Anh và là hàng đã qua sử dụng; 5 chiếc đồng hồ đeo tay nhãn hiệu Hublot, 2 chiếc đồng hồ đeo tay nhãn hiệu Franck Muller, 4 chiếc đồng hồ đeo tay nhãn hiệu Rolex đều có xuất xứ Thụy Sĩ và cũng là hàng đã qua sử dụng. Đây đều là tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu trong vụ việc nói trên.
Hiện nay, Cục QLTT TP.HCM cũng đang tiến hành triển khai bán tài sản là tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu theo hình thức niêm yết giá. Cơ quan này cho biết tang vật bị tịch thu do vi phạm hành chính là 42 chiếc điện thoại di động thông minh iPhone 14 hiệu Apple, xuất xứ Trung Quốc, chưa qua sử dụng, có dây sạc, không có cốc sạc. Theo Cục QLTT TP.HCM, tổng giá trị lô hàng là 1,42 tỉ đồng, số tiền đặt trước là 150 triệu đồng. Người đăng ký mua tài sản phải nộp tiền đặt trước tại Cục QLTT TP.HCM. Sau khi xác định được người được quyền mua tài sản, Cục QLTT sẽ hoàn lại số tiền đặt trước cho người đăng ký mua nhưng không mua tài sản.
Bán đấu giá như thế nào?
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết theo các quy định hiện hành, việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu được thực hiện như sau: Đối với tang vật vi phạm hành chính là tiền VN, ngoại tệ, chứng chỉ có giá, vàng, bạc, đá quý, kim loại quý thì phải nộp vào ngân sách nhà nước. Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là ma túy, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, vật có giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, bảo vật quốc gia, cổ vật, hàng lâm sản quý hiếm, vật thuộc loại cấm lưu hành và tài sản khác thì chuyển giao cho cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để quản lý, xử lý theo quy định của pháp luật; Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu không thuộc trường hợp nêu trên thì tiến hành thuê tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành, nơi xảy ra hành vi vi phạm để thực hiện việc bán đấu giá; trường hợp không thuê được tổ chức bán đấu giá thì thành lập hội đồng để bán đấu giá.
Đối với lô hàng điện thoại, đồng hồ đắt tiền như các trường hợp nêu trên, nhiều ý kiến cho rằng giá bán khá cao, gần bằng với giá thị trường, do đó khó thu hút được người mua. Đại diện Cục QLTT TP.HCM cho biết: “Theo quy định tại Điều 82 luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 được sửa đổi năm 2020, giá khởi điểm để thực hiện việc bán đấu giá được xác định theo giá trị tang vật vi phạm hành chính. Việc xác định giá trị tang vật vi phạm hành chính được quy định tại Điều 60 luật Xử lý vi phạm hành chính, theo đó, tùy theo loại tang vật cụ thể, việc xác định giá trị dựa trên một trong các căn cứ theo thứ tự ưu tiên sau đây: Giá niêm yết hoặc giá ghi trên hợp đồng hoặc hóa đơn mua bán hoặc tờ khai nhập khẩu; giá theo thông báo của cơ quan tài chính địa phương; trường hợp không có thông báo giá thì theo giá thị trường của địa phương tại thời điểm xảy ra vi phạm hành chính; giá thành của tang vật nếu là hàng hóa chưa xuất bán”.
Trường hợp không thể áp dụng được các căn cứ nêu trên để xác định giá trị tang vật vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc có thể ra quyết định tạm giữ tang vật vi phạm và thành lập hội đồng định giá. Hội đồng định giá gồm có người ra quyết định tạm giữ tang vật vi phạm hành chính là Chủ tịch hội đồng, đại diện cơ quan tài chính cùng cấp và đại diện cơ quan chuyên môn có liên quan là thành viên.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu nói thêm trước khi tiến hành đấu giá, các cơ quan chức năng sẽ tiến hành thẩm định chất lượng hàng hóa và công khai tại văn bản thông báo về việc bán tài sản là tang vật vi phạm bị tịch thu. Người dân có nhu cầu mua sẽ tham khảo các nội dung về sản phẩm như chủng loại, số lượng, chất lượng, giá bán sản phẩm để từ đó quyết định có tham gia mua sản phẩm đó hay không. “Tôi thấy rằng pháp luật hiện hành đang quy định rất chặt chẽ về trình tự thủ tục bán tài sản là tang vật vi phạm bị tịch thu. Các sản phẩm, hàng hóa khi được bán ra đều đã được các cơ quan có thẩm quyền thẩm định và có thông tin cụ thể nên người dân sẽ không phải chịu rủi ro khi mua những sản phẩm này”, luật sư Hậu nhận định.
Không đấu giá hàng giả, hàng kém chất lượng
Đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định biện pháp khắc phục hậu quả là “Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn, bao bì hàng giả hoặc buộc tiêu hủy hàng giả” hoặc “Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ VN hoặc tái xuất hàng giả đối với hành vi nhập khẩu hàng giả”. Do đó, không thể đưa tang vật là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu ra đấu giá.
Ngoài ra, hàng kém chất lượng được hiểu là “Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa”, theo quy định tại điểm b khoản 7 Nghị định 98/2020/NĐ-CP thì những loại hàng hóa này sẽ được xem là “hàng giả”. Do đó, không thể đưa tang vật là hàng giả ra để đấu giá.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM
Nguồn: Báo Thanh Niên
https://thanhnien.vn/tai-san-tich-thu-duoc-ban-dau-gia-the-nao-post1522958.html?fbclid=IwAR0E-ZaLxarGusdgCTK3xaLs25-jhg_IkKEAQe-RjupS4wD4PJI7bBhqrrc