Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam với bà Nguyễn Phương Hằng – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam – về hành vi Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự.
Vậy, thế nào là việc Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và người phạm tội có thể bị xử phạt như thế nào?
Luật sư Nguyễn Văn Hậu – Ủy viên Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM – cho biết, các quyền về tự do, dân chủ của công dân được quy định trong hiến pháp và các văn bản pháp luật.
Theo đó, công dân có các quyền như tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác. Công dân có thể thông qua báo chí, trang mạng xã hội để thực hiện quyền của mình theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, nguyên tắc chung là việc thực hiện quyền tự do, dân chủ của mình phải không được xâm phạm đến quyền, lợi ích của người, tổ chức khác hay Nhà nước. Nếu xâm phạm quyền, lợi ích của người, tổ chức khác hay Nhà nước thì đó lại là hành vi vi phạm pháp luật.
Lấy ví dụ cho dễ hiểu, người dân có quyền tự do tham gia giao thông, nhưng phải đi đúng phần đường, làn đường dành cho xe của mình hay gặp đèn đỏ phải dừng lại. Nếu người dân đi sang làn đường, phần đường dành cho xe khác hay vượt đèn đỏ thì xâm phạm đến quyền của người khác.
Trên thực tế, thời gian dài vừa qua, bà Nguyễn Phương Hằng đã nhiều lần tổ chức livestream trên mạng xã hội, hay tổ chức các sự kiện khác có sự tham gia của đông đảo người dân, trong đó có nhiều lần dùng lời lẽ có dấu hiệu xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhiều người khác, trong đó có những ca sĩ, nhà báo, luật sư, người có uy tín khác…
Theo thông tin chính thức của Công an TPHCM cung cấp cho báo chí, bà Nguyễn Phương Hằng đã lợi dụng sức ảnh hưởng của bản thân, sử dụng chức năng của mạng xã hội trên Internet, tổ chức nhiều buổi phát trực tiếp nội dung thông tin không kiểm chứng, liên quan đến đời tư của người khác. Trong đó, sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.
Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân như sau:
1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
Theo tội danh này, thì không có định lượng xâm phạm như thế nào mới phạm tội, mà chỉ cần có các hành vi xâm phạm đến quyền, lợi ích của người, tổ chức khác, Nhà nước thì đã có dấu hiệu phạm tội.
Như vậy, tùy mức độ phạm tội, mà hình phạt cao nhất cho tội danh này có thể lên đến 7 năm.
Luật sư Hậu cũng khuyến cáo, trong bối cảnh các mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, việc người dân sử dụng mạng xã hội ngày càng nhiều để biểu đạt tư tưởng, ý chí, nguyện vọng của mình, nhưng cần phải hết sức thận trọng để tránh việc vì quyền tự do dân chủ của mình mà lại xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân khác hay tổ chức hoặc của Nhà nước.
Nguồn: Báo Pháp luật TP. HCM
https://laodong.vn/phap-luat/the-nao-la-loi-dung-cac-quyen-tu-do-dan-chu-1027112.ldo?fbclid=IwAR1pRkD6FUXxBoh84SLkJzWKkcrcgz57pSw0P30djyaW0KrpS9rF-fUmEBU