Việc xem xét hành vi tua đồng hồ kilomet (km) theo khía cạnh trách nhiệm hình sự nhằm áp dụng quy định chu kì đăng kiểm theo số km được đánh giá vẫn còn khá khó khăn bởi mức độ hậu quả bắt nguồn từ hành vi này khó có thể đạt đến ngưỡng nghiêm trọng mà thường được xem xét trong các yếu tố cấu thành tội phạm cơ bản được quy định trong bộ luật Hình sự.
Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã giao Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu quy định chu kì đăng kiểm theo số km sử dụng để tìm ra phương án và chu kì kiểm định hợp lí đối với xe không kinh doanh vận tải, xe cá nhân và xe kinh doanh.
Lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho rằng, nếu áp dụng chu kỳ đăng kiểm dựa trên số km thì hành vi tua km cũng phải được quy định trong Luật hình sự mới đủ tính răn đe, ngăn chặn. Bởi hiện nay, việc tua đồng hồ đo số km không quá khó khăn và hiện chưa có chế tài, quy định nào để kiểm soát số km hiển thị trên ôtô. Điều này có thể dẫn đến tình trạng gian lận chu kỳ kiểm định thông qua việc điều chỉnh số km.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu – Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh nhận định phương án dùng luật pháp để kiểm soát việc tua đồng hồ km trên xe ôtô là khó thực hiện. Bởi chưa nhắc đến vấn đề cố ý tua ngược đồng hồ nhằm mục đích gian lận thì các trường hợp đồng hồ km thật sự bị hư hỏng hoặc chạy chậm hơn so với tiêu chuẩn có thể xảy ra.
Ở góc độ pháp luật, luật sư Hậu cho biết, nếu muốn đưa hành vi tua đồng hồ đo km vào một trong những hành vi bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải thỏa mãn yếu tố nguy hiểm cho xã hội.
Nếu tính chất nguy hiểm là không đáng kể thì không thể được xem là hành vi tội phạm và sẽ bị xử lí bằng biện pháp khác như xử phạt hành chính hoặc bồi thường dân sự, dựa theo khoản 2 Điều 8 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017).
Cũng theo luật sư Hậu, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) dành riêng Mục 1 Chương XXI, từ Điều 260 đến Điều 284 quy định về các tội danh xâm phạm an toàn giao thông. Hầu hết các tội danh xâm phạm an toàn giao thông đều có yếu tố cấu thành cơ bản nhất là gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỉ lệ 61% trở lên, làm chết người hoặc gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên.
“Việc tua đồng hồ km khó có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe và tính mạng của người khác, về yếu tố gây thiệt hại trên 100 triệu đồng thì cũng không khả thi bởi theo quy định tại Thông tư 55/2022/TT-BTC ngày 24/8/2022 của Bộ Tài chính, mức giá đăng kiểm đang được áp dụng hiện thời cao nhất chỉ đến 570.000 đồng đối với xe ôtô tải chuyên chở hàng trên 20 tấn, nếu kiểm định nhiều lần thì cũng phải mất đến hơn 200 lần mới lên đến con số 100 triệu đồng”- Luật sư Hậu nói.
Ngoài ra, hành vi tua đồng hồ km nhằm tránh phải đăng kiểm định kỳ có thể được xem xét xếp vào “Tội đưa vào sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng không bảo đảm an toàn” tại Điều 262 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017).
Tuy nhiên để có thể truy cứu về tội danh này thì cũng phải thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm được quy định như trên. Bên cạnh đó, hành vi chính để xem xét truy cứu tội danh này chính là việc không đăng kiểm đúng hạn, không đảm bảo tiêu chuẩn của phương tiện và gây thiệt hại, riêng hành vi tua đồng hồ km chưa đủ yếu tố cấu thành tội danh này.
“Phương án sử dụng đồng hồ km để làm căn cứ xác định thời gian đăng kiểm là vẫn còn khá phức tạp trên thực tế. Hiện tại, việc giãn chu kì đăng kiểm tự động có thể xem là phương án hữu hiệu nhất để giảm khó cho công tác đăng kiểm và hỗ trợ chủ phương tiện”- luật sư nhận định.
KHÁNH LINH
Nguồn: Báo Lao Động
https://laodong.vn/xe/neu-tinh-chu-ky-dang-kiem-theo-km-kho-ngan-chan-gian-lan-bang-luat-hinh-su-1192694.ldo