Con dâu để con cho bà nội nuôi, khi ly hôn thì lại đòi tiền cấp dưỡng nuôi cháu. Như vậy có đúng không?
(Bạn đọc Trần Thị C., quận 4, TP.HCM).
Luật sư Nguyễn Văn Hậu (phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM) tư vấn về việc cấp dưỡng nuôi con như sau:
– Trên cơ sở thông tin chị cung cấp và căn cứ quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình, tôi cho rằng không có cơ sở để chấp thuận yêu cầu của con dâu chị.
Cụ thể Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 đã quy định rõ “nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ” cho con chưa thành niên hoặc con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình chỉ được đặt ra trong trường hợp người cha, người mẹ đó không sống chung với con (điều 82, điều 110).
Do đó, chỉ khi trên thực tế, con dâu của chị chứng minh được bản thân có đủ điều kiện về kinh tế, thời gian, sự yêu thương, giáo dục… để nuôi dưỡng, chăm sóc con tốt nhất và mong muốn được trực tiếp nuôi dưỡng con thì mới có cơ sở để tòa án xem xét đối với yêu cầu người chồng (tức là con trai chị) thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.
Rõ ràng suốt nhiều năm qua, người con dâu giao con cho bên nội nuôi, không quan tâm, chăm sóc con của mình.
Vì không được cung cấp đầy đủ thông tin về tình trạng của người cha, vì vậy xét về tính thông thường thì cha, mẹ sẽ là người đại diện đương nhiên của con chưa thành niên theo quy định pháp luật. Chị sẽ là người chăm sóc cháu với vai trò là người bà.
Điều 104 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 đã quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của ông bà nội, ông bà ngoại và cháu.
Cụ thể ông bà nội, ông bà ngoại có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục cháu, sống mẫu mực và nêu gương tốt cho con cháu; trường hợp cháu chưa thành niên, cháu đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người nuôi dưỡng theo quy định, thì ông bà nội, ông bà ngoại có nghĩa vụ nuôi dưỡng cháu.
THỦY TIÊN
Nguồn: Báo Tuổi Trẻ
https://tuoitre.vn/khong-nuoi-con-nhung-doi-cap-duong-co-duoc-khong-20240320100111184.htm