Nhiều chủ đầu tư lách luật, ký hợp đồng đặt cọc hoặc nhiều loại hợp đồng khác để thu tiền khách hàng lúc chưa đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai khiến người dân chịu thiệt.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Văn Đính – phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam – cho rằng dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi cần phải quy định rõ hơn về đặt cọc, nhất là thời điểm đặt cọc, để tránh các chủ đầu tư lợi dụng khoảng hở này huy động tiền trái phép.
Cần một bên trung gian giữ tiền cọc?
Cụ thể, nếu chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết như không xây dựng, không thể ký hợp đồng theo quy định pháp luật thì lúc đó khách hàng hoàn toàn được lấy tiền về. Thậm chí, khách hàng có thể hưởng lãi suất của số tiền đặt cọc trong thời gian gửi vào ngân hàng, khách hàng chẳng lo mất tiền.
Điều này sẽ tạo ra một thị trường chắc chắn hơn cho cả chủ đầu tư lẫn khách hàng, chủ đầu tư sẽ thấy được tính hấp thụ của thị trường đến đâu để an tâm đầu tư, còn khách hàng cũng mua được nhà rẻ hơn từ lúc đặt cọc.
* Vậy đặt cọc bao nhiêu phần trăm là hợp lý bởi có rất nhiều chủ đầu tư “tay không bắt giặc”, ngay từ đầu đã thu tiền cọc khách hàng?
– Theo tôi, dưới 20% là mức chấp nhận được. Mức đặt cọc này mang tính đảm bảo hơn bởi ít quá thì người dân cũng dễ dàng bỏ cọc.
Tuy nhiên, cái quan trọng là chủ đầu tư không được rút tiền về, như vậy theo luật hiện hành là anh đã huy động vốn trái phép khi chưa đủ điều kiện bán hàng.
Doanh nghiệp phải có thực lực mới làm dự án
* Dòng tiền không về được túi chủ đầu tư thì e rằng cũng khó để tăng thêm nguồn cung nhà ở bởi thực tế các chủ đầu tư cũng “chơi chiêu”, lấy tiền của khách hàng rồi mới làm dự án?
– Cần hiểu rõ là nếu quy định việc đặt cọc trước thời điểm đủ điều kiện bán, giao kết hợp đồng nhằm mục đích giúp doanh nghiệp xác định được thị trường, đảm bảo đầu ra. Ví dụ, anh làm dự án 1.000 căn, anh đã nhận cọc được chừng đó là yên tâm triển khai dự án. Còn nếu doanh nghiệp lợi dụng đặt cọc để huy động tiền của khách hàng là trái luật.
Doanh nghiệp phải có một nguồn vốn nhất định để thực hiện dự án tới một giai đoạn nhất định. Các ngân hàng có thể thẩm định doanh nghiệp, thấy dự án khả thi, có dòng tiền thì sẵn sàng bơm vốn giúp đẩy nhanh tốc độ hoàn thiện để có thể được bán. Đến khi đủ điều kiện ký hợp đồng, doanh nghiệp giải tỏa số tiền cọc này, chuyển thành tiền của chủ đầu tư.
Song nói gì thì nói, doanh nghiệp phải có nguồn lực ban đầu nhất định để xây tối thiểu đến phần móng của công trình, còn ngay cả chừng đó mà không có, cứ “tay không bắt giặc” thì nguy hiểm và rủi ro cho thị trường.
– Theo luật, sở xây dựng các địa phương phải thẩm định đối với các dự án nhà ở hình thành trong tương lai, nếu dự án đã đủ điều kiện bán hàng thì sẽ ra văn bản thông báo dự án đó đủ điều kiện huy động vốn.
Trước khi có văn bản của sở xây dựng xác nhận đủ điều kiện, chủ đầu tư tự bán, tự nhận đặt cọc là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế nếu chủ đầu tư, khách hàng cứ dấm dúi với nhau thì cơ quan chức năng cũng khó biết. Chỉ khi có đơn thư khiếu kiện thì cơ quan chức năng mới xử lý vi phạm.
Do đó, nếu người dân và doanh nghiệp đều có nhu cầu, cần phải mở ra các quy định để các bên thực thi thì theo tôi, việc có thể làm được là quy định một bên trung gian giám sát tiền đặt cọc này.
Môi giới cũng ngại giao dịch bất động sản qua sàn
* Dự thảo luật có quy định giao dịch bất động sản hình thành trong tương lai phải qua sàn, nhưng quy định này đang nhận được khá nhiều ý kiến phản đối?
– Nhà nước rất mong muốn có sự kiểm soát các giao dịch để bảo vệ cho tính minh bạch của thị trường và lợi ích của người tiêu dùng. Do đó, tôi cho rằng đề xuất của dự thảo đang hướng đến việc bảo vệ thị trường bất động sản ở Việt Nam một cách tốt hơn khi nó đang mong manh, nhạy cảm và lộn xộn.
Còn ở góc độ các sàn môi giới, tôi thấy nếu quy định như dự thảo luật thì cũng sẽ khó khăn hơn khi buộc các sàn, các nhà môi giới phải tuân thủ nghiêm túc các quy định pháp luật.
Bản thân các sàn, các nhà môi giới cũng chỉ muốn luật như hiện tại, sự kiểm soát không mang tính chặt chẽ, mua bán qua sàn chỉ mang tính khuyến khích. Nếu luật thay đổi, họ phải chuyên nghiệp hơn, chuẩn chỉ hơn, có mã số hành nghề, kiểm soát thông tin kỹ hơn…
Tuy nhiên, tôi thấy việc này là cần thiết bởi nó sẽ làm cho thị trường trật tự hơn, tính minh bạch cao hơn. Việc bảo vệ khách hàng sẽ tốt hơn khi các sàn phải kiểm tra tính pháp lý của bất động sản trước khi bán cho khách hàng, vì nếu rủi thì họ phải đền.
Bên cạnh đó, các sàn là người gác cửa, rất khó để các bên mua bán trốn thuế, khó rửa tiền và sàn sẽ tổng hợp thông tin, cập nhật dữ liệu cho Nhà nước để có dữ liệu thị trường, nhất là dữ liệu về giá thị trường mà trước nay chưa làm được.
NGỌC HIỂN
Nguồn: Báo Tuổi Trẻ
https://tuoitre.vn/quy-dinh-ro-ve-dat-coc-de-bao-ve-nguoi-mua-nha-20230623092628741.htm