Luật sư cho rằng, pháp luật không cấm lấy tên người đặt cho vật nuôi, nhưng việc này (nếu có) thường xảy ra khi có sự ghét bỏ người khác, thuộc về ứng xử văn hóa và không nên xảy ra.
Dư luận xã hội đang xôn xao về việc trong cuộc tổ chức đua chó, đua ngựa tại buổi giao lưu ở Khu du lịch Đại Nam, tỉnh Bình Dương mới đây với sự có mặt của vợ, chồng bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng Giám đốc) và ông Huỳnh Uy Dũng (Chủ tịch HĐQT Cty cổ phần Đại Nam), trong đó việc lấy tên trùng với tên một số người đang có mâu thuẫn với bà Hằng đặt cho chó, ngựa. Như vậy, vụ việc này có vi phạm pháp luật và nếu có thì bị xử lý thế nào?
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Thường vụ Liên Đoàn Luật sư Việt Nam, cho biết pháp luật hiện hành không có quy định về đặt tên cho vật nuôi và cũng không có quy định cấm lấy tên trùng tên người đặt cho vật nuôi.
Tuy nhiên, theo văn hóa của người Việt Nam, rất ít khi có việc lấy tên trùng tên người đặt cho vật nuôi. Chẳng hạn, người ta hay đặt cho thú cưng những tên như Nunu, Kiki… Việc lấy tên trùng tên người đặt cho vật nuôi (nếu có) thường xảy ra khi có sự ghét bỏ người khác. Nhất là thời gian gần đây, báo chí đã phản ánh mâu thuẫn giữa bà Nguyễn Phương Hằng với một số nhà báo, luật sư, ca sĩ khiến cho nhiều người có suy diễn về vụ việc này.
Việc trong cuộc đua của vật nuôi có lấy tên trùng với tên những người đang có mâu thuẫn với mình đặt cho chó, ngựa là hành vi thuộc về ứng xử văn hóa và không nên xảy ra.
Theo Luật sư Hậu, Hiến pháp 2013 và Bộ luật Dân sự 2015 cũng đã có những quy định về việc quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân.
Trong trường hợp nếu những người có tên trùng tên với những vật nuôi được đặt tên trong cuộc đua chó, ngựa tại Khu du lịch Đại Nam mới đây, cho rằng mình bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm thì có thể khởi kiện để yêu cầu người có hành vi gây ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình phải xin lỗi, cải chính và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, nguyên tắc của luật dân sự là người khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại gì, thì phải chứng minh được thiệt hại đó do hành vi của người có lỗi gây ra.
Bên cạnh đó, nếu qua điều tra xác minh và nếu có căn cứ là có hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm của cá nhân, tổ chức, thì tùy vào tính chất, mức độ mà người có hành vi vi phạm còn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hay chế tài hình sự về Tội làm nhục người khác được quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Tuy nhiên, trách nhiệm chứng minh vi phạm lúc này lại thuộc về các cơ quan chức năng có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính hay chế tài hình sự.
Nguồn: Báo Lao động TP. HCM
https://laodong.vn/phap-luat/lay-ten-nguoi-dat-cho-vat-nuoi-co-vi-pham-phap-luat-1025756.ldo?fbclid=IwAR12sZC3NtpV3CNzzLmWYuM_3jnsNVJQqm8guQ-C8QByOIGhuFHiTZ3twWg